Hạ đặt thành công Rotor 585 tấn Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng

Vào hồi 11h20 ngày 6/7, EVN và Ban Quản lý dự án điện 1 cùng các nhà thầu đã hạ đặt thành công Rotor tổ máy số 1 Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng.

Đảm bảo tiến độ phát điện tổ máy số 1

Sau khoảng 3 giờ đồng hồ, các nhà thầu đã lắp đặt thành công Rotor tổ máy số 1, dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng. Đây là cột mốc tiến độ quan trọng trong quá trình lắp đặt thiết bị và hoàn thiện tổ máy.

Công nhân kiểm tra Rotor trong quá trình hạ lắp đặt. Ảnh: Thu Hường

Công nhân kiểm tra Rotor trong quá trình hạ lắp đặt. Ảnh: Thu Hường

Giám sát quá trình hạ đặt Rotor tại công trường về phía lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam gồm: Chủ tịch Hội đồng thành viên Đặng Hoàng An, thành viên Hội đồng thành viên Đặng Huy Cường, Tổng giám đốc Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Phạm Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án điện 1 Bùi Phương Nam và một số Ban của Tập đoàn, các cán bộ Ban Quản lý dự án (QLDA) Điện 1 cùng nhiều cán bộ, kỹ sư, công nhân các đơn vị thi công, xây lắp đang làm việc tại công trường.

Rotor tổ máy số 1 dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng có trọng lượng khoảng 585 tấn, là phần quay của máy phát. Quá trình hạ đặt thành công vào Stator tổ máy phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật với độ chính xác cao.

Việc hạ đặt Rotor là một bước bản lề quan trọng trong chuỗi các công đoạn lắp đặt tổ máy, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, chính xác giữa các đơn vị thi công, giám sát và lắp đặt thiết bị cơ điện. Thành công của hạng mục này thể hiện quyết tâm và nỗ lực lớn của EVN, Ban Quản lý dự án điện 1 và các nhà thầu trong điều kiện thi công khó khăn, phức tạp.

Việc hạ lắp đặt Rotor là công việc kỹ thuật vô cùng phức tạp. Ảnh: Thu Hường

Việc hạ lắp đặt Rotor là công việc kỹ thuật vô cùng phức tạp. Ảnh: Thu Hường

Đại diện liên danh các nhà thầu, Đại tá Trần Ngọc Tuấn – Giám đốc Ban điều hành liên danh các nhà thầu chia sẻ: Những công việc còn lại của liên danh nhà thầu tại dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, đến thời điểm hiện nay, cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu tiến độ đặt ra.

"Trong các hạng mục do liên danh đảm nhận, công tác thi công lắp đặt thiết bị hiện do Lilama 10 phụ trách toàn bộ và đang triển khai tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, ở phần phối hợp thi công xây dựng do Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn thực hiện vẫn còn tồn tại một số điểm găng"- ông Tuấn cho hay.

Cụ thể, điểm găng thứ nhất là việc đào và gia cố kênh xả. Điểm găng thứ hai liên quan đến công tác hoàn thiện đồng bộ cùng Lilama 10 về các hạng mục buồng, phòng kỹ thuật, hệ thống phòng cháy chữa cháy, mương cáp kết nối giữa nhà máy và cửa nhận nước.

Đại tá Trần Ngọc Tuấn - Giám đốc Ban điều hành liên danh các nhà thầu. Ảnh: Thu Hường

Đại tá Trần Ngọc Tuấn - Giám đốc Ban điều hành liên danh các nhà thầu. Ảnh: Thu Hường

Đối với thành viên thứ ba của liên danh là Công ty 47, hiện công tác thi công đường hầm cơ bản đã hoàn thành, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. Hiện nay, đơn vị này đang tập trung vào công tác nút hầm phụ để đáp ứng yêu cầu nạp nước trong tháng 7/2025.

Về tiến độ tổng thể, nếu tính riêng công tác lắp đặt thiết bị phục vụ phát điện của tổ máy số 1, khối lượng đã thực hiện đạt khoảng 85%, còn khoảng 15% khối lượng nữa sẽ hoàn thành. Sau khi hoàn thiện tổ máy số 1, liên danh sẽ triển khai lắp đặt tổ máy số 2. Dự kiến, thời gian thi công tổ máy số 2, trong điều kiện thuận lợi, sẽ mất tối đa khoảng 3,5 tháng.

