Hà Giang: Vinh danh 178 nhà giáo, chiến sĩ biên phòng tiêu biểu
Với những đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp GD&ĐT của địa phương, 178 nhà giáo, chiến sĩ biên phòng tiêu biểu, tâm huyết, sáng tạo đã được UBND tỉnh Hà Giang vinh danh.
Tối 18/11, tại thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang tổ chức Lễ Vinh danh nhà giáo tiêu biểu trong công tác GD&ĐT giai đoạn 2016 - 2020. Dự buổi lễ có lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Giang; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố; 178 nhà giáo, chiến sĩ Biên phòng tiêu biểu trong công tác GD&ĐT.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Hà Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn ghi nhận và trân trọng những tấm gương nhà giáo đã vượt khó vươn lên, bám trường, bám lớp, tình nguyện công tác ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, hy sinh tuổi thanh xuân, hết lòng vì học sinh thân yêu, mang hết tâm sức, trí tuệ để cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” cao quý. Đặc biệt là những chiến sĩ biên phòng - thầy giáo mang quân hàm xanh giữa gió núi mây ngàn đã chăm sóc, nuôi dưỡng nhiều học sinh khó khăn, mồ côi tạo nên những hình ảnh đẹp về tình cảm quân dân nơi biên giới.
Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn, mỗi nhà giáo tiếp tục phát huy phẩm chất cao đẹp của nghề giáo; mỗi thầy giáo, cô giáo thực sự là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo. Ngành GD&ĐT tiếp tục kêu gọi, vận động, triển khai hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua. Đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Huy động cộng đồng, nhân dân các dân tộc quan tâm công tác chăm sóc, giáo dục học sinh; chăm lo nhiều hơn đến đời sống vật chất, tinh thần của các nhà giáo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đặc biệt khó khăn…
Giai đoạn 2016 - 2020, công tác GD&ĐT của tỉnh đạt nhiều thành công, như: Quy mô mạng lưới trường, lớp được củng cố, sắp xếp lại đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc từ cấp học mầm non đến giáo dục phổ thông. Đội ngũ nhà giáo sắp xếp ổn định, toàn ngành có hơn 18 nghìn cán bộ, giáo viên đang công tác tại 821 trường và cơ sở giáo dục, dạy nghề với hơn 255 nghìn học sinh, sinh viên, học viên.
Toàn tỉnh hiện có 13 trường PTDT nội trú, 179 trường PTDT bán trú, hệ thống các trường nội trú, bán trú luôn được củng cố. Năm 2020, tỉnh duy trì và giữ vững chuẩn Quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ, phổ cập THCS, phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đến nay, có 237/616 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 38,47%.
Công tác chuyển học sinh từ điểm trường về học tại trường chính đạt kết quả tốt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục (từ 1.183 điểm trường đến nay còn 858 điểm, giảm được 325 điểm trường). Nhiều nhà giáo khắc phục khó khăn vươn lên trong công tác, phấn đấu trở thành giáo viên giỏi cấp huyện, thành phố, cấp tỉnh, cấp quốc gia. Mỗi năm, ước tính hàng trăm tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa giáo dục được đầu tư xây dựng trường học, nhà lưu trú học sinh, nhà công vụ giáo viên, trang thiết bị, đồ dùng dạy học...
Tuy nhiên, ngành GD&ĐT còn nhiều khó khăn, như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; nhiều điểm trường chưa được xây dựng kiên cố; khu lưu trú cho học sinh, giáo viên ở các trường bán trú chưa đáp ứng yêu cầu, ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý, sinh hoạt và học tập của học sinh. Chất lượng giáo dục chưa đồng đều, tỷ lệ học sinh bỏ học, đi học không chuyên cần còn khá cao...