Hạ Hòa - Phú Thọ: Khắc phục nguồn nước sinh hoạt sau ngập lụt

Ngày 19/9 nước đã bắt đầu rút dần tại các khu vực dân cư thuộc các xã Hiền Lương, Xuân Áng, Tứ Hiệp , Đan Phượng thuộc huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Người dân bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, dần ổn định cuộc sống.

Nguồn nước sạch sau lũ là cấp bách

Ở những vùng trũng thấp tại một số xã trên địa bàn huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ nước rút chậm. Trên cánh đồng mênh mông một màu nước đục ngầu, những túi rác thải, bao rác thải bồng bềnh trôi, xác chết vật nuôi, cá tép, giun dế,... Sau hơn một tuần ngập sâu đến khi trời nắng mùi nước bốc lên rất hôi tanh, khó chịu. “Do nước lũ cuốn trôi theo nhiều rác thải sinh hoạt từ các gia đình, chất thải chăn nuôi, gia súc, gia cầm,... Cũng qua một tuần nước ngập rồi, mùi nước bốc lên rất hôi thối, khó chịu. Mặc dù nước rút được khá nhiều nhưng vẫn còn chậm lắm, chúng tôi chờ nước rút hẳn rồi bắt đầu đi thu gom rác thải, xác chết động vật để xử lý”, ông Đỗ Đề (trú tại xã Xuân Áng - huyện Hạ Hòa) chia sẻ.

Trên bè rác xuất hiện rất nhiều xác gà chết bốc mùi hôi thối (Ảnh: Hồng Thơ).

Trên bè rác xuất hiện rất nhiều xác gà chết bốc mùi hôi thối (Ảnh: Hồng Thơ).

Xác côn trùng, giun dế trôi trên dòng nước (Ảnh: Hồng Thơ).

Xác côn trùng, giun dế trôi trên dòng nước (Ảnh: Hồng Thơ).

Về nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn được sử dụng từ nước giếng khoan, giếng khơi, nước sạch do Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hiền Lương cung cấp. Bàn về nguồn nước sinh hoạt, ăn uống sau mưa lũ bà Trần Thị Hậu (trú tại xã Hiền Lương) lo ngại: “Nhà tôi sử dụng nước giếng khoan tuy nhiên sau khi ngập lụt, tôi cảm thấy nước giếng có mùi tanh. Do đó gia đình tôi chỉ sử dụng nước giếng để giặt giũ, tắm rửa,... Còn nước ăn uống thì gia đình tôi dùng nước đóng chai”.

Việc thiếu nước sạch sinh hoạt ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Do không có nước sạch nên người dân đã sử dụng chính nguồn nước ngập lụt để dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa. Chị Thúy Loan (trú tại xã Đan Phượng - huyện Hạ Hòa) chia sẻ: “ Nước rút đến đâu, chúng tôi sử dụng chính nguồn nước này để đẩy bùn cũng như rửa đồ đạc trong nhà. Hiện tại nước giếng khơi đang bị ô nhiễm, chúng tôi chưa khắc phục được nên phải đi xin nước trong bể chứa nhà hàng xóm”.

Người dân đang sử dụng chính nguồn nước ngập lụt để rửa đồ đạc (Ảnh: Hồng Thơ).

Người dân đang sử dụng chính nguồn nước ngập lụt để rửa đồ đạc (Ảnh: Hồng Thơ).

Bác sĩ Thịnh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật trung tâm Y tế Hạ Hòa cho biết: “Sau mưa lũ tại những vùng bị thiên tai lũ lụt trên địa bàn, nguồn nước bị ô nhiễm do các chất thải từ cống rãnh, bùn đất, xác động vật chết,... lẫn vào nước sông, suối, ao hồ. Do đó, nguồn nước bị ô nhiễm, vi khuẩn, ký sinh trùng có điều kiện sinh sôi, phát triển dẫn đến lan truyền mầm bệnh. Các bệnh dễ mắc phải: Bệnh về da, bệnh về đường tiêu hóa, đau mắt đỏ, bệnh phụ khoa do tắm, vệ sinh nước bẩn,...”

Để có nguồn nước sinh hoạt an toàn sau mưa lũ Trung tâm Y tế Hạ Hòa đã hướng dẫn bà con nhân dân thực hiện các biện pháp sau:

Nước rút đến đâu thì làm vệ sinh đến đó, đẩy bùn, rác theo nguồn nước rút, cần khơi thông cống rãnh, lấp vũng nước đọng, chôn lấp xác xúc vật chết và tẩy uế. Bên cạnh đó, người dân cần dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, phơi khô quần áo. Xử lý xác động vật, gia súc chết bằng cách chôn xa các nguồn nước (ao, hồ, sông…). Tốt nhất là chôn ngoài đồng, xa nguồn nước 50m, xa giếng nước ít nhất 30m và sử dụng vôi bột hoặc hóa chất để xử lý khi chôn cất. Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất như: Cloramin B hoặc viên Aquatabs và những hóa chất khác được Bộ y tế khuyến cáo để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt.

