Hạ drone vài nghìn USD bằng tên lửa triệu USD, Đô đốc Hải quân Mỹ lo ngại

Các tàu chiến Mỹ quanh khu vực Trung Đông đang phải dựa rất nhiều vào những tên lửa đánh chặn tiên tiến và đắt tiền nhất của mình.

Điều đó sẽ không bền vững trong các chiến dịch tác chiến cường độ cao, vốn có thể nhanh chóng tiêu tốn lượng lớn vũ khí tối tân, theo Đô đốc James Kilby - Quyền Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ.

Ông nói với trang Insider rằng Hải quân Mỹ cần có các giải pháp phòng không thay thế rẻ hơn để duy trì vũ khí chiến lược quan trọng.

Hải quân Mỹ thường xuyên tham gia vào các cuộc giao tranh phòng không xung quanh Trung Đông kể từ khi một làn sóng bạo lực bùng phát tại khu vực này từ tháng 10.2023.

Tại Biển Đỏ và Vịnh Aden, các tàu chiến Mỹ đã bắn hạ hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái (drone) do phiến quân Houthi tại Yemen, được Iran hậu thuẫn, phóng vào các tuyến vận tải thương mại. Còn ở đông Địa Trung Hải (khu vực phía đông của Biển Địa Trung Hải), các tàu chiến Mỹ đã đánh chặn nhiều đợt tên lửa đạn đạo quy mô lớn của Iran nhắm vào Israel trong ba lần giao tranh riêng biệt.

Vịnh Aden là vùng biển nằm ở khu vực chiến lược giữa châu Phi và bán đảo Ả Rập, nối liền Biển Đỏ với Biển Ả Rập và Ấn Độ Dương.

Đô đốc James Kilby (sinh năm 1963) cho biết Hải quân Mỹ đã sử dụng “một số lượng đáng kể vũ khí tiên tiến” trong các chiến dịch này.

“Dù Hải quân Mỹ vẫn hoàn toàn sẵn sàng ứng phó với bất kỳ tình huống nào ngày hôm nay, tốc độ và cách tiêu hao vũ khí tối tân trong những cuộc giao tranh này đã vượt quá dự kiến của họ cũng như nền công nghiệp quốc phòng. Kết quả là kho dự trữ các tên lửa đánh chặn tối tân nhất của chúng ta đã bị suy giảm và cần tăng tốc độ cung ứng vũ khí”, ông bình luận.

Đô đốc James Kilby cảnh báo rằng việc Hải quân Mỹ quá phụ thuộc vào các tên lửa đánh chặn tối tân là "không bền vững" trong các cuộc giao tranh cường độ cao - Ảnh: Getty Images

Đô đốc James Kilby cảnh báo rằng việc Hải quân Mỹ quá phụ thuộc vào các tên lửa đánh chặn tối tân là "không bền vững" trong các cuộc giao tranh cường độ cao - Ảnh: Getty Images

“Cần có thêm các tên lửa đánh chặn tốt nhất”

Đô đốc James Kilby cho biết Hải quân Mỹ đang phối hợp với Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ, Văn phòng Chương trình Cơ sở Công nghiệp Hàng hải cùng các đối tác trong ngành để mở rộng năng lực sản xuất tên lửa đánh chặn. Ông nhấn mạnh những nỗ lực này sẽ giúp tái thiết và duy trì kho vũ khí chiến lược.

Văn phòng Chương trình Cơ sở Công nghiệp Hàng hải là cơ quan trực thuộc Hải quân Mỹ, chịu trách nhiệm giám sát và hỗ trợ năng lực công nghiệp trong lĩnh vực hàng hải, gồm việc sản xuất, bảo trì, hiện đại hóa và cung ứng các hệ thống và nền tảng hải quân như tàu chiến, tàu ngầm, vũ khí phóng từ tàu.

Theo trang Insider, các quan chức và chuyên gia phân tích cho rằng Hải quân Mỹ cần có thêm các tên lửa đánh chặn tốt nhất để đối phó với những mối đe dọa lớn hơn ở khu vực Thái Bình Dương, chẳng hạn từ Trung Quốc và kho tên lửa đạn đạo đang mở rộng của nước này. Một số người bày tỏ lo ngại rằng các tàu chiến Mỹ đang tiêu tốn quá nhanh những vũ khí thiết yếu mà chưa có kế hoạch bổ sung đầy đủ.

Một mối quan tâm cụ thể là kho tên lửa đánh chặn SM-3 (Standard Missile-3). Đây là loại vũ khí có thể tiêu diệt tên lửa tầm ngắn đến trung trong giai đoạn giữa quỹ đạo bay. Khác với nhiều loại vũ khí khác được phóng từ tàu, SM-3 có thể đánh chặn mục tiêu trong không gian.

