Hạ giải, trùng tu di tích 'trên nhà, dưới cầu' độc nhất vô nhị xứ Huế
Cầu Ngói Thanh Toàn - một công trình kiến trúc độc đáo 'trên nhà, dưới cầu' gần 250 năm tuổi hiếm gặp tại Việt Nam, được chính quyền tỉnh TT-Huế quyết định cho hạ giải để trùng tu, phục hồi như nguyên bản.
Theo sử liệu, cầu Ngói Thanh Toàn thiết kế theo lối “thượng gia, hạ kiều” (trên nhà, dưới cầu) do bà Trần Thị Đạo, vợ của một vị quan phát tâm đóng góp tiền của xây dựng vào năm 1776, nhằm để tích phước đức và góp phần giúp đỡ nông dân trong vùng qua lại dòng sông Như Ý dễ dàng và an toàn hơn.
Cầu bao gồm kết cấu phía trên là nhà, phía dưới cầu, với chiều dài hơn 17m, chiều rộng hơn 4m, chia làm 7 gian. Cầu có mái che, lợp bằng ngói ống tráng men. Hai bên thân cầu có hai dãy bục gỗ và lan can để người dân, du khách đến vãn cảnh ngồi dựa lưng nghỉ ngơi, đặc biệt là trong những buổi trưa hè nóng nực. Dưới chân cầu là hàng trụ gỗ lim vững chãi, chịu đựng được mưa nắng và yếu tố khắc nghiệt của thời tiết xứ Huế. Đây cũng là loại gỗ quý.
Tồn tại qua gần 250 năm, di tích cầu Ngói Thanh Toàn đã từng được trùng tu, sửa chữa, tôn tạo vào các năm năm 1847, 1906, 1956, 1971… Lần trùng tu gần đây nhất là vào năm 1986, do người dân tự nguyện góp công sức, tiền của để tôn tạo lại cây cầu độc nhất vô nhị ở xứ Huế, thậm chí là ở khu vực miền Trung này. Đến sau năm 1990, mái lợp của cầu được thay bằng ngói thanh lưu ly, do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế hỗ trợ.
Là chiếc cầu gỗ cổ xưa và được xếp vào loại hiếm gặp, cũng như có giá trị nghệ thuật cao ở Việt Nam, vào năm 1990, công trình độc đáo này tại xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh TT-Huế, đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích cấp quốc gia, theo Quyết định số 575QÐ/VH ngày 14/7/1990.
Theo thời gian, mặc dù đã được trùng tu nhiều lần, nhưng cây cầu bị xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là phần kết cấu gỗ, cho nên UBND tỉnh TT-Huế đã có quyết định cho hạ giải, trùng tu lại di tích này.
Đây được xem là lần trùng tu bài bản nhất kể từ đợt tôn tạo vào năm 1986. Theo ông Võ Ngọc Thành, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng thị xã Hương Thủy - chủ đầu tư dự án trùng tu cầu Ngói Thanh Toàn, cho biết, do đây là công trình đặc biệt, nên chủ đầu tư rất thận trọng trong quá trình lập và thực hiện dự án. Chủ đầu tư đã lấy ý kiến đóng góp của giới nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật, chuyên gia kiến trúc tại Huế, cũng như ý kiến của người dân.
Dự án trước khi triển khai cũng đã tham vấn ý kiến từ Cục Quản lý Di sản - Bộ VH-TT&DL, Sở Văn hóa – Thể thao, Sở Xây dựng, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và được UBND tỉnh TT-Huế phê duyệt thực hiện vào năm 2018.
Công trình trùng tu lần này sẽ tận dụng kết cấu gốc, chỉ thay thế những cấu kiện gỗ bị hư hỏng. Những cấu kiện hư hỏng này sẽ được đưa về bảo tồn tại Bảo tàng Lịch sử tỉnh TT-Huế.
Được biết, Dự án “Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích cầu ngói Thanh Toàn” có tổng kinh phí thực hiện là 10,3 tỷ đồng, trích từ nguồn ngân sách tỉnh. Đơn vị thi công là Công ty Cổ phần tu bổ Di tích Huế. Thời gian trung tu, tôn tạo dự kiến thực hiện trong 300 ngày. Đến đầu năm 2021, công trình sẽ hoàn thành trùng tu và mở cửa đón khách tham quan trở lại.