Hạ Hòa phát triển nuôi trồng thủy sản
PTĐT - Xác định thủy sản là khâu đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, những năm qua, huyện Hạ Hòa đã tập trung khai thác, sử dụng tối đa tiềm năng lợi thế diện tích từ mặt nước và điều kiện tự nhiên để phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS), góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Đến thăm Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi thủy sản và dịch vụ nông nghiệp Thiên Dương tại xã Yên Luật, đây là một trong những hợp tác xã sản xuất có hiệu quả từ NTTS. Sau nhiều năm gây dựng và phát triển, đến nay đã có 10 hộ thành viên với tổng diện tích NTTS hơn 12ha, chủ yếu là nuôi cá chép, trắm, trôi kết hợp với nuôi ốc nhồi và vịt thương phẩm, mỗi năm trừ kinh phí cho lãi suất từ 400-600 triệu đồng. Ông Trần Trung Kiên – Giám đốc HTX cho biết: Trước đây diện tích của gia đình ông là vùng lúa chiêm trũng, từ năm 2002 gia đình nhận thấy tiềm năng từ nuôi cá nên đã vay vốn cải tạo thành ao nuôi cá, bước đầu gặp nhiều khó khăn nhất là về dịch bệnh và đầu ra sản phẩm. Năm 2017 gia đình ông cùng với các hộ gia đình khác trong xã đã thành lập HTX để hướng tới NTTS theo hướng bền vững, tiếp cận mô hình VietGap và hướng đến đầu ra ổn định cho sản phẩm chất lượng cao của HTX.
Hiện nay, toàn huyện có tổng diện tích NTTS gần 2000ha, chủ yếu tập trung ở các xã ven sông và chiêm trũng như Vĩnh Chân, Động Lâm, Yên Luật,… với tổng sản lượng ước đạt năm 2019 vào khoảng 8000 tấn, chủ yếu là các loại cá có năng suất cao như mè, rô phi đơn tính, chép lai 3 máu, trắm cỏ,... Để người dân phát triển NTTS một cách hiệu quả và bền vững, huyện đã xây dựng đề án về phát triển nuôi trồng thủy sản, tập trung chỉ đạo làm tốt công tác dồn đổi đất nông nghiệp, chuyển diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng 1 lúa 1 cá, mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, tổ chức cho nông dân đi tham quan các mô hình làm điểm để học tập kinh nghiệm về áp dụng vào địa phương mình. Bên cạnh đó, người dân cũng đã tích cực triển khai phong trào NTTS trên địa bàn, tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, thực hiện tốt công tác phòng bệnh... nên rủi ro trong nuôi trồng đã được hạn chế. Từ hình thức nuôi quảng canh, nhiều hộ đã nuôi theo hình thức bán thâm canh và thâm canh. Ngoài việc nuôi cá truyền thống như cá trắm, cá chép, cá trôi...; các hộ nuôi đã phát triển các giống nuôi mới, như: Cá rô phi đầu vuông, ba ba, ếch, ốc nhồi, cá chép Thái,... mang lại giá trị kinh tế cao. Với nhiều giải pháp mang tính đồng bộ của huyện và sự hợp tác của người dân nên diện tích NTTS ở địa phương ngày càng được mở rộng, năng suất và sản lượng tăng đều qua các năm.Mặc dù đạt được một số kết quả theo chiều hướng tích cực, tuy nhiên việc NTTS trên địa bàn huyện Hạ Hòa còn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức do NTTS chủ yếu phụ thuộc nhiều vào thời tiết, cũng như đầu ra không ổn định... Ông Trần Văn Thao- Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Xác định NTTS là một trong những hướng đi trọng tâm trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thời gian tới, huyện Hạ Hòa sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, chú trọng tập huấn kiến thức, giúp người dân khai thác tối đa thế mạnh sẵn có để phát triển NTTS theo hướng bền vững trong đó đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201912/ha-hoa-phat-trien-nuoi-trong-thuy-san-168498