Tại đông Địa Trung Hải, tàu chiến Mỹ đã dùng SM-3 để bảo vệ Israel trước các cuộc tấn công tên lửa từ Iran. Những tên lửa đánh chặn này, do hãng Raytheon, Aerojet và Mitsubishi Heavy Industries sản xuất, cực kỳ hiệu quả nhưng giá thành cũng rất cao, dao động từ 10 đến 30 triệu USD mỗi quả, tùy phiên bản. Trong đó, Mitsubishi Heavy Industries sản xuất phiên bản mới hơn.

SM-6 là một loại tên lửa đánh chặn khác của Hải quân Mỹ, trị giá khoảng 4 triệu USD/quả. Nó được thiết kế để phòng thủ chống lại máy bay, tên lửa hành trình và các mối đe dọa tên lửa đạn đạo ở giai đoạn cuối.

SM-3 là một trong những tên lửa đánh chặn hàng đầu của Hải quân Mỹ - Ảnh: Jonathan Nye

SM-3 là một trong những tên lửa đánh chặn hàng đầu của Hải quân Mỹ - Ảnh: Jonathan Nye

Raytheon (hiện là một phần của RTX Corporation) là một trong những tập đoàn quốc phòng và hàng không vũ trụ đa quốc gia lớn nhất Mỹ, có trụ sở tại thành phố Waltham, bang Massachusetts. Raytheon nổi tiếng với việc sản xuất các hệ thống tên lửa dẫn đường, hệ thống phòng không, radar, hệ thống điện tử hàng không và các công nghệ quốc phòng tiên tiến khác.

Aerojet là công ty Mỹ chuyên về các hệ thống đẩy (động cơ tên lửa) cho không gian, tên lửa đạn đạo và ứng dụng quốc phòng. Họ có lịch sử lâu đời trong việc phát triển động cơ đẩy cho các chương trình không gian của NASA và các loại tên lửa quân sự.

Mitsubishi Heavy Industries là công ty kỹ thuật, thiết bị điện và điện tử đa quốc gia khổng lồ của Nhật Bản, có trụ sở chính tại thủ đô Tokyo. Đây là một trong những công ty quan trọng của tập đoàn Mitsubishi.

Dùng các tên lửa hàng triệu USD để bắn hạ máy bay không người lái vài nghìn USD

“Sự phụ thuộc hiện tại của Hải quân Mỹ vào các tên lửa đánh chặn đắt đỏ như SM-6 và SM-3 là không bền vững trong các chiến dịch tác chiến tốc độ cao”, Đô đốc James Kilby cảnh báo. Ông nói thêm rằng Quân đội Mỹ “phải chuyển sang sử dụng các giải pháp thay thế chi phí thấp hơn trong khi dành các vũ khí đắt tiền để đối phó với các mối đe dọa chiến lược, nếu không sẽ đối mặt nguy cơ thiếu hụt đúng lúc quan trọng nhất”.

Các lãnh đạo Hải quân Mỹ đã chỉ ra xung đột ở Biển Đỏ như một ví dụ rõ ràng cho vấn đề này, khi các tàu chiến Mỹ buộc phải dùng các tên lửa trị giá hàng triệu USD để bắn hạ máy bay không người lái rẻ tiền của Houthi chỉ có giá vài nghìn USD.

Khi đối phó với tên lửa đạn đạo, hiện không có nhiều loại vũ khí hoặc công nghệ thay thế hiệu quả ngoài các tên lửa đánh chặn đắt tiền như SM-3 hoặc SM-6. Còn với máy bay không người lái thì có nhiều phương án tốt hơn nhằm giảm áp lực cho kho tên lửa đánh chặn.

Các tàu chiến của Hải quân Mỹ đã sử dụng SM-3 để bảo vệ Israel khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa từ Iran - Ảnh: Jonathan Nye

Các tàu chiến của Hải quân Mỹ đã sử dụng SM-3 để bảo vệ Israel khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa từ Iran - Ảnh: Jonathan Nye

Khi xung đột ở Biển Đỏ kéo dài, lực lượng Mỹ ngày càng phải dựa vào các giải pháp rẻ hơn để tiết kiệm tên lửa đắt tiền. Chẳng hạn, trong chiến dịch Rough Rider kéo dài nhiều tuần nhắm vào lực lượng Houthi hồi đầu năm nay, các máy bay chiến đấu Mỹ đã sử dụng tên lửa dẫn đường bằng laser giá rẻ để tiêu diệt khoảng một nửa số máy bay không người lái của Houthi.

