Hà đá: Món quà đặc biệt của biển mùa Xuân

Những ngày đầu xuân, Hải Phòng vẫn rộn ràng với nghề gõ hà đá của ngư dân tại các bãi biển: Đồ Sơn, Cát Hải, đảo Cát Bà,... Hà đá 'nhỏ mà có võ', tạo nét riêng đặc biệt và thêm phần phong phú cho ẩm thực Hải Phòng.

Hà đá (hay hà biển) cùng họ với hàu nhưng có vỏ ngoài sần sùi, sắc lẹm. Chúng sống bám vào các ghềnh đá ven biển. Với tập tính sinh sống bám rất chắc vào vật thể khác của con hà, khi thu hoạch ngư dân thường sử dụng chiếc búa có hai đầu nhọn (hay còn gọi là diều hàu) để nạy vỏ dễ dàng và thuận tiện hơn. Công việc “gõ” hà diễn ra ròng rã quanh năm nhưng vất vả nhất vào vụ mùa đông (từ tháng 12 tới tháng 5 năm sau), không nghỉ dù Tết đến, xuân về, để chất lượng hà ngon và ngọt nhất.

Thông thường, tiểu thương Hải Phòng chỉ mang ra chợ bán trên dưới 2kg hà đá

Thông thường, tiểu thương Hải Phòng chỉ mang ra chợ bán trên dưới 2kg hà đá

Món quà đặc biệt của biển

Không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế cho những ngư dân Hải Phòng, hà đá còn có những ưu điểm về dinh dưỡng, như: Bổ sung vitamin E, vitamin C; tốt cho tim mạch, xương và mắt,... chưa kể còn đa dạng về cách chế biến.

Chị Trần Thị Bích, một người dân cư trú tại đường Trần Nhật Duật, phường Cầu Đất cho biết: “Hà là món ngon phù hợp cho gia đình ngày Tết. Vị béo, bùi mà nấu cùng canh chua hoặc nấu cháo cũng rất ngon, giá thành hợp lý nên khoảng 1-2 tuần mình lại mua về nấu cho gia đình. Tuy nhiên phải đi chợ vào sáng sớm thì mới mua được hà ngon, phải chọn những con hà tươi béo, nhiều nước thì thịt mới ngọt”.

Để tìm hiểu sâu hơn về nghề gõ hà, Phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân đã tìm đến chợ Cố Đạo – một khu chợ ẩm thực nổi tiếng, nằm trong khu dân cư cổ trước đây của thành phố. Tại đây, tiểu thương bày bán rất nhiều hải sản tươi ngon: Tôm, cua, cá quậy nhảy khắp nơi, nhưng tuyệt nhiên, khó tìm được gian hàng nào bán hà đá.

Nhờ sự chỉ dẫn nhiệt tình của người dân bản địa, PV may mắn gặp được gian hàng của chị Vũ Kim Thoa (51 tuổi). Chị hành nghề buôn bán lâu năm tại chợ Cố Đạo, được nhiều khách hàng tìm tới để mua hà tươi sống. Giải thích vì sao đang vào mùa mà lại ít người buôn hà đến vậy, chị Thoa chia sẻ: “Từ sáng sớm họ đã bán hết hà rồi, mỗi lần thu hoạch cũng ít nên bán nhanh lắm. Không ra sớm là không kịp mua đâu, nhất là vào dịp đầu năm nữa”.

Tâm sự về quá trình thu hoạch hà đá những ngày này, chị Thoa kể rằng, cứ tầm cuối giờ chiều cho đến tối muộn là ngư dân đem đồ nghề, gồm một chiếc diều hàu và một cái cặp lồng ra bãi biển Đồ Sơn để gõ hà. Hôm nào nước lên nhanh thì thu hoạch được ít, hà bé, bán không được bao nhiêu. Có lúc phải ra biển vào sáng sớm ngày hôm sau để có đủ hà đem đi bán. Còn vào những ngày cuối năm cũ, đầu năm mới se lạnh thì nước rút sớm, lại được mùa nên vỏ hà to, ngọt thịt, dễ bán với giá cao. Có thể thấy được, với sức lao động của 1 người/ngày sẽ thu hoạch tối đa khoảng 2kg - 2,5kg hà, bán với giá trung bình là 200.000 nghìn đồng/kg, phần nào giúp các gia đình ngư dân trang trải cuộc sống.

Hà biển bám thành từng mảng trong các khe đá trên bãi biển Đồ Sơn

Hà biển bám thành từng mảng trong các khe đá trên bãi biển Đồ Sơn

Những hiểm nguy kề cận

Ngoài những lợi ích có được từ nghề thu hoạch hà đá, ngư dân ở đây cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro lớn. Do môi trường làm việc gắn liền với biển cả, đã có không ít người bị ngã vì đứng trên ghềnh đá phủ rêu trơn trượt nguy hiểm. Chưa kể, thời tiết lạnh đông - xuân dễ gây ra bệnh cảm, đau nhức xương khớp.

Cùng với đặc trưng của nghề gõ hà là chiếc diều hàu sắc nhọn cộng thêm vỏ ngoài của hà cũng rất bén, nên tổn thương trong quá trình lao động là khó có thể tránh khỏi. Cô Nguyễn Thị Minh – một ngư dân tại quận Đồ Sơn, theo nghề gõ hà gần 30 năm chia sẻ: “Con hà bám rất chắc vào đá nên có lần gõ hụt, lưỡi diều bật khỏi đá đâm trúng tay làm chảy máu, giờ tay cô chỗ nào cũng chi chít sẹo to sẹo nhỏ”.

Cũng theo cô Minh, hà đá còn có vỏ ngoài sắc nhọn, chúng bám vào tàu thuyền, thậm chí ăn mòn và đục khoét nhà cửa, đê kè, các công trình ven biển của người dân khu vực, gây ra không ít phiền phức. Để khắc phục điều này, ngư dân phải phủ một lớp đá hoa cương lên mặt ngoài các công trình, rất tốn kém về kinh tế.

Khó khăn vất vả là vậy nhưng vì kế sinh nhai nên nhiều ngư dân và tiểu thương Hải Phòng vẫn cố gắng từng ngày để theo lấy nghề. Những con người chăm chỉ, cần cù không kể nắng mưa ấy cũng đã góp phần hình thành nên tinh hoa nghề gõ hà độc đáo, được xem như là một nét đặc trưng riêng biệt trong văn hóa biển Hải Phòng.

Linh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song/ha-da-mon-qua-dac-biet-cua-bien-mua-xuan--i314872/