Hà Giang xác định phát triển xanh, tiến tới 'làm giàu trên đá'
Tỉnh Hà Giang xác định phát triển xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện với phương châm 'Sống trên đá, thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá'.
“Dù khó khăn nhưng vẫn có khát vọng lớn”
Phát biểu khai mạc Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là quy hoạch) diễn ra chiều 14.2, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định, nêu rõ: Hà Giang có vị trí chiến lược quan trọng, có nhiều tiềm năng, lợi thế, song khó khăn, thách thức cũng rất lớn.
Chẳng hạn, về giao thông, Hà Giang chỉ có một hình thức giao thông đường bộ, rất khó kết nối với các vùng. Tỉnh có khoảng 50% đất không sử dụng được, nhân lực còn hạn chế… Trong bối cảnh đó, “vẽ bức tranh mới cho Hà Giang là rất khó”.
Dù vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, với tinh thần chủ động, sáng tạo, có cách tiếp cận tốt, giải quyết vấn đề tốt, với quyết tâm, nỗ lực cao thì “chắc chắn sẽ giải quyết được bài toán rất khó của Hà Giang”.
“Công tác quy hoạch chính là cơ hội để tỉnh đánh giá, sắp xếp lại không gian phát triển, xác định được cơ hội mới, tạo ra động lực mới, xung lực mới mang tính đột phá cho sự phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh, Quy hoạch tỉnh Hà Giang là nội dung rất quan trọng của tỉnh; là cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất. Đồng thời, đây cũng là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển, là tiền đề để Hà Giang thực hiện mục tiêu từ một tỉnh còn nhiều khó khăn chậm phát triển từng bước trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, quy hoạch của tỉnh phải chỉ rõ những khó khăn, đề ra các giải pháp để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững. Với đường biên giới trải dài hơn 270km, điều quan trọng đầu tiên để phát triển là phải bảo đảm quốc phòng an ninh, “phát triển kinh tế phải gắn liền với an ninh quốc phòng”. Tiếp đến là phải giữ dân, để mỗi người dân là một cột mốc biên cương; giữ môi trường vì Hà Giang ở đầu nguồn; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Thừa nhận tỉnh còn rất nhiều khó khăn, song Bí thư Đặng Quốc Khánh khẳng định “vẫn có khát vọng lớn”. Tỉnh xác định phát triển nhanh, bền vững và phải có đột phá.
Cần 132.000 tỷ đồng thực hiện quy hoạch
Trình bày rõ hơn về nội dung của quy hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết, quy hoạch được chuẩn bị công phu, bài bản, nghiêm túc, tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch. Nội dung của quy hoạch thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới phù hợp với định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030; từ đó mở ra những cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho tỉnh Hà Giang trong thời kỳ quy hoạch.
Tỉnh Hà Giang xác định mục tiêu phát triển xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện với phương châm "Sống trên đá, thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá". Tạo không gian phát triển mới, đưa Hà Giang thành vùng du lịch trọng điểm quốc gia - điểm đến của du khách quốc tế. Nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp đặc trưng, chất lượng cao, tạo chuỗi giá trị. Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là giao thông đối ngoại (đường cao tốc, sân bay…), hạ tầng biên giới, khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy thành trung tâm xuất nhập khẩu và logistics…
Quy hoạch xác định ưu tiên phát triển 6 cụm ngành, lĩnh vực quan trọng (ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; phát triển du lịch; phát triển kinh tế biên mậu; ngành công nghiệp - xây dựng; các ngành dịch vụ; ngành giáo dục và đào tạo). Tập trung vào 4 trụ cột tăng trưởng (hạ tầng giao thông và hạ tầng số; du lịch sinh thái và đẳng cấp; hình thành chuỗi sản phẩm nông nghiệp đặc trưng; đô thị bản sắc và hiện đại).
Về nhiệm vụ trọng tâm, quy hoạch xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số với ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số là tiền đề quan trọng để Hà Giang hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; hoàn thiện các cơ chế chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh tạo động lực thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Về các đột phá, quy hoạch xác định phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông (đường cao tốc, sân bay…), hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại cửa khẩu, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng số. Ưu tiên nguồn lực để xây dựng tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang kết nối đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, quy mô quy hoạch 4 làn xe; xây dựng tuyến nối đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai với Hà Giang (đến địa phận huyện Bắc Quang), quy mô quy hoạch 4 làn xe. Cùng với đó, phát triển du lịch bản sắc, đẳng cấp; phát triển nông nghiệp đặc trưng, chất lượng cao sản xuất theo chuỗi giá trị. Đồng thời, tạo sinh kế, giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
“Việc phát triển du lịch không ồ ạt mà theo hướng du lịch sinh thái, gắn với bản sắc văn hóa, thiên nhiên; có những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như chè shan tuyết, hoa tam giác mạch… Về sinh kế, 3 năm qua, tỉnh đã xây dựng 6.700 căn nhà cho người dân, xóa toàn bộ nhà tạm cho người dân vùng biên giới”, Bí thư Đặng Quốc Khánh thông tin.
Cũng theo ông Khánh, đơn vị tư vấn quy hoạch đã nghiên cứu phương án xây dựng sân bay lưỡng dụng để máy bay A320, A321 có thể cất, hạ cánh trên diện tích đất khoảng 500 ha. Đây được kỳ vọng sẽ tạo đột phá cho sự phát triển của tỉnh trong phát triển du lịch cũng như kịnh tế biên mậu.
Để thực hiện quy hoạch, tỉnh Hà Giang cần huy động tổng nguồn vốn cho giai đoạn 2021 – 2030 khoảng 132.000 tỷ đồng. Về giải pháp huy động vốn, tỉnh sẽ tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, nhà tài trợ để thu hút các nguồn vốn đầu tư dự án lớn về kết cấu hạ tầng giao thông, công trình thủy lợi, cấp điện và các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; công khai, minh bạch quy hoạch để thu hút khu vực tư nhân; kêu gọi đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có lợi thế như du lịch, dịch vụ, nông nghiệp đặc trưng gắn với công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Đồng thời, tăng cường huy động vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); đẩy mạnh xã hội hóa y tế, giáo dục, đào tạo nghề…
Đại diện Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch Đinh Trọng Thắng cho biết, đến nay đã nhận được ý kiến tham gia của 18/19 cơ quan ngang Bộ và 9/9 ý kiến tham gia của chuyên gia phản biện đối với Quy hoạch tỉnh Hà Giang.
Các thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch và chuyên gia phản biện đều thống nhất danh mục hồ sơ đầy đủ, phù hợp với quy định; thống nhất đủ điều kiện để nhận xét, đánh giá.
Với sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, khoa học, cơ bản đáp ứng yêu cầu, 100% thành viên Hội đồng thẩm định bỏ phiếu thông qua Quy hoạch tỉnh Hà Giang, với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung trước khi trình Thủ tướng phê duyệt.
Theo Quy hoạch tỉnh Hà Giang vừa được Hội đồng thẩm định thông qua, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt trên 8%/năm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2030: Ngành nông lâm nông - lâm - thủy sản khoảng 22%; ngành công nghiệp - xây dựng khoảng 29%; ngành dịch vụ khoảng 44%; thuế và trợ cấp khoảng 5%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 95 triệu đồng, tương đương 3.400 USD, bằng 45% so với cả nước. Khách du lịch năm 2030 đạt khoảng 5 triệu lượt người...