Hà Giang, 40 năm sau chiến tranh biên giới

Tôi đi Hà Giang tháng 7 năm nay nữa là lần thứ 3. Hai lần trước đó là vào dịp tròn 30 năm cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.

Đến nghĩa trang Vị Xuyên, dạo ấy khá lạnh lẽo, đi qua suối Gọi Hồn trên đất Thanh Thủy và từ đó nhìn lên các điểm cao 1509, 468, 1030, 685... thầm hỏi chẳng biết có lúc nào được đến đó để phần nào hình dung mức độ ác liệt của trận chiến chống Trung Quốc xâm lược 30 năm trước, một trận chiến bảo vệ biên cương kéo dài đến 10 năm, bộ đội mình hy sinh nhiều đến mức máu rửa thi thể trước khi chuyển lên xe chở đi đỏ sẫm cả đoạn suối, sau được gọi là suối Gọi Hồn.

Tháng 7 năm nay Hà Giang tấp nập người và xe từ các nẻo đường trong và ngoài tỉnh đổ về. Xe của các tổ chức xã hội, của các doanh nghiệp, đông nhất là xe của các cựu chiến binh. Ngày 12.7.2019 là ngày kỷ niệm 35 năm trận phản công quyết liệt của sư đoàn 356 ở Vị Xuyên với quân Trung Quốc.

Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên 1979-1989 từ Thanh Hóa, Hà Nội, Nghệ An hẹn nhau về đây thắp hương cho những đồng đội nằm lại đây, mãi mãi không được trở về nhà. Gần như năm nào anh em cũng hẹn cùng về, năm đông năm vắng.

Nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang (thứ 4, hàng đầu, từ phải sang) thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại đền thờ trên điểm cao 468 ngày 12.7.2019

Nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang (thứ 4, hàng đầu, từ phải sang) thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại đền thờ trên điểm cao 468 ngày 12.7.2019

Nhưng năm nay đông hơn cả vì biết tin Hà Giang phối hợp với các đoàn thể ở trung ương và TP.HCM tổ chức lễ lớn để tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ cả nước đã chiến đấu và hy sinh ở mặt trận Vị Xuyên.

Đêm trước ngày 12.7, lễ chẩn tế hương hồn các liệt sĩ đã được tổ chức trang nghiêm tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên vừa được tu sửa, mở rộng. Hơn 4.000 ngôi mộ như cháy lên sự rung cảm trong ánh nến lung linh thắp sáng một vạt nghĩa trang rộng lớn. Giữa những ngôi mộ có tên và chưa có tên, thật xúc động khi đọc thấy dòng chữ khắc trên một ngôi mộ lớn hơn các ngôi mộ khác: “Mộ tập thể các liệt sĩ hy sinh tại Hang Sập, bình độ 400, thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên”.

Cựu binh sư 356 Nguyễn Minh Tâm.

Cựu binh sư 356 Nguyễn Minh Tâm.

Xúc động hơn nữa là lời khấn trong nước mắt của cựu binh sư 356 Nguyễn Minh Tâm lúc mờ sáng ngày 12.7.2019 tại đền thờ các anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên, được xây dựng khang trang và uy nghi năm 2016, trên chính vị trí điểm cao 468 - nơi hàng nghìn chiến sĩ 35 năm trước hy sinh để bảo vệ biên cương: “Tôi Nguyễn Minh Tâm, cựu chiến sĩ pháo binh sư 356 may mắn được sống qua trận chiến Vị Xuyên ác liệt để trở về với gia đình, lúc nào cũng nhớ đồng đội đã vĩnh viễn nằm xuống nơi đây. Anh em hãy nhận của tôi một nén hương và một vái lạy”.

Anh Tâm và nhiều đồng đội cựu binh sư 356 từ mấy năm qua vẫn chuyền tai nhau câu chuyện cảm động về tình cảm ông Tư Sang -Trương Tấn Sang dành cho bộ đội và đồng bào vùng biên ải. Năm 2014, khi còn ở cương vị Chủ tịch Nước, qua báo Tuổi Trẻ biết anh em cựu binh sư 356 mặt trận Vị Xuyên có nguyện vọng về một khu tưởng niệm hàng nghìn đồng đội đã ngã xuống trong cuộc chiến ác liệt chống Trung Quốc xâm lược tại các điểm cao 772, 233, 685, 1030, 1509, Cô Ích, Bến Hầm..., ông đã mời ban liên lạc sư 356 đến Phủ chủ tịch.

Từ cuộc gặp gỡ cảm động đó, ông đã chỉ đạo và vận động sát sao để đến năm 2016 Đền tưởng niệm trên điểm cao 468 được khánh thành. Đây chính là ngôi nhà chung cho hương hồn các liệt sĩ nằm lại trên đất Vị Xuyên, rải rác trong thung sâu, hang đá chưa tìm được lối về.

Đền thờ các anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên trên điểm cao 468 - Một biểu tượng chủ quyền Việt Nam.

Đền thờ các anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên trên điểm cao 468 - Một biểu tượng chủ quyền Việt Nam.

