Hà Giang không phát triển du lịch ồ ạt mà giữ du lịch bền vững
Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh cho biết, Hà Giang không phát triển du lịch ồ ạt, mà sẽ giữ du lịch bền vững, giữ du lịch cộng đồng.
"Hà Giang không phát triển du lịch ồ ạt, mà phải giữ du lịch bền vững, giữ du lịch cộng đồng, không xây nhà cao tầng, không xây công trình đồ sộ, không làm nơi mang tính sôi động", Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh khẳng định tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra chiều 14/2, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Giữ du lịch bền vững
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh nhận định, quy hoạch tỉnh Hà Giang là nội dung rất quan trọng của tỉnh, là cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất. Đồng thời, đây cũng là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển, là tiền đề để Hà Giang thực hiện mục tiêu từ một tỉnh còn nhiều khó khăn chậm phát triển từng bước trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Thừa nhận tỉnh còn rất nhiều khó khăn, song ông Đặng Quốc Khánh khẳng định: "Khó khăn nhưng có khát vọng lớn để vươn lên. Muốn phát triển nhanh và bền vững phải có những đột phá".
Chia sẻ những đột phá chính mà tỉnh Hà Giang sẽ tập trung trong bản quy hoạch lần này, ông Đặng Quốc Khánh chỉ rõ, thứ nhất, tỉnh sẽ tập trung xây dựng đường cao tốc, các tuyến giao thông kết nối. Hiện tại quy hoạch làm đường cao tốc nối Phú Thọ - Tuyên Quang tới Hà Giang (tới cửa khẩu Thanh Thủy) đã được Thủ tướng đồng ý làm sớm trước năm 2030. Dự kiến tháng 3 tới, đoạn cao tốc nối từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Tuyên Quang sẽ được khởi công, trong tương lai sẽ kéo dài tới Hà Giang.
Điều này giúp phá thế đường gần như độc đạo hiện tại của các tuyến đường bộ tới Hà Giang. Ngoài ra giúp kết nối Hà Giang thuận tiện hơn, có thể tận dụng cửa khẩu Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên) làm đầu mối giao thương.
Ngoài ra, các tuyến đường như quốc lộ 279 nối Hà Giang sang Lào Cài đã hoàn thành; quốc lộ 234 đang mở rộng; quốc lộ 4C đang tập trung mở cua, nâng cấp. Các huyện lộ, tỉnh lộ đang liên tục được mở rộng với quy mô cấp 4 miền núi. Tỉnh cũng hỗ trợ xi măng để người dân làm giao thông nông thôn. Trong năm 2022, đã có 400 km đường giao thông nông thôn được hoàn thành, vượt xa kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang mong muốn tỉnh sớm có quy hoạch xây dựng một sân bay lưỡng dụng. Điều này xuất phát từ việc Hà Giang là địa bàn an ninh quốc phòng chiến lược, vị trí lại xa xôi, đường sá đi lại khó khăn. Việc có sân bay lưỡng dụng có ý nghĩa chiến lược với sự phát triển của tỉnh. Hiện một khu đất rộng 500ha ở huyện Bắc Quang đã được chuẩn bị sẵn để nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng sân bay. Sân bay này có thể đón các loại máy bay tương đương Airbus A321.
Đột phá thứ hai mà Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh chia sẻ là phát triển nông nghiệp mang đặc trưng hàng hóa, gắn với du lịch, đặc sắc dân tộc. Phát triển du lịch sẽ giúp nâng cao đời sống người dân, tăng chất lượng dịch vụ, cạnh tranh được với tỉnh khác.
"Tỉnh khác làm những tổ hợp khách sạn cao tầng nhưng chúng tôi không làm. Chúng tôi làm homestay, xây dựng các làng bản du lịch mang đặc sắc núi rừng, gắn với văn hóa dân tộc. Chúng tôi đã chế biến chè san tuyết, chè ô long xuất khẩu, các sản phẩm từ tam giác mạch cũng được ưa chuộng", ông Đặng Quốc Khánh cho hay.
Hà Giang vừa phát triển, vừa giữ vững biên cương nhưng cũng rất chú trọng bảo vệ môi trường. Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh nhận định, nếu Hà Giang cho khai thác thủy điện và khoáng sản ồ ạt không chỉ tàn phá môi trường của chính Hà Giang mà còn nhiều tỉnh khác ở hạ nguồn.
