Hạ Hòa nỗ lực giải quyết tình trạng dôi dư cán bộ, công chức sau sáp nhập xã

Xác định việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã giai đoạn 2023-2025 vừa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định, vừa tinh gọn bộ máy nhằm từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị ở cơ sở, huyện Hạ Hòa đã và đang nỗ lực tập trung triển khai thực hiện theo đúng quy trình, quy định, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã hiện còn gặp nhiều khó khăn trong công tác bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức cấp xã dôi dư đảm bảo yêu cầu về đúng số lượng quy định tại Nghị định số 33/2023/NĐ-CP, ngày 10/6/2023 của Chính phủ (Nghị định 33).

Trên 99% cử tri được lấy ý kiến trên địa bàn huyện đồng thuận với chủ trương sáp nhập ĐVHC giai đoạn 2023-2025.

Trên 99% cử tri được lấy ý kiến trên địa bàn huyện đồng thuận với chủ trương sáp nhập ĐVHC giai đoạn 2023-2025.

Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã huyện Hạ Hòa, giai đoạn 2023-2025 có 12 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp, trong đó có thị trấn Hạ Hòa và các xã: Minh Hạc, Lang Sơn, Yên Luật, Ấm Hạ, Phương Viên, Gia Điền, Đại Phạm, Hà Lương, Bằng Giã, Văn Lang, Minh Côi để thành lập 1 thị trấn và 4 xã mới. Theo đó, ĐVHC thị trấn Hạ Hòa mới sẽ được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Minh Hạc và thị trấn Hạ Hòa hiện tại; sắp xếp 3 xã Phương Viên, Gia Điền, Ấm Hạ để thành lập xã Ấm Hạ mới; sắp xếp 2 xã Đại Phạm và Hà Lương thành xã Đại Phạm mới; thành lập xã Yên Sơn trên cơ sở sắp xếp 2 xã Yên Luật và Lang Sơn; sáp nhập 3 xã Bằng Giã, Minh Côi, Văn Lang thành xã Văn Lang mới. Như vậy, sau khi sắp xếp các ĐVHC, huyện Hạ Hòa còn 13 xã, thị trấn, giảm 7 ĐVHC cấp xã so với hiện tại.

Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, việc sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn này còn nhiều khó khăn, thách thức. Theo Đề án, phải tính toán bố trí sắp xếp đưa về đúng số lượng theo Nghị định 33 chỉ còn 115/222 cán bộ, công chức hiện có. Như vậy, số cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập là 107 người. Được biết, giai đoạn 2019-2021, huyện Hạ Hòa cũng có số ĐVHC cấp xã tiến hành sắp xếp nhiều nhất của tỉnh, từ 33 ĐVHC cấp xã, sau sáp nhập giảm 13 ĐVHC còn 20 xã, thị trấn. Đến nay, vẫn còn 79 cán bộ, công chức dôi dư so với số lượng quy định tại Nghị định 33. Do vậy, khi tiếp tục thực hiện sắp xếp 12 ĐVHC cấp xã giai đoạn này thì số lượng cán bộ, công chức dôi dư toàn huyện sẽ tăng lên gần 200 người. Số người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư do sắp xếp là 26 người. Đa số họ trong độ tuổi 40-50 tuổi, phần lớn đã được chuẩn hóa về trình độ, sắp xếp phù hợp với vị trí việc làm, khó khăn trong việc chuyển đổi vị trí công tác. Trong số này, nhiều người có thể vận động nghỉ trước tuổi, song chưa đảm bảo các điều kiện về số năm tham gia BHXH, chế độ hỗ trợ, lương hàng tháng sau khi nghỉ thấp là khó khăn trong thực hiện tinh giản biên chế.

Trụ sở UBND xã Văn Lang hiện nay sẽ tiếp tục là trụ sở làm việc của xã Văn Lang mới sau khi sáp nhập.

Trụ sở UBND xã Văn Lang hiện nay sẽ tiếp tục là trụ sở làm việc của xã Văn Lang mới sau khi sáp nhập.

Tìm hiểu thực tế ở xã Văn Lang, được biết, việc sắp xếp ĐVHC xã Minh Côi, Bằng Giã, Văn Lang để thành lập mới xã Văn Lang sẽ tác động đến công tác bố trí, lựa chọn cán bộ lãnh đạo quản lý, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiếp tục được công tác và người dôi dư do sắp xếp lại. Theo Đề án, số lượng cán bộ, công chức cấp xã bố trí ở ĐVHC hình thành sau sáp nhập là 48 người, trong đó có 11 cán bộ và 37 công chức. Như vậy, sẽ có 27 cán bộ, công chức dôi dư sẽ phải lên phương án tính toán, bố trí, sắp xếp hoặc giải quyết nghỉ trước tuổi (nếu đủ điều kiện). Dự kiến đến hết năm 2029, số lượng cán bộ, công chức còn dôi dư là 5 người. Sau sắp xếp ĐHVC, xã mới Văn Lang cũng sẽ dư 7 người hoạt động không chuyên trách. Đồng chí Lê Trung Thành - Chủ tịch UBND xã Văn Lang cho biết: “Chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp quan tâm, sớm có chính sách hỗ trợ, giải quyết chế độ thỏa đáng để cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách đủ điều kiện nghỉ công tác sau sắp xếp yên tâm, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước”.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết cán bộ, công chức cấp xã dôi dư và hỗ trợ cho số cán bộ, công chức cấp xã thuộc huyện nghỉ do dôi dư, tâm tư của một số cán bộ, công chức cấp xã mong muốn Chính phủ, Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét cho áp dụng chế độ chính sách theo quy định tại Nghị định số 29/2023/NĐ-CP, ngày 03/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế đối với cả cán bộ, công chức cấp xã thuộc các xã không thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã, giai đoạn 2023-2025. Vì hàng năm và nhất là sau sắp xếp ĐVHC, UBND huyện sẽ phải tính toán bố trí, giao số lượng cán bộ, công chức theo quy định cho từng xã, thị trấn của huyện, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Nếu không mở rộng đối tượng áp dụng cho cả cán bộ, công chức cấp xã ở những xã không sắp xếp sẽ khó khăn trong vận động cán bộ, công chức có đủ điều kiện nghỉ trước tuổi ở những xã này tự nguyện nghỉ công tác để trống vị trí biên chế sắp xếp cho cán bộ, công chức dôi dư.

Trên 99% cử tri các xã, thị trấn trong huyện được lấy ý kiến đều đồng thuận với chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025. Tuy nhiên, việc giải quyết nhân sự dôi dư sau sắp xếp là một vấn đề khó, cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những giải pháp thiết thực để giải quyết căn cơ, đồng bộ, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã - những người chịu tác động trực tiếp trong quá trình triển khai thực hiện. Thực tiễn cho thấy, để tháo gỡ thành công vấn đề dôi dư cán bộ, công chức, cùng với các chính sách chung, huyện Hạ Hòa cũng cần chủ động, trách nhiệm và quyết liệt hơn trong thực hiện vấn đề này.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/ha-hoa-no-luc-giai-quyet-tinh-trang-doi-du-can-bo-cong-chuc-sau-sap-nhap-xa-212820.htm