Hà Giang: Nỗ lực để đồng bào an cư
Là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao, đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhằm giúp các hộ nghèo có ngôi nhà kiên cố; thời gian qua, các ngành, địa phương trong tỉnh Hà Giang đã tích cực huy động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người dân.
Hà Giang có 19 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm hơn 87%, có đường biên giới tiếp giáp Trung Quốc dài 277,899km, gồm 10 huyện và 1 thành phố với 193 xã, phường, thị trấn, với 2.071 thôn bản; trong đó có 34 xã, thị trấn biên giới. Hầu hết, đồng bào các dân tộc sinh sống ở địa bàn đặc biệt khó khăn, cư trú chủ yếu là vùng núi cao, địa hình bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn, thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khí hậu khắc nghiệt, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, nhiều hộ gia đình vẫn phải sống trong những ngôi nhà thiếu kiên cố và tạm bợ. Để người dân ổn định nơi ở, vơi bớt khó khăn, tỉnh chú trọng công tác xóa nhà tạm cho đồng bào từ các nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, nguồn vốn đối ứng của địa phương và các nguồn vốn xã hội hóa.
Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, năm 2023 gia đình anh Vừ Mí Dế thôn Cán Chu Phìn (xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc), được nhận 44 triệu đồng để xây dựng mới nhà ở. Cùng với số tiền Nhà nước hỗ trợ, mặc dù thuộc hộ nghèo, nhưng vợ chồng anh đã quyết tâm vay thêm tiền từ anh em họ hàng để xây dựng ngôi nhà mới. Đến Tết Nguyên đán năm 2023, vợ chồng anh cùng 2 đứa con nhỏ đã được đón Tết trong ngôi nhà mới, kiên cố, rộng gần 100m2. Từ khi có nhà mới, gia đình anh đã tập trung phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
“Có nhà mới rồi, vợ chồng, con cái mình đều vui, hạnh phúc; mặc dù vẫn còn nợ tiền nhưng mình cũng đã đi xuống Bắc Ninh kiếm việc làm, mỗi tháng dành dụm một ít để trả hết số nợ còn lại; sau hơn một năm nỗ lực thì mình cũng đã trả gần hết số tiền nợ”, anh Vừ Mí Dế chia sẻ.
Còn tại xã Sơn Vĩ, để giúp hộ nghèo xóa nhà tạm, Đồn Biên phòng Sơn Vĩ (Bộ đội Biên phòng Hà Giang) đã vận động, kết nối với các nhà hảo tâm để xây dựng nhà cho các hộ nghèo.
Là 1 trong những hộ nghèo được Đồn Biên phòng kết nối hỗ trợ xây dựng nhà ở mới kiên cố; ông Thò Vả Nô, thôn Lẻo Chá Phìn B bày tỏ: “Suốt hàng chục năm qua, vợ chồng tôi phải sống trong căn nhà tạm bợ, xiêu vẹo, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Thật may mắn khi gia đình được Đồn Biên phòng Sơn Vĩ kết nối hỗ trợ 60 triệu đồng để xây dựng nhà mới; đồng thời Bộ đội biên phòng xuống giúp ngày công xây dựng nhà. Có được một ngôi nhà mới, kiên cố mà mong ước của cả đời tôi, cả gia đình ai cũng vui mừng và biết ơn Bộ đội đã giúp đỡ”.
Còn tại huyện Đồng Văn; những ngày này cũng là ngày hạnh phúc nhất đối với gia đình ông Ly Xìa Sinh, xã Sủng Trái khi gia đình ông được hỗ trợ 44 triệu đồng để xây dựng nhà ở. Là gia đình thuộc hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà ở đã xuống cấp, đặc biệt trận mưa gió lốc vừa qua đã ảnh hưởng nhiều đến ngôi nhà của gia đình, cần được hỗ trợ xây mới.
Ông Giàng Mí Dế, Phó chủ tịch UBND xã Sủng Trái cho biết: “Xuất phát từ thực tế và nhu cầu của gia đình, cấp ủy chính quyền xã đã chỉ đạo và triển khai hướng dẫn hộ gia đình hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ làm nhà ở và được hỗ trợ số tiền 44 triệu đồng từ nguồn vốn của Dự án 5 – Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đến nay, ngôi nhà đã được hoàn thành với đủ 3 kết cấu nhà ở, nền cứng, cột cứng và mái nhà cứng đảm bảo chất lượng theo quy định và đưa vào sử dụng”.
Với ông Sùng Dúng Lùng ở thôn Cẳng Tằng, xã Lũng Cú ở gần cái tuổi thất thập cổ lai hy, thế nhưng cũng gần ấy năm ông Lùng chưa biết đến cảm giác sống trong ngôi nhà, chắc chắn kiên cố. Tháng 5-2024, gia đình ông được xét đề nghị hỗ trợ xây dựng nhà ở. Cùng với số tiền con trai ông gửi về từ đi lao động tại tỉnh Bình Dương, gia đình ông Lùng đã xây dựng được ngôi nhà kiên cố, ba gian rộng rãi. “Từ bây giờ sẽ không còn phải lo mỗi khi mưa gió rét buốt, cả gia đình sẽ tập trung vào việc phát triển kinh tế để vươn lên trong cuộc sống thôi”, ông Lùng chia sẻ.
Từ năm 2020 đến nay, toàn huyện Đồng Văn đã triển khai hỗ trợ được hơn 1.500 ngôi nhà, chỉ tính năm 2024 hơn 500 nhà. UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành rà soát để đảm bảo đúng đối tượng; ưu tiên lựa chọn những trường hợp già cả neo đơn không có khả năng làm thì huyện đã tập trung làm trước.
Với định mức hỗ trợ 60 triệu đồng/nhà của Chương trình 1953; 44 triệu đồng/nhà theo Quyết định số 2223 ngày 7-12-2022 của UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; 60 triệu đồng đối với chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho Thủ tướng Chính phủ phát động; nguồn xã hội hóa và các chương trình khác, giai đoạn 2019-2024 tỉnh Hà Giang triển khai hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát 19.553 nhà, số kinh phí trực tiếp hỗ trợ là 903,828 tỷ đồng.
Cụ thể: Chương trình 1953 (xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở từ nguồn xã hội hóa) triển khai thực hiện từ năm 2019-2022, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 6.700 hộ gia đình. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (triển khai từ năm 2023) ước thực hiện đến hết năm 2024 là 9.583 hộ (6.780 hộ xây mới, 2.803 hộ sửa chữa). Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (triển khai từ năm 2023), ước thực hiện đến hết năm 2024 là 1.776 hộ xây mới…
Những ngôi nhà mới theo tiêu chí 3 cứng (mái cứng, tường cứng và nền cứng) vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, ổn định cuộc sống vừa phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào. Có ngôi nhà mới kiên cố cũng chính là điều kiện để các hộ gia đình có thêm động lực vươn lên phát triển kinh tế an cư, lạc nghiệp.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ha-giang-no-luc-de-dong-bao-an-cu-809632