Hạ đặt thành công Rotor tổ máy số 1 dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng
Đúng 11 giờ 20 phút ngày 6-7, tại công trường nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Ban Quản lý dự án Điện 1 phối hợp với các nhà thầu, tổ chức hạ đặt thành công Rotor tổ máy số 1 của dự án.
Giám sát quá trình hạ đặt Rotor tại công trường về phía lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam có đồng chí: Chủ tịch Hội đồng thành viên Đặng Hoàng An; Tổng giám đốc Nguyễn Anh Tuấn; thành viên Hội đồng thành viên Đặng Huy Cường; Phó tổng Giám đốc EVN Phạm Hồng Phương cùng nhiều cán bộ, kỹ sư, công nhân các đơn vị thi công, xây lắp đang làm việc tại công trường.
Việc hoàn thành hạ đặt Rotor tổ máy số 1 dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề để tiếp tục thực hiện nhiều hạng mục lắp đặt cơ điện, tiến tới thử nghiệm và vận hành tổ máy với mục tiêu phát điện tổ máy số 1 của dự án vào dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945 / 19-8-2025) và Quốc khánh 2-9 theo đúng tiến độ yêu cầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Kiểm tra rotor trước khi hạ xuống tổ máy.
Rotor tổ máy số 1 dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng có trọng lượng khoảng 585 tấn, là phần quay của máy phát. Quá trình hạ đặt thành công vào Stator tổ máy phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật với độ chính xác cao. Việc hạ đặt Rotor là một bước bản lề quan trọng trong chuỗi các công đoạn lắp đặt tổ máy, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, chính xác giữa các đơn vị thi công, giám sát và lắp đặt thiết bị cơ điện. Thành công của hạng mục này thể hiện quyết tâm và nỗ lực lớn của EVN, Ban QLDA Điện 1 và các nhà thầu trong điều kiện thi công khó khăn, phức tạp.

Quá trình hạ đặt Rotor tổ máy số 1 dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng.
Dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng là công trình quan trọng quốc gia, được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định 389, ngày 10-4-2018. Chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giao Ban Quản lý Dự án Điện 1 làm đại diện.
Dự án có quy mô xây dựng mở rộng nhà máy với 2 tổ máy, tổng công suất 480 MW (2 x 240 MW), sản lượng điện trung bình hằng năm khoảng 490 triệu kWh. Tổng mức đầu tư hơn 9.220 tỷ đồng. Nhà thầu thi công xây dựng là liên danh Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty Cổ phần xây dựng 47 - Công ty Cổ phần Lilama10.
Nhấn mạnh về ý nghĩa của sự kiện hạ đặt thành công Rotor tổ máy số 1 của dự án, ông Phạm Hồng Phương, Phó tổng giám đốc EVN cho biết: Việc hoàn thành hạ đặt Rotor tổ máy số 1 dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề để tiếp tục thực hiện nhiều hạng mục lắp đặt cơ điện, tiến tới thử nghiệm và vận hành tổ máy với mục tiêu phát điện tổ máy số 1 của dự án vào dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945 / 19-8-2025) và Quốc khánh 2-9 theo đúng tiến độ yêu cầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngay sau khi Rotor tổ máy số 1 được hạ đặt, mặt bằng sẽ tiếp tục được sử dụng để lắp dựng Rotor tổ máy số 2. Dự kiến, tổ máy số 2 sẽ được hòa lưới điện quốc gia vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 năm nay, đúng theo kế hoạch.
Khi hoàn thành và đi vào vận hành, dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình sẽ giúp tăng công suất đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, tối ưu vận hành kinh tế của toàn bộ nhà máy hiện hữu.
Ngoài ra, nhà máy còn góp phần nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số hệ thống, giảm chi phí vận hành, giảm tải cho các tổ máy đang hoạt động, qua đó kéo dài tuổi thọ thiết bị và tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.

Rotor đã được hạ đặt vào tổ máy.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Đặng Hoàng An và lãnh đạo EVN chúc mừng Ban Quản lý dự án Điện 1 phối hợp với các nhà thầu, tổ chức hạ đặt thành công Rotor tổ máy số 1 của dự án.
Xác định tính chất quan trọng của dự án, Đại tá Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Ban Điều hành Liên danh gói thầu xây lắp chính 01-XL cho biết, Liên danh gói thầu đã đoàn kết, vượt khó, chung sức thực hiện phong trào thi đua liên kết xây dựng công trình.
Tính đến nay, khối lượng xây dựng của dự án đã đạt khoảng 90%, khối lượng xây lắp đạt hơn 80%. Các hạng mục được thực hiện với sự giám sát chặt chẽ, đội ngũ kỹ sư - công nhân lành nghề, đảm bảo tiến độ, hạn chế tối đa rủi ro và không xảy ra sự cố nghiêm trọng.