Hà Giang phát huy vai trò người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang luôn quan tâm hỗ trợ về vật chất, động viên tinh thần, bồi dưỡng kiến thức cho người có uy tín. Qua đó, giúp đội ngũ này phát huy vai trò gương mẫu trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và phong trào thi đua tại địa phương.

Ông Lý Đại Thông, người có uy tín thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ tuyên truyền, vận động nhân dân thi đua phát triển kinh tế.

Ông Lý Đại Thông, người có uy tín thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ tuyên truyền, vận động nhân dân thi đua phát triển kinh tế.

Tỉnh Hà Giang hiện có hơn 2.000 người có uy tín, đây là những già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, tri thức về hưu, người làm kinh tế giỏi. Để động viên, khích lệ người có uy tín, Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang đã phối hợp các ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện tốt các chính sách đối với người có uy tín.

Đi đầu trong xóa bỏ hủ tục

Từ năm 2011 đến nay, tỉnh Hà Giang đã bố trí hơn 45 tỷ đồng để thực hiện các chính sách đối với người có uy tín, như: cấp phát báo miễn phí, tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức; tổ chức hội nghị biểu dương, tham quan, học tập kinh nghiệm tại các địa phương trong và ngoài tỉnh; thăm hỏi, tặng quà trong các dịp lễ, Tết hay khi ốm đau, hoạn nạn.

Đồng chí Trần Đức Nghĩa, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang cho biết, từ sự quan tâm của các ngành, các cấp nên đội ngũ người có uy tín đã phát huy vai trò "cầu nối" giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Là hạt nhân tiêu biểu, gương mẫu đi đầu trong công tác tuyên truyền, triển khai, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng.

Nổi bật, từ năm 2022 đến nay, đội ngũ người có uy tín đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 27 của Tỉnh ủy Hà Giang về xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh.

Ông Ma Dâu Páo, xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ hướng người dân làm khèn H'Mông.

Ông Ma Dâu Páo, xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ hướng người dân làm khèn H'Mông.

Ông Ma Dâu Páo, thôn Mỏ Sài, xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ là người có uy tín và cũng là nghệ nhân dân gian trong lĩnh vực tín ngưỡng. Dù tuổi cao nhưng ông Páo luôn bận bịu với công việc làm khèn, truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ. Từ năm 2022 đến nay, ông có thêm vai trò vận động người dân xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang.

Ông Ma Dâu Páo chia sẻ: “Đồng bào dân tộc H’Mông còn tồn tại nhiều hủ tục, những hủ tục đó đã ăn sâu vào nếp sống của người dân qua nhiều thế hệ, do đó rất khó thay đổi. Với vai trò người có uy tín, lại là nghệ nhân về tín ngưỡng nên khi làm lễ cho các gia đình, tôi trực tiếp hướng dẫn, vận động bà con chắt lọc cái hay, lược bỏ hủ tục, vừa giữ phong tục, tập quán trong việc cưới, việc tang nhưng vẫn phù hợp với nếp sống mới của đồng bào”.

Nhờ vai trò của ông Ma Dâu Páo trong công tác tuyên truyền, vận động nên trong hai năm gần đây, tại thôn Mỏ Sài đã xóa bỏ được nhiều hủ tục như: người chết đưa vào áo quan; làm ma không quá 48 tiếng đồng hồ; không giết mổ nhiều gia súc, không ăn uống linh đình tốn kém; không có tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Không chỉ ở thôn Mỏ Sài, qua hơn hai năm thực hiện Nghị quyết 27, trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao Hà Giang đã xóa bỏ nhiều phong tục, tập quán lạc hậu.

“Thành quả sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết 27 là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò nổi bật là đội ngũ người có uy tín bởi đây là những người am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc, lại là những người trực tiếp thực hiện các nghi lễ trong việc cưới, việc tang nên nói dân nghe, làm dân theo”.
Ông Trần Mạnh Lợi, Trưởng Ban Dân vận tỉnh Hà Giang

Tiên phong trong phát triển kinh tế

Cùng với việc gương mẫu, đi đầu trong xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh, người có uy tín tại tỉnh vùng cao Hà Giang còn là những tấm gương điển hình trong phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Với tinh thần cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, đội ngũ người có uy tín luôn đi đầu trong các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình người có uy tín được nâng cao, đến nay, hơn 80% người có uy tín có cuộc sống từ trung bình đến giàu có.

