Hà Giang tập trung triển khai đồng bộ chuyển đổi số

Hà Giang đã triển khai nhiều giải pháp để lan tỏa tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau trong công cuộc chuyển đổi số.

Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ chuyển đổi số (CĐS) trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, luôn lấy người dân làm trung tâm đang tạo động lực thúc đẩy KT - XH và lan tỏa mạnh mẽ tinh thần CĐS trên mảnh đất địa đầu cực Bắc của Tổ quốc.

Xác định CĐS là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược, là động lực quan trọng để phát triển; CĐS đã và đang tác động mạnh mẽ, sâu rộng trên các lĩnh vực, làm thay đổi nhanh chóng mọi mặt của đời sống xã hội nên Hà Giang đã triển khai nhiều giải pháp để lan tỏa tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau trong công cuộc CĐS; tạo khí thế, động lực trong toàn xã hội thúc đẩy CĐS nhanh, bền vững.

Công an thành phố Hà Giang làm thẻ Căn cước cho trẻ em.

Công an thành phố Hà Giang làm thẻ Căn cước cho trẻ em.

Để thống nhất ý chí và hành động, đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo, tỉnh tổ chức hợp nhất Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, CĐS và Đề án 06 tỉnh; ban hành quy chế hoạt động và thành lập các tổ giúp việc chuyên đề. Tổ chức cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến về CĐS với chủ đề “Xây dựng công dân số tỉnh Hà Giang” với trên 303 nghìn lượt thi, chủ đề “Tìm hiểu Đề án 06 – Lợi ích cho người dân” với trên 138 nghìn lượt thi; góp phần tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của Đề án 06 và dịch vụ công trực tuyến.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đỗ Thái Hòa chia sẻ: Tỉnh triển khai đưa vào sử dụng 3 phân hệ của Hệ thống điều hành thông minh tỉnh; triển khai mới Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (VNPT iGate) nhằm tăng tốc độ giải quyết thủ tục hành chính các cấp.

Tiếp tục đầu tư hoàn thiện trục chia sẻ tích hợp dữ liệu (LGSP) . Hoàn thành 12/17 kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia, chuyên ngành với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC. Duy trì hệ thống giám sát an toàn thông tin (SOC) kết nối với hệ thống giám sát an toàn quốc gia (NCSC) do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý theo 4 lớp về an toàn thông tin.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh duy trì 100% bệnh viện sử dụng Căn cước công dân thay thế thẻ Bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh. Hoàn thành đồng bộ và cập nhật 100% thông tin số định danh cá nhân dữ liệu trẻ em vào phần mềm quản lý trẻ em.

Tổ chức thành công diễn tập thực chiến về an ninh, an toàn mạng năm 2024 với sự tham gia của 120 cán bộ quản lý, công chức, viên chức chuyên trách an toàn thông tin của các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các sở, ban, ngành, huyện, thành phố. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng viễn thông, phủ sóng 4/30 thôn trắng sóng, thử nghiệm 3 điểm phát sóng 5G miễn phí phục vụ cho người dân, khách du lịch.

Người dân thành phố Hà Giang được Công an hướng dẫn kích hoạt định danh điện tử.

Người dân thành phố Hà Giang được Công an hướng dẫn kích hoạt định danh điện tử.

Để lan tỏa tinh thần CĐS, các doanh nghiệp viễn thông chủ động phối hợp, hỗ trợ một số huyện, xã triển khai CĐS; ban hành các chính sách ưu đãi, khuyến mại và hỗ trợ điện thoại thông minh cho người dân chuyển đổi lên thuê bao 4G; hỗ trợ người dân tham gia dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai chợ 4.0; đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Các cơ quan truyền thông quan tâm triển khai công tác truyền thông chính sách theo nhiều hình thức khác nhau: Tăng thời lượng phát thanh, truyền hình về chính sách; tăng thời gian phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh internet trên địa bàn tỉnh; tổ chức tọa đàm truyền thông chính sách; ngày hội truyền thông số.

Nhà báo Biện Thị Luân, Báo Hà Giang chia sẻ: “Không ai đứng ngoài công cuộc CĐS, nhất là đội ngũ những người làm báo của tỉnh luôn tiên phong trong công tác tuyên truyền và thực hiện. Qua việc phản ánh kết quả, thành công và những hạn chế, bất cập nhằm đưa ra các giải pháp khắc phục, giúp thay đổi tư duy, nhận thức, cách làm mới để thông tin cơ sở thực sự là nguồn lực cho sự phát triển mọi lĩnh vực của tỉnh”.

Nhìn vào thực tế, tỉnh còn nhiều khó khăn, một bộ phận người dân chưa có điện thoại thông minh, chưa có điều kiện tiếp cận thông tin. Một số thôn vùng khó khăn chưa có điện, hiệu quả kinh doanh viễn thông thấp nên đến nay còn nhiều thôn trắng sóng.

Kinh phí dành cho CĐS hạn chế; một số quy định về đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin chưa thực sự rõ ràng, dẫn đến khó khăn trong công tác phối hợp, bất cập trong công tác lập, thẩm định các dự án, nhiệm vụ về công nghệ thông tin. Điều kiện, tiêu chuẩn kết nối chia sẻ dữ liệu mỗi bộ, ngành, địa phương chưa thống nhất…

Khắc phục hạn chế để tạo sự đồng bộ trong CĐS, tỉnh xác định tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ. Hoàn thiện, kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Cổng dịch vụ công Quốc gia và cung cấp Dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.

Tập trung đôn đốc thực hiện hiệu quả 3 phân hệ Hệ thống điều hành thông minh tỉnh. Điều chỉnh bộ chỉ số xác định mức độ CĐS của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ an toàn thông tin từ cấp độ 1 đến cấp độ 5; phương án bảo đảm an toàn thông tin theo hồ sơ đề xuất cấp độ.

“Tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả tuyên truyền nhằm tăng tỷ lệ người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia thực hiện Đề án 06 ở 3 cấp… tất cả hướng đến mục tiêu lan tỏa sâu rộng tinh thần CĐS làm thay đổi nhận thức, hành động, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh trong công cuộc CĐS” Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đỗ Thái Hòa

Theo KIM TIẾN (Báo Hà Giang)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ha-giang-tap-trung-trien-khai-dong-bo-chuyen-doi-so-2336251.html