Nâng cao năng lực vận hành hệ thống điện quốc gia

Với tiến độ hiện tại, kế hoạch hoàn thành mốc 19 tháng phát điện tổ máy số 1 vẫn cơ bản bảo đảm theo sơ đồ tối thiểu mà liên danh nhà thầu và chủ đầu tư đã thống nhất xây dựng. Sau khi phát điện tổ máy số 1, bước tiếp theo mới tiến hành lắp đặt hoàn chỉnh toàn bộ các hạng mục để đồng bộ hóa nhà máy.

Đánh giá về tinh thần làm việc trên công trường, Đại tá Trần Ngọc Tuấn cho biết: Công trường thủy điện Hòa Bình mở rộng được khởi công từ ngày 10/1/2021. Trong quá trình thi công, dự án đã gặp phải hiện tượng sạt trượt, buộc phải dừng lại gần 1 năm để xử lý và gia cố. Lẽ ra tiến độ đã về đích từ năm ngoái, nhưng do yếu tố khách quan này, công trình bị kéo dài. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã cơ bản xử lý xong toàn bộ các tồn tại, đưa công trường trở lại quỹ đạo thi công đúng tiến độ.

Kiểm tra trước khi hạ đặt Rotor. Ảnh: EVN

Kiểm tra trước khi hạ đặt Rotor. Ảnh: EVN

Về ý nghĩa công trình đối với thương hiệu của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Đại tá Trần Ngọc Tuấn chia sẻ: Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn là một trong những đơn vị quân đội chủ lực, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, từ xây dựng cầu, đường, sân bay, bến cảng đến thủy điện. Riêng đối với ngành thủy điện, ngay từ sau chiến tranh, đơn vị chúng tôi đã tham gia xây dựng Thủy điện Hòa Bình giai đoạn đầu.

Sau đó là các công trình lớn như Thủy điện Sơn La, Lai Châu, Sêrêpôk 4, Thác Mơ, và giờ tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ mở rộng Thủy điện Hòa Bình. "Đây là một trong những lĩnh vực mang tính chất truyền thống, khẳng định năng lực, uy tín của Trường Sơn trong thi công các công trình trọng điểm quốc gia”- Đại tá Trần Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Nhà thầu, chủ đầu tư chúc mừng Rotor hạ đặt thành công. Ảnh: Thu Hường

Nhà thầu, chủ đầu tư chúc mừng Rotor hạ đặt thành công. Ảnh: Thu Hường

Được biết, dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng được triển khai với những mục tiêu trọng yếu nhằm gia tăng hiệu quả vận hành và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Trước hết, dự án góp phần nâng cao đáng kể khả năng công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, đồng thời tối ưu hóa khai thác và vận hành kinh tế của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình trong tổng thể hệ thống điện.

Bên cạnh đó, việc bổ sung công suất mới sẽ nâng cao năng lực điều tần, góp phần ổn định tần số hệ thống điện quốc gia, từ đó giảm chi phí vận hành toàn hệ thống. Dự án còn có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, kéo dài tuổi thọ thiết bị và tiết kiệm đáng kể chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.

Chủ tịch Hội đồng thành viên tặng hoa liên danh các nhà thầu. Ảnh: Thu Hường

Chủ tịch Hội đồng thành viên tặng hoa liên danh các nhà thầu. Ảnh: Thu Hường

Việc hoàn thành hạ đặt Rotor tổ máy số 1 dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề để tiếp tục thực hiện nhiều hạng mục lắp đặt cơ điện, tiến tới thử nghiệm và vận hành tổ máy với mục tiêu phát điện tổ máy số 1 của dự án vào dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2025) và Quốc khánh 2/9 theo đúng tiến độ yêu cầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Một số thông tin chính của dự án:Dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng là công trình quan trọng quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 10/4/2018. Chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án Điện 1.Quy mô dự án: Xây dựng mở rộng nhà máy thủy điện với 2 tổ máy, tổng công suất 480 MW (2 x 240 MW).Sản lượng phát điện trung bình hàng năm: khoảng 490 triệu kWh.Tổng mức đầu tư trên 9.220 tỷ đồng.Địa điểm xây dựng: Vị trí tuyến xây dựng công trình chính bố trí bên bờ phải tuyến đập thủy điện Hòa Bình hiện hữu: Nhà máy thuộc phường Phương Lâm, cửa lấy nước và kênh dẫn vào thuộc các phường Thái Bình, Phương Lâm, Thái Thịnh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình nay là phường Hòa Bình, tỉnh Phú Thọ.Nhà thầu thi công xây dựng: Liên danh Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn – Công ty Cổ phần xây dựng 47 – Công ty Cổ phần Lilama10.

.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-dat-thanh-cong-rotor-585-tan-nha-may-thuy-dien-hoa-binh-mo-rong-409406.html