Các bệnh thường gặp như nước ăn chân, các bệnh lý da liễu khác, cảm lạnh, cúm, đau mắt… Cũng do môi trường ẩm ướt, nước tù đọng ở các vật dụng nên sinh sản nhiều muỗi, vì vậy bệnh sốt xuất huyết rất dễ lây lan.

Các bác sĩ da liễu cũng lưu ý người dân phòng các bệnh về da như ghẻ, nấm da sau khi tiếp xúc với nước bẩn. Người dân nên rửa ngay bằng nước sạch, đặc biệt chú ý vệ sinh kỹ vùng kẽ ngón chân, kẽ ngón tay - những nơi dễ đọng nước và bụi bẩn.

Đồng thời, bảo đảm rửa sạch và lau khô hoàn toàn, tránh tình trạng ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.

Ngoài ra, không nên sử dụng các vật dụng như giày dép, quần áo khi còn ẩm. Tất cả vật dụng này cần được phơi nắng hoặc sấy khô hoàn toàn trước khi sử dụng, hạn chế tiếp xúc lâu dài với môi trường nước.

Người dân dọn dẹp nhà cửa, đường xá, ổn định lại cuộc sống sau lũ (Ảnh: Hồng Thơ).

Người dân dọn dẹp nhà cửa, đường xá, ổn định lại cuộc sống sau lũ (Ảnh: Hồng Thơ).

Cách xử lý giếng khơi:

Bước 1: Người dân khơi thông tất cả các vũng nước xung quanh khu vực giếng, tháo bỏ nắp và nilon bịt giếng. Trước khi làm trong và khử trùng phải tiến hành thau vét giếng. Dùng nước giếng dội lên thành cho trôi hết đất cát và rác bám trên thành giếng và sàn giếng.

Bước 2: Dùng phèn chua với liều lượng 50g/1m3, nếu nước đục nhiều có thể cho lượng phèn tối đa 100g/1m3. Hòa tan hết lượng phèn cần thiết vào 1 gầu nước, tưới đều lên giếng nước, thả gầu chìm sâu xuống nước rồi kéo mạnh lên khoảng 10 lần rồi để yên 30 phút đến 1 giờ cho cặn lắng hết thì tiến hành khử trùng.

Bước 3: Về nguyên tắc nước giếng sau khử trùng phải có nồng độ Clo thừa là 0,5 – 1,0 mg/l (có mùi nồng của Clo). Tính lượng CloraminB cần thiết cho giếng nước trên cơ sở nồng độ cần thiết là 10g/m3. Sau đó, múc 1 gầu nước, hòa tan lượng hóa chất nói trên vào nước, lưu ý phải khuấy cho tan hết. Tưới đều gầu nước này vào giếng. Thả gầu cho chìm sâu đến nửa cột nước rồi kéo lên kéo xuống khoảng 10 lần, để 30 phút là dùng được.

Để xử lý nước giếng khoan, người dân bơm hết nước đục và bơm tiếp 15 phút nữa bỏ nước đi sau đó có thể sử dụng được. Cần chú ý làm vệ sinh bơm và sàn giếng. Bác sĩ Thịnh trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật trung tâm Y tế Hạ Hòa đưa ra khuyến cáo: “Người dân tại những vùng sau lũ lụt nên xử lý nguồn nước theo ba bước: Làm trong, khử khuẩn và đun sôi để phòng, tránh các bệnh đường tiêu hóa. Đồng thời, người dân cần thường xuyên vệ sinh cá nhân, rửa sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ bẩn, rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh”.

Trung tâm Y tế Hạ Hòa tiến hành phun khử khuẩn ở những nơi sau ngập lụt (Ảnh: TTYT Hạ Hòa cung cấp).

Trung tâm Y tế Hạ Hòa tiến hành phun khử khuẩn ở những nơi sau ngập lụt (Ảnh: TTYT Hạ Hòa cung cấp).

Khoa Kiểm soát bệnh tật trung tâm Y tế Hạ Hòa đã tiến hành phun khử khuẩn tất cả các điểm công cộng như chợ, bến, xe, đền chùa, trường học, các khu dân cư ngập nước trên địa bàn huyện. Ngoài ra, còn cấp hóa chất cho Trạm y tế xã hướng dẫn người dân cách xử lý nước ăn uống sinh hoạt để phòng tránh các bệnh về da, bệnh về đường tiêu hóa, đau mắt đỏ, bệnh phụ khoa do tắm, vệ sinh nước bẩn để làm trong nước và khử trùng.

Hồng Thơ

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/ha-hoa-phu-tho-khac-phuc-nguon-nuoc-sinh-hoat-sau-ngap-lut-93362.html