Hạ Hòa thúc đẩy giải quyết việc làm
PTĐT - Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn nhiều năm qua đã được các cấp, ngành trên địa bàn huyện Hạ Hòa xác định là một trong những giải pháp để nâng cao thu nhập...
PTĐT - Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn nhiều năm qua đã được các cấp, ngành trên địa bàn huyện Hạ Hòa xác định là một trong những giải pháp để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững. Do vậy, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm của huyện vẫn thu được những kết quả tích cực, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Tranh thủ thời tiết hanh khô, nắng ráo những ngày cuối năm, các xưởng bóc gỗ ở xã Ấm Hạ tăng cường hoạt động hết công suất. Dọc các tuyến đường vòng quanh xã, chúng tôi dễ dàng bắt gặp không khí lao động khẩn trương với tiếng cười nói vui vẻ của người lao động xen lẫn tiếng máy móc rầm rập. Nhiều năm qua, xưởng bóc gỗ của gia đình anh Tạ Thu Nghĩa ở khu 1 là địa chỉ tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 20 lao động với thu nhập trung bình 5-6 triệu đồng/người/tháng. Lao động ở xưởng chủ yếu là người dân trong khu, trong xã. Những mẻ ván bóc còn hăng mùi gỗ mới sau khi bóc qua máy được công nhân phơi thành hàng lối gọn gàng. Ông Nguyễn Tiến Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Ấm Hạ cho biết: “Với lợi thế về diện tích đất rừng lớn, trong đó hơn 591ha rừng sản xuất đã giúp hàng trăm hộ dân địa phương bám rừng làm giàu. Từ người trồng rừng đến người buôn bán gỗ và mở xưởng chế biến gỗ, bóc ván đều trở nên khấm khá. Chỉ tính riêng hơn 30 xưởng chế biến gỗ, bóc ván trong xã đã góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho gần 1.000 lao động. Do đó, bài toán về vấn đề việc làm, thu nhập của người dân nơi đây được tháo gỡ đáng kể”.
Nhằm tăng cường các nguồn lực tập trung vào công tác giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững, năm 2016, HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND về giải quyết việc làm, giảm nghèo huyện Hạ Hòa giai đoạn 2016 - 2020. Từ đó, hàng năm UBND huyện xây dựng kế hoạch về giải quyết việc làm gắn giảm nghèo với những chỉ tiêu cụ thể để các xã, thị trấn tổ chức thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo, tổ chức điều tra, rà soát, xác định hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí đa chiều nhằm đánh giá kết quả giảm nghèo hàng năm. Trên cơ sở đó, đề ra giải pháp tổ chức triển khai thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội phù hợp. Trong đó có đẩy mạnh tuyên truyền vận động làm thay đổi nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, khơi dậy ý chí tự lực, vươn lên thoát nghèo của bà con; ưu tiên đầu tư cho các hoạt động hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, đẩy mạnh hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, khuyến khích các doanh nghiệp địa phương phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Các chính sách tín dụng ưu đãi vay vốn giải quyết việc làm, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, ưu đãi về giáo dục, y tế, hỗ trợ về nhà ở, đào tạo nghề cho lao động nông thôn... đã mang lại hiệu quả rõ rệt. 5 năm qua, toàn huyện đã giải quyết việc làm mới tăng thêm cho gần 6.500 lao động, trong đó đưa hơn 1.370 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. 93% lao động có việc làm ổn định thường xuyên. Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhờ áp dụng các hình thức sản xuất mới đã thu hút người lao động và các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã hỗ trợ xây dựng 39 mô hình sản xuất kinh doanh gồm trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng sản xuất và nuôi thủy sản. Các mô hình đã chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, đem lại hiệu quả kinh tế cho các gia đình và tạo sự chuyển biến trong tư duy sản xuất. Bên cạnh đó, toàn huyện hiện có 95 doanh nghiệp, 60 hợp tác xã và tổ hợp tác, 78 trang trại, 11 làng nghề đang hoạt động có hiệu quả góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động. Một số ngành nghề thu hút đông lao động vào làm việc: Chế biến chè, chế biến gỗ, đồ mộc nội thất, may mặc. Hàng năm, giải quyết việc làm mới tăng thêm cho trên 1.100 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 4,5 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Cùng với phát triển sản xuất, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm nhằm tạo cơ hội giúp người lao động tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm. Thông qua 60 lớp sơ cấp nghề tổ chức ở các xã, thị trấn đã trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ thuật cho hơn 2.000 học viên, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo trong huyện đạt 62%, trong đó trên 28% có văn bằng chứng chỉ. Để thúc đẩy hơn nữa công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, huyện Hạ Hòa sẽ tiếp tục thực hiện xã hội hóa, huy động các nguồn lực triển khai chương trình giải quyết việc làm hướng đến giảm nghèo bền vững; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh tư vấn, giới thiệu tạo việc làm cho người lao động.