Hà Giang: Thực hiện công tác giảm nghèo đa chiều vượt chỉ tiêu Trung ương giao

Là một tỉnh vùng cao biên giới, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, tỉnh Hà Giang luôn phải đối mặt với nhiều thách thức trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói - giảm nghèo. Tuy nhiên, nhờ việc triển khai đồng bộ và hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, Phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Hà Giang đã đạt được những thành tựu quan trọng trong giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Tỉnh Hà Giang nỗ lực tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức để người nghèo thay đổi tư tưởng không muốn thoát nghèo, tích cực lao động, sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình. Ảnh: Văn Quyết

Tỉnh Hà Giang nỗ lực tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức để người nghèo thay đổi tư tưởng không muốn thoát nghèo, tích cực lao động, sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình. Ảnh: Văn Quyết

Trên 11.700 nghìn hộ thoát nghèo đa chiều

Trong năm 2024, toàn tỉnh Hà Giang phấn đấu thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên 4%.

Hiện nay, toàn tỉnh Hà Giang có 7 huyện nghèo trong số 74 huyện nghèo của cả nước. Trong những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được tỉnh này xác định là nhiệm vụ quan trọng, được đặt trong chương trình tổng thể phát triển KT-XH chung của tỉnh và các địa phương.

Theo kết quả rà soát đối với 191.879 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình cuối năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hà Giang cho thấy, số hộ nghèo đa chiều cuối năm 2024 là 69.740 hộ, chiếm 36,35% tổng số hộ toàn tỉnh, giảm 11.711 hộ, giảm 6,26% so với năm 2023. Trong đó, số hộ nghèo là 49.760 hộ, chiếm 25,93% tổng số hộ toàn tỉnh, giảm 9.736 hộ, giảm 5,19% so với năm 2023; số hộ cận nghèo là 19.980 hộ, chiếm 10,42% tổng số hộ toàn tỉnh, giảm 1.975 hộ, giảm 1,07% so với năm 2023; số hộ không nghèo là 122.139 hộ, chiếm 63,65% tổng số hộ toàn tỉnh.

Một số huyện nghèo như: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc đều giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên 7%; huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên đạt kế hoạch giao; huyện Bắc Quang và Quang Bình vượt kế hoạch để phấn đấu được công nhận xã Nông thôn mới.

Như vậy, năm 2024, tỉnh Hà Giang đã hoàn thành và vượt mục tiêu theo Kế hoạch của tỉnh và Trung ương giao.

Để có được kết quả này, các cấp, các ngành của tỉnh Hà Giang đã nỗ lực triển khai nhiều chính sách để người dân vươn lên thoát nghèo; đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; nhân rộng các mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bên cạnh đó, Hà Giang cũng nỗ lực tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như tìm kiếm việc làm, các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2024 theo Nghị quyết số 48/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 của HĐND tỉnh đề ra.

Năm 2025, Hà Giang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều 4,7%, tương ứng giảm 8.493 hộ nghèo và cận nghèo; trong đó, 7 huyện nghèo giảm từ 6% trở lên/năm; phấn đấu 2/7 huyện nghèo tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn dưới 40%, thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo mới. Phát huy tối đa nguồn lực từ 3 Chương trình MTQG; nguồn vốn tín dụng ưu đãi; huy động sự tham gia đóng góp của hộ nghèo, hộ cận nghèo trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Chất lượng cuộc sống của hộ nghèo được nâng cao

Nhờ thực hiện Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, đời sống đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Hà Giang được nâng cao.

Để phát triển sinh kế bền vững, tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ sinh kế cho người dân như chăn nuôi, trồng trọt. Nhiều hộ dân đã được hỗ trợ cây, con giống, kỹ thuật canh tác và vốn vay ưu đãi, từ đó từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Cùng với đó, tỉnh cũng chú trọng tập trung nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em vùng cao, giảm thiểu tình trạng bỏ học thông qua việc xây dựng trường nội trú và bán trú.

Cụ thể, xã Cao Mã Pờ, huyện Quản Bạ đã tập trung hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi bò, lợn, mua máy nông cụ phục vụ sản xuất. Kết quả đã có trên 400 hộ được thụ hưởng với tổng nguồn vốn gần 5 tỷ đồng. Nhiều mô hình giảm nghèo, nâng cao thu nhập được áp dụng đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã xuống còn 70%.

Công tác giáo dục vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Đồng Văn có những chuyển biến tích cực. Hệ thống trường, lớp học được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, tạo điều kiện thuận lợi cho con em đến trường.

Từ thực tế triển khai cho thấy, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững phù hợp với nguyện vọng của người dân và đã thật sự đi vào cuộc sống.

Nhờ áp dụng Chương trình MTQG mà huyện Quản Bạ (Hà Giang) đã có trên 400 hộ được thụ hưởng với tổng nguồn vốn gần 5 tỷ đồng để phát triển chăn nuôi bò, lợn, mua máy nông cụ phục vụ sản xuất. Ảnh: Văn Quyết

Nhờ áp dụng Chương trình MTQG mà huyện Quản Bạ (Hà Giang) đã có trên 400 hộ được thụ hưởng với tổng nguồn vốn gần 5 tỷ đồng để phát triển chăn nuôi bò, lợn, mua máy nông cụ phục vụ sản xuất. Ảnh: Văn Quyết

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, tỉnh Hà Giang vẫn còn đối mặt với những khó khăn như: Địa hình phức tạp và điều kiện thời tiết khắc nghiệt là rào cản cho phát triển kinh tế.

Để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững cho cả giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục các giải pháp tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức để người nghèo thay đổi tư tưởng không muốn thoát nghèo, tích cực lao động, sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình; tập trung triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao sinh kế; tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm; triển khai hỗ trợ nhà ở cho huyện nghèo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, ngành trong việc triển khai chương trình MTQG giảm nghèo bền vững./.

Tại Hội nghị thông báo kết quả kiểm toán diễn ra ngày 29/5/2024 tại Hà Giang, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã ghi nhận và đánh giá cao tâm huyết của các đơn vị, địa phương trong việc triển khai Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, công tác phối hợp giữa các đơn vị, địa phương với đoàn công tác trong quá trình kiểm toán được đánh giá tích cực.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình trong thời gian tới, KTNN đề nghị các đơn vị và địa phương cần tập trung khắc phục những hạn chế còn tồn tại. Đồng thời, cần chủ động gửi văn bản kiến nghị đến cơ quan chủ quản, trong đó nêu rõ những khó khăn và đề xuất các giải pháp kịp thời để tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

THANH TRANG

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/ha-giang-thuc-hien-cong-tac-giam-ngheo-da-chieu-vuot-chi-tieu-trung-uong-giao-39152.html