Hà Giang: Thả 1 cá thể khỉ mặt đỏ quý hiếm về môi trường rừng tự nhiên

Trước sự chứng kiến của lực lượng chức năng, cá thể khỉ mặt đỏ có tình trạng sức khỏe bình thường, không có dấu hiệu bị thương đã được thả về hòa nhập với môi trường sống ngoài tự nhiên.

Hạt kiểm lâm huyện Mèo Vạc tổ chức thả cá thể khỉ mặt đỏ về tự nhiên. (Nguồn: Hà Giang TV)

Hạt kiểm lâm huyện Mèo Vạc tổ chức thả cá thể khỉ mặt đỏ về tự nhiên. (Nguồn: Hà Giang TV)

Ngày 17/11, tại Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán, Hạt Kiểm lâm huyện Mèo Vạc đã tiến hành thả một cá thể khỉ mặt đỏ quý hiếm về môi trường rừng tự nhiên.

Theo thông tin từ Hạt Kiểm lâm huyện Mèo Vạc, cá thể khỉ mặt đỏ này có trọng lượng 12 kg, được gia đình ông Mua Mí Nu, thường trú tại tổ 2, thị trấn Mèo Vạc phát hiện, nuôi dưỡng và bàn giao cho đơn vị.

Đây là loài linh trưởng phân bố rộng khắp cả nước cần được bảo vệ trong phụ lục IIB, Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Trước sự chứng kiến của lực lượng chức năng, cá thể khỉ mặt đỏ có tình trạng sức khỏe bình thường, không có dấu hiệu bị thương đã được thả về hòa nhập với môi trường sống ngoài tự nhiên.

Lực lượng chức năng cũng khuyến cáo người dân không được nuôi nhốt động vật hoang dã không có nguồn gốc, tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.

Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán có tổng diện tích gần 5.500 ha thuộc địa bàn 5 xã và 1 thị trấn thuộc huyện Mèo Vạc. Đây là khu bảo tồn được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang ra quyết định thành lập tháng 3/2015 nhằm bảo tồn các hệ sinh thái rừng, trong đó có trên 73% diện tích rừng kín thường xanh; bảo tồn và phát triển các loài động thực vật, đặc biệt là các loài động thực vật quý hiếm; tăng cường khả năng phòng hộ đầu nguồn và bảo vệ môi trường; góp phần vào công cuộc bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong khu vực miền núi biên giới phía Bắc nói riêng.

Với 663 loài thực vật, trong đó có 58 loài quý hiếm nằm trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới như: Thông đỏ, Bách vàng, lan kinh tuyến; 121 loài động vật, trong đó có 22 loài quý hiếm nằm trong sách đỏ như: Khỉ vàng, cầy bạc má, cu ly... Đặc biệt, Khu bảo tồn còn đảm nhiệm vai trò duy trì nguồn nước cho toàn bộ thị trấn Mèo Vạc.

Việc thả động vật rừng trở lại nơi cư trú tự nhiên là một biện pháp quan trọng, cần thiết góp phần bảo tồn và phát triển được các loài động vật rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán huyện Mèo Vạc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ha-giang-tha-1-ca-the-khi-mat-do-quy-hiem-ve-moi-truong-rung-tu-nhien-post908538.vnp