Nhiều người khác ở trung ương và địa phương còn biết rõ, gần như năm nào cũng vậy, cứ vào dịp Tết, cũng là dịp có ngày nổ ra cuộc chiến tranh biên giới 1979, là ông Tư Sang (dù không còn là Chủ tịch Nước) lại đi biên giới phía Bắc. Năm thì Cao Bằng, Lào Cai. Năm thì Hà Giang, Tuyên Quang.

Rất nhiều tổ chức xã hội và doanh nghiệp trong Nam ngoài Bắc chia sẻ với ông tấm lòng đối với vùng biên ải. Họ đi với ông để góp tiền xây trường học cho trẻ em, để tặng đồng bào nghèo phương tiện sinh kế bằng heo giống, bò giống để xây những ngôi nhà mới vững chãi cho đồng bào thay cho nơi ở cũ lung lay dột nát trong mưa rét, xây cả những ngôi chùa hộ quốc ở vùng biên và dựng nên những khu du lịch khang trang tạo nguồn thu cho địa phương vùng phên dậu còn khó khăn chồng chất.

Đêm thắp nến tưởng niệm tại Nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên, 11.7.2019.

Đêm thắp nến tưởng niệm tại Nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên, 11.7.2019.

Ngân hàng Á Châu, Công ty Kiến Á, Tập đoàn Thành Thành Công, Ngân hàng Quốc Dân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn, Tập đoàn Nguyễn Kim, Bệnh viện Phụ sản quốc tế, Tập đoàn Hoa Lâm, Công ty Fiditour, Quỹ Hòa Bình Mỹ Lai, Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam...

Từ năm 2019 đến tháng 2.2020, những người đồng hành vì sự ổn định của vùng biên cương sẽ hoàn thành 356 căn nhà đầu tiên, khởi động cho chương trình xóa trắng 9.000 căn nhà lụp xụp ở tỉnh Hà Giang, trong đó có 1.900 căn ở các xã giáp biên giới. Ngoài 1.000 phần quà và 40 con bò giống năm nay được trao cho đồng bào Quản Bạ, Yên Minh làm sinh kế, sẽ còn tiếp theo những quà tặng tương tự trong các năm tới.

Chưa kịp nguôi cảm xúc khi đến khánh thành nhà mới của các cựu binh Vị Xuyên, trong đó có các anh Lục Văn Chung ở xã Linh Hồ và Lộc Văn Sơn ở xã Thuận Hòa đang mắc bệnh hiểm nghèo, đoàn của các tổ chức xã hội và doanh nghiệp TP.HCM lại được chứng kiến một câu chuyện cảm động ở đồn biên phòng Lũng Cú. Ở đó, tiếp theo chương trình “Áo ấm biên cương” từ nhiều năm qua là mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”.

Điều kiện sống chưa sung túc của bộ đội vùng biên đã được anh em đồn biên phòng Lũng Cú sẻ chia để trực tiếp nuôi các em bé mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc gia đình tuy còn cha mẹ nhưng quá nghèo khó. Đi tuần tra biên giới và chăm sóc các con nuôi - hai công việc ấy đã được cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng đều xem là chuyện cần hoàn thành.

“Chỉ khi cuộc sống của đồng bào vùng biên ổn định thì công tác bảo vệ biên cương mới thực sự có chỗ dựa vững chắc. Các anh chị đừng lo cho những vất vả của chúng tôi, anh em biên phòng còn thì lá cờ Tổ quốc trên đỉnh Lũng Cú còn tung bay, biên cương còn được gìn giữ”, Đồn trưởng đồn biên phòng Lũng Cú khẳng khái nói.

Khách thăm nhà mới của cựu chiến binh Vị Xuyên Lộc Văn Sơn (xã Thuận Hòa), 13.7.2019.

Khách thăm nhà mới của cựu chiến binh Vị Xuyên Lộc Văn Sơn (xã Thuận Hòa), 13.7.2019.

Trên đường trở về sau chuyến đi “Tháng Bảy tri ân” đầy ắp những cảm xúc ở chiến trường xưa miền biên viễn, nghe tin tức về những xâm phạm của nước láng giềng trên vùng biển Tổ quốc lại thấy âm ỉ một lời nhắc: chăm lo cho phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân vùng biên, xây đền thờ tưởng niệm các liệt sĩ không tiếc thân mình bảo vệ biên cương... không chỉ là câu chuyện biết ơn những người bám vùng phên dậu để sống và góp phần khẳng định chủ quyền đất đai của Tổ quốc, biết ơn những người lính đã tạc vào đá Thanh Thủy, Vị Xuyên lời nguyền “Sống bám đá, chết hóa đá, trở thành bất tử”, “Chừng nào chúng tôi còn sống, chừng ấy điểm cao này không thể rơi vào tay giặc”.

Đó còn là câu chuyện giữ gìn những chứng tích về cuộc chiến chống xâm lược có thật ở vùng biên ải thời hiện đại. Như cha ông ta từng khắc dòng chữ trên cổng đền thờ Đinh Tiên Hoàng nghìn năm trước: “Bắc môn tỏa thược”.

Bài và ảnh: Nguyễn Thế Thanh

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ha-giang-40-nam-sau-chien-tranh-bien-gioi-19716.html