Ông Lý Chòi Vạn, Trưởng thôn, người có uy tín thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì tiên phong trong phát triển kinh tế gia đình.

Ông Lý Chòi Vạn, Trưởng thôn, người có uy tín thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì tiên phong trong phát triển kinh tế gia đình.

Tiêu biểu như ông Làn Đình Dưỡng, dân tộc Pà Thẻn, xã Hữu Sản, huyện Bắc Quang đã phát triển kinh tế vườn hộ, cho thu nhập 150 triệu đồng/năm; gia đình ông Sùng Mí Tỏa, thôn Sảng Pả 2, xã Đường Thượng, huyện Yên Minh chăn nuôi bò, dê cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm; ông Hà Văn Nhớ, dân tộc Tày, thôn Lùng Cu, xã Quang Minh, huyện Bắc Quang chuyển đổi vườn tạp sang trồng cây ăn quả cho thu nhập hơn 350 triệu đồng/năm.

Ông Đặng Văn Háu, Trưởng thôn, người có uy tín thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên hướng dẫn người dân hái chè Shan tuyết.

Ông Đặng Văn Háu, Trưởng thôn, người có uy tín thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên hướng dẫn người dân hái chè Shan tuyết.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, người có uy tín còn là đầu tàu, gương mẫu để thúc đẩy kinh tế tại địa phương phát triển.

Điển hình như tại thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên, để “khai phá” thế mạnh từ cây chè Shan tuyết, ông Đặng Văn Háu, người có uy tín và cũng là trưởng thôn đã đi đầu trong sản xuất chè Shan tuyết và phát triển du lịch.

Thôn Xà Phìn có hơn 30ha chè Shan tuyết cổ thụ, để giúp các hộ dân không bị tư thương ép giá, tăng thu nhập khi tiêu thụ chè búp tươi, đầu năm 2021, ông Háu vận động 7 thành viên trong thôn thành lập Hợp tác xã Trà Pèn chuyên thu mua, chế biến chè. Chỉ sau vài tháng hoạt động, Hợp tác xã Trà Pèn do Trưởng thôn Đặng Văn Háu làm Giám đốc đã thu mua hơn 2 tấn chè búp tươi của bà con với giá bán 50.000 đồng/kg, sau đó đóng gói thành phẩm, bán ra thị trường. Chất lượng chè Xà Phìn đã được khẳng định nên sản phẩm chè làm ra đến đâu, bán hết đến đó với giá rất cao.

Với địa hình của thôn nằm trên đỉnh Tây Côn Lĩnh quanh năm mây mù bao phủ, rất phù hợp để làm dịch vụ du lịch trải nghiệm, ông Đặng Văn Háu cũng một trong những người đầu tiên trong thôn mở homestay nhằm thu hút du khách đến tham quan. Từ mô hình du lịch cộng đồng của gia đình ông Háu, trong thôn đã có 15 hộ làm dịch vụ homestay đón khách du lịch tham quan, trải nghiệm.

Nhiều hộ dân thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên làm dịch vụ homestay cho thu nhập cao.

Nhiều hộ dân thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên làm dịch vụ homestay cho thu nhập cao.

Đến nay, mỗi năm thôn đón khoảng 5.000 khách đến tham quan, lưu trú. Từ sự gương mẫu, đi đầu của Trưởng thôn Đặng Văn Háu trong phát triển kinh tế nên đời sống của người dân thôn Xà Phìn đã có sự thay đổi, thôn không còn hộ đói và nhiều hộ vươn lên khá giàu.

"Hiện nay, tỉnh Hà Giang đang đẩy mạnh thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đội ngũ người có uy tín phát huy vai trò của mình trong việc hỗ trợ, giúp đỡ chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân triển khai nhiều nội dung tại cơ sở, nhất là xây dựng nông thôn mới".

Đồng chí Trần Đức Nghĩa, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang

KHÁNH TOÀN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ha-giang-phat-huy-vai-tro-nguoi-co-uy-tin-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post829880.html