Tên lửa AGR-20 Advanced Precision Kill Weapon System có giá chỉ 25.000 USD, rẻ hơn rất nhiều so với tên lửa không đối không giá 500.000 USD, đồng thời cũng rẻ hơn nhiều so với tên lửa đánh chặn SM-2 phóng từ tàu. SM-2 là loại vũ khí nằm ở nhóm cấp thấp hơn trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Hải quân Mỹ nhưng vẫn có giá hơn 2 triệu USD mỗi quả.

Chuẩn bị cho các chiến dịch trong tương lai

Hải quân Mỹ đã xác định ưu tiên trong các hoạt động hiện tại và tương lai là thu hẹp khoảng cách chi phí giữa vũ khí phòng không cùng các mối đe dọa phải đối phó, nhất là khi máy bay không người lái ngày càng đóng vai trò quan trọng ở tác chiến hải quân.

Đô đốc James Kilby cho biết Hải quân Mỹ cũng liên tục đánh giá và cập nhật các chiến thuật, kỹ thuật và quy trình nhằm chuẩn bị cho các chiến dịch trong tương lai. Điều này gồm cả việc tìm cách đẩy nhanh quá trình học hỏi, dẫn đến hiệu quả cao hơn trên biển.

Ví dụ, Đô đốc James Kilby nói rằng dữ liệu từ hệ thống vũ khí tiên tiến Aegis của Hải quân Mỹ, được trang bị trên các tàu khu trục lớp Arleigh Burke và tàu tuần dương hạm lớp Ticonderoga, trước đây mất hàng tuần để xử lý sau một cuộc giao tranh phòng không. Song nhờ sự hợp tác giữa Hải quân Mỹ với ngành công nghiệp và cộng đồng công nghệ, thời gian đó đã giảm xuống chỉ còn 24 giờ.

“Thời gian đánh giá trong vòng 24 giờ cho phép tàu chiến và người vận hành vũ khí của chúng ta nâng cao kỹ năng và hiệu quả tác chiến trong khi vẫn duy trì khả năng chiến đấu”, ông nói.

Hệ thống vũ khí tiên tiến Aegis là hệ thống tác chiến điện tử tích hợp cao cấp do Mỹ phát triển, dùng để phát hiện, theo dõi và tiêu diệt nhiều mối đe dọa trên không và trên biển, gồm cả tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, máy bay và tàu chiến. Tên Aegis bắt nguồn từ chiếc khiên thần của thần Zeus và Athena trong thần thoại Hy Lạp, tượng trưng cho sự bảo vệ tuyệt đối.

Ukraine từng bày tỏ mong muốn được trang bị các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến như Aegis và THAAD (Terminal High Altitude Area Defense). Ukraine muốn tăng cường khả năng phòng thủ trước các cuộc tấn công tên lửa của Nga và các hệ thống này được coi là có khả năng đánh chặn hiệu quả các loại tên lửa khác nhau. Cụ thể, Ukraine quan tâm đến việc tích hợp các thành phần của hệ thống Aegis, như radar SPY-1 và tên lửa đánh chặn SM-3, vào cơ sở hạ tầng hiện có. Tuy nhiên, việc triển khai toàn bộ hệ thống Aegis đòi hỏi thời gian, đào tạo và hợp tác chặt chẽ với Mỹ và NATO.

Tàu khu trục lớp Arleigh Burke là một loại tàu chiến mặt nước hiện đại của Hải quân Mỹ, nổi tiếng với khả năng phòng không, chống tàu ngầm, chống hạm và tấn công mặt đất. Nó được đánh giá là một trong những tàu chiến mặt nước mạnh nhất thế giới hiện nay. Các tàu khu trục lớp Arleigh Burke thường xuyên hiện diện ở Biển Đen, khu vực giáp với Ukraine và Nga, trước khi xung đột toàn diện giữa hai nước này xảy ra vào năm 2022 và cả trong giai đoạn đầu cuộc chiến. Việc đó nhằm mục đích thể hiện sự hiện diện của Hải quân Mỹ, tiến hành các cuộc tập trận với các đồng minh NATO và theo dõi những hoạt động quân sự trong khu vực.

Tàu tuần dương lớp Ticonderoga là một loại tàu chiến quan trọng của Hải quân Mỹ, được thiết kế với khả năng phòng không, phòng thủ tên lửa đạn đạo, chống tàu ngầm, chống hạm và yểm trợ hỏa lực mặt đất. Đây là tàu chiến đầu tiên được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis, từng đóng vai trò then chốt trong nhiều nhiệm vụ phòng thủ chiến lược. Ban đầu nó được thiết kế như tàu khu trục tên lửa dẫn đường, nhưng sau đó được phân loại lại thành tàu tuần dương tên lửa dẫn đường.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ha-drone-vai-nghin-usd-bang-ten-lua-trieu-usd-do-doc-hai-quan-my-lo-ngai-235010.html