Hà Giang: Ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
Việc ứng dụng, phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã có những đột phá mới, qua đó đã tạo chuyển biến lớn trong công tác lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, thay đổi tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Xác định việc đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (CNTT) là xu hướng tất yếu nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi phát triển KT - XH. Những năm qua, tỉnh Hà Giang đã đặc biệt quan tâm, dành nguồn lực đầu tư, triển khai các chương trình, dự án CNTT rộng khắp, bước đầu đạt được những kết quả quan trọng, tạo nền tảng phát triển trong những năm tới.
Để triển khai, thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong giải quyết nhiệm vụ chính trị tại địa phương, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên quán triệt tới cán bộ đảng viên, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị thực hiện tuyên truyền, đẩy mạnh ứng dụng CNTT; thường xuyên tự theo dõi, kiểm tra đánh giá tình hình thực hiện ứng dụng CNTT, qua đó kịp thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh ứng dụng CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển và CCHC.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chịu trách nhiệm và trực tiếp phụ trách về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu, giải quyết nhanh các nhiệm vụ theo yêu cầu đặt ra. Trong quá trình ứng dụng CNTT đã ưu tiên phục vụ CCHC, phát triển phần mềm ở những lĩnh vực liên quan nhiều đến người dân.
Đặc biệt, để cụ thể hóa Nghị quyết số Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 29 tháng 10 năm 2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách phát triển CNTT, chuyển đổi số phù hợp với điều kiện ở mỗi cấp, ngành.
Đã duy trì mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh với quy mô triển khai 242 điểm, trong đó có 49 điểm là các sở, ban, ngành, Huyện ủy, Thành ủy, UBND các huyện, thành phố; 193 xã, phường, thị trấn; đồng thời triển khai hệ thống giám sát băng thông, tình trạng kết nối, lưu lượng mạng truyền số liệu chuyên dùng.
Hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng đáp ứng việc kết nối, tổ chức các cuộc họp trực tuyến quy mô 4 cấp. Thực hiện duy trì kết nối Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử của các cơ quan trên địa bàn tỉnh, kết nối với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (EMC) do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý.
Duy trì hoạt động hiệu quả các hệ thống thư điện tử công vụ với 24.845 tài khỏa thư cho cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan Đảng, Mặt trận tổ quốc, đoàn thể và các cơ quan nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh, đảm bảo 100% cán bộ công chức có tài khoản thư điện tử và thường xuyên sử dụng. Tổng số chứng thư số chuyên dùng trong các cơ quan trên địa bàn tỉnh là: 26.117 chứng thư số, đảm bảo tỷ lệ 100% lãnh đạo có thẩm quyền ký các cấp trong hệ thống chính trị được trang bị chữ ký số chuyên dùng.
Theo ông Đỗ Thái Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: Đến nay, hầu hết các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn của tỉnh đã có cáp quang đến trung tâm; hệ thống thiết bị hội nghị truyền hình trực tuyến cơ quan Đảng, chính quyền của tỉnh kết nối với các cơ quan T.Ư và các huyện, thành phố.
Tính đến 10.6.2024, tổng số trạm thu phát sóng (BTS) đạt 2.810 trạm (trong đó có 763 trạm 2G, 739 trạm 3G, 1.305 trạm 4G, 3 trạm 5G). Triển khai phát sóng thử nghiệm 5G phục vụ cho người dân, khách du lịch trải nghiệm miễn phí tại 3 địa điểm: Quảng trường 26/3; Cột cờ Quốc gia Lũng Cú và Tòa nhà Viettel Hà Giang. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp đã phủ sóng di động thêm được 4 thôn trắng sóng, nâng tỷ lệ thôn phủ sóng di động đạt 98,89%.
Triển khai Chương trình viễn thông công ích cho 482 cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trạm y tế xã, điểm cung cấp dịch vụ internet băng rộng cho cộng đồng dân cư đủ điều kiện nhận hỗ trợ sử dụng dịch vụ Internet băng rộng cố định mặt đất theo Thông tư số 14/2022/TT-BTTTT, ngày 28/10/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc Quy định danh mục, chất lượng dịch vụ Viễn thông Công ích (VTCI).
Hộ gia đình hưởng viễn thông công ích là 31.100 trường hợp, trong đó có 26.000 thuê bao di động, 5.100 hộ gia đình thuộc đối tượng nghèo, cận nghèo đã lắp đặt cáp quang Internet.
Việc ứng dụng, phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh đã có những đột phá mới, qua đó đã tạo chuyển biến lớn trong công tác lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, thay đổi phong cách, lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên góp phần xây dựng nền hành chính công thực sự minh bạch, hiệu quả, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà.
Theo HOÀNG NGỌC (Báo Hà Giang)