Phấn đấu đón 5 triệu lượt khách du lịch năm 2030
Báo cáo tóm tắt Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn đặc biệt nhấn mạnh tới mục tiêu “Phát triển xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện” với phương châm “Sống trên đá, thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá”.
Mục tiêu mà chính quyền tỉnh Hà Giang đề ra là tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt trên 8%/năm. Ngành nông - lâm - thủy sản chiếm cơ cấu khoảng 22%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 29%; dịch vụ khoảng 44%; thuế và trợ cấp khoảng 5%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 95 triệu đồng, tương đương 3.400 USD, bằng 45% so với cả nước. Nhu cầu huy động vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2030 trên 132.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 5,2 tỷ USD. Tỷ lệ đầu tư trên GRDP bình quân khoảng 30%/năm...
Đặc biệt, đến năm 2030, tỉnh Hà Giang kỳ vọng sẽ đón khoảng 5 triệu lượt khách du lịch.
Để đạt được những mục tiêu này, theo ông Nguyễn Văn Sơn, tỉnh sẽ tạo không gian phát triển mới, đưa Hà Giang thành vùng du lịch trọng điểm quốc gia - điểm đến của du khách quốc tế. Nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp đặc trưng, chất lượng cao, tạo chuỗi giá trị. Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là giao thông đối ngoại gồm đường cao tốc, sân bay… Ngoài ra, phát triển hạ tầng biên giới, khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy thành trung tâm xuất nhập khẩu và logistic.
Tỉnh sẽ có các đô thị mang bản sắc của vùng, kiến trúc văn hóa của dân tộc trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các mô hình sinh kế cho đồng bào các dân tộc phát triển ổn định. Thực hiện giảm nghèo bền vững, đảm bảo anh sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
Xung lực mới mang tính đột phá cho Hà Giang
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch, nhấn mạnh Hà Giang có rất nhiều tiềm năng, lợi thế, thậm chí lớn hơn so với đánh giá của các bản báo cáo.
Chia sẻ những tình cảm gắn bó với tỉnh Hà Giang trong suốt quá trình từ khi còn là chiến sĩ tại mặt trận Vị Xuyên, cũng như nhiều chuyến công tác tại tỉnh sau này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Hà Giang là tỉnh địa đầu Tổ quốc, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng khó khăn, thách thức cũng không nhỏ.
Quy mô nền kinh tế Hà Giang nhỏ, công nghiệp, nông nghiệp khó phát triển, du lịch còn sơ khai, có cửa khẩu nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế. Về giao thông, địa hình Hà Giang chủ yếu là đồi núi hiểm trở, chỉ có đường bộ nên khó kết nối với các trung tâm lớn, các vùng động lực. Về nguồn nhân lực, 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chất lượng nguồn nhân lực khó đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp hiện đại.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu tỉnh cần phát huy tinh thần chủ động kiến tạo, biến thách thức thành tiềm năng, cơ hội mới.
"Công tác quy hoạch là cơ hội để tỉnh đánh giá lại, làm sao sắp xếp không gian phát triển, tạo cơ hội mới, động lực mới, xung lực mới mang tính đột phá cho Hà Giang", ông Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.
Bộ trưởng đặt câu hỏi Hà Giang làm gì hỗ trợ cho cả nước. Đầu tư cho Hà Giang không chỉ là hỗ trợ cho tỉnh này, mà còn vùng núi phía Bắc, vùng kinh tế biên cương.
Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng Hà Giang phải loại bỏ những tồn tại, hạn chế như giao thông, nguồn nhân lực, đất đai... Ngoài ra, phải làm rõ tính khả thi các kịch bản lựa chọn; xác định đóng góp của từng ngành, lĩnh vực. Lựa chọn khâu đột phá tính toán thứ tự ưu tiên, trong đó chú trọng kinh tế biên mậu, nông nghiệp, công nghiệp.
Kết thúc hội nghị, hội đồng quy hoạch bỏ phiếu thông qua quy hoạch tỉnh, đề nghị bổ sung và chỉnh sửa một số nội dung.