Hà Giang: Khởi sắc giáo dục vùng biên giới Xín Mần
Những ngôi trường được đầu tư xây dựng khang trang, công tác giảng dạy được đổi mới, chất lượng giáo dục được nâng lên... Đó là sự khởi sắc của công tác giáo dục ở vùng cao xã biên giới Xín Mần, tỉnh Hà Giang.
Trường mời phụ huynh tham gia hoạt động giáo dục, thực hiên mô hình" Cha mẹ tăng cường tiếng việt cùng con"
Trường tiểu học Xín Mần có 209 học sinh được chia làm 9 lớp, điều kiện cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, khuôn viên rộng rãi, sân trường được bê tông, tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh học tập và sinh hoạt. Tuy không phải là trường phổ thông dân tộc bán trú nhưng trường vẫn duy trì tổ chức cho 47 học sinh bán trú, nguồn kinh phí là do phụ huynh đóng góp và kêu gọi các đoàn thể ủng hộ gạo và tiền để nấu ăn cho học sinh. Khó khăn là thế nhưng trường luôn cố gắng duy trì, chính vì thế tỷ lệ chuyên cần luôn đạt 99%. Trường vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang tặng Bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong các năm học 2018 -2019, 2019 - 2020.
Hoạt động trải nghiệm học sinh trường tiểu học Xín Mần tại bãi đá cổ xã Nấm Dẩn
Thăm trường Mầm non Xín Mần, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết: Năm học này, trường có 143 học sinh được chia làm 8 nhóm lớp. Trường hiện có phòng học; nhà bếp, sân chơi, khang trang, sạch đẹp chính vì thế công tác giáo dục trẻ luôn được quan tâm điển hình là mô hình Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm là xây dựng môi trường giáo dục giúp trẻ có những trải nghiệm trong những năm đầu đời phù hợp với mức độ phát triển của trẻ, xây dựng môi trường trên cơ sở những gì trẻ đã biết và có thể làm. Bảo đảm tất cả các trẻ đều được tạo cơ hội học tập qua chơi và bằng nhiều cách khác nhau phù hợp với nhu cầu, hứng thú và khả năng của bản thân trẻ. Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm là cách giáo dục dựa trên nhu cầu, hứng thú, khả năng và thế mạnh của từng trẻ – tin tưởng rằng mỗi trẻ đều có thể thành công và tiến bộ, tạo cơ hội cho trẻ học bằng nhiều cách khác nhau gồm cả hoạt động vui chơi. Qua đó, phản ánh được mức độ phát triển của từng cá nhân trẻ và xây dựng dựa trên những gì trẻ đã biết và có thể làm.
Hoạt động ngày lễ của học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú THCS xã Xín Mần
Năm học 2023 - 2024, Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS xã Xín Mần có 250 với 8 lớp, có 9 dân tộc khác nhau trong đó dân tộc H mông đạt 98%. Theo quy định 100% học sinh ở nội trú cho nên ngoài việc truyền thụ kiến thức văn hóa ở trường, các giáo viên còn dạy các em cách ăn, ở, vệ sinh và ứng xử với bạn bè, thầy cô, giúp các em yêu trường, mến lớp. Trong hoạt động chuyên môn, Ban giám hiệu trường đã đổi mới, định hướng, phân luồng học sinh để có kế hoạch phụ đạo kiến thức cho học sinh yếu và bồi dưỡng học sinh có học lực khá, giỏi. Khảo sát, phân loại giáo viên, phân công giáo viên cốt cán, giáo viên có chuyên môn vững giúp đỡ giáo viên còn hạn chế về chuyên môn, phương pháp dạy học, phương pháp quản lý học sinh. Nhờ đó, chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao.
Hoạt động giữa giờ của học sinh trường THCS và THPT Xín Mần
Trường THCS và THPT Xín Mần có trên 99% học sinh là dân tộc Mông. Trường được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, phòng học; phòng ăn, ở bán trú sạch đẹp. Thầy giáo Hoàng Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Xín Mần chia sẻ: Trường có 460 học sinh với 12 lớp, có 298 học sinh hưởng chế độ theo nghị định 116 của Chính phủ trước đây khi chưa có chế độ hỗ trợ việc duy trì tỷ lệ chuyên cần gặp rất nhiều khó khăn. Từ sau khi có chế độ cho học sinh thì tỷ lệ chuyên cần của trường luôn duy trì đạt 98%. Trường được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất như phòng học bộ môn, nhà lớp học, khu bán trú, tạo một môi trường dạy và học an toàn chất lượng.