Hạ Hòa: Từng bước tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi

PTĐT - Ngay sau khi bệnh dịch tả lợn châu Phi được khống chế, ngành nông