Hà Giang: Tổ chức Lễ Phật đản trang trọng, đảm bảo an toàn phòng dịch
Nhân dịp Lễ Phật đản Phật lịch 2566, Dương lịch 2022, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Giang tổ chức nhiều hoạt động mừng Đại lễ với không khí trang trọng và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Theo Đại đức Thích Thanh Phúc, Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Giang, Đại lễ Phật đản là ngày để các vị chức sắc, chư tăng, phật tử ôn lại truyền thống phục quốc an dân được kết tinh qua hơn 2.500 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam. Đây cũng là dịp để các giáo hội Phật giáo tăng cường tình đoàn kết hòa hợp, củng cố và trang nghiêm giáo hội theo phương châm đạo pháp dân tộc, đóng góp tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Trong những ngày này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Giang tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: Dâng hương, dâng hoa, thắp nến tri ân, ủng hộ kinh phí xây dựng Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên; tuyên truyền, vận động tăng ni, phật tử thực hiện tốt cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Đặc biệt, nhân kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2022), Giáo hội tổ chức các phong trào thi đua ái quốc, học tập đức tính giản dị, khiêm nhường của Bác. Lễ Phật đản được tổ chức tại tất cả các chùa trên địa bàn; triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội. Đồng thời, các tăng, ni, phật tử trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa tôn giáo gắn với ý thức trách nhiệm người công dân.
Trong không khí trang nghiêm, thành kính, ngày 1/5, tại chùa Sùng Khánh (xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên), Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Giang đã tổ chức Lễ Phật đản Phật lịch 2566, Dương lịch 2022.
Tại buổi lễ, các đại biểu cùng chư, tăng ni, phật tử đã tham gia các nghi lễ Phật đản truyền thống, dâng hương, tụng kinh cầu nguyện cho quốc thái dân an. Trong không khí trang nghiêm, thành kính, Lễ Phật đản diễn ra với các nghi thức: Tắm Phật, dâng hương, dâng hoa, Đản sinh, đọc thông điệp Phật đản Phật lịch 2566 của Đức pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam…
Đại đức Thích Thanh Phúc, Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Giang, trụ trì Chùa Sùng Khánh đã kêu gọi mọi người nêu cao sự đồng thuận, đoàn kết, chung tay vượt qua đại dịch, ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội. Với phương châm "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội", những năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Giang nói chung và Chùa Sùng Khánh nói riêng đã không ngừng phát huy truyền thống tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam, góp phần kiến tạo một thế giới hòa bình, an lạc; Phát huy tinh thần đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa tôn giáo gắn với ý thức trách nhiệm người công dân. Tăng ni, phật tử hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước và có những đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh; tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội, chung sức, chung lòng cùng nhân dân xây dựng quê hương Hà Giang ngày càng giàu đẹp.
Chùa Sùng Khánh được xây dựng vào thời nhà Trần năm 1356 và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1993. Bia chùa Sùng Khánh được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2599/QĐ-TTg ngày 30/12/2013. Đây cũng là minh chứng về vùng đất có bề dày lịch sử, văn hiến, với những cổ vật đặc sắc của tỉnh Hà Giang được công nhận là bảo vật quốc gia.
Chùa Sùng Khánh mang giá trị lịch sử cao với những di tích lịch sử, kiến trúc độc đáo. Những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền huyện Vị Xuyên và xã Đạo Đức, cùng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Giang thường xuyên thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử trên địa bàn. Chính vì vậy, chùa Sùng Khánh là một trong những điểm nhấn hấp dẫn du khách trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh khi đến Hà Giang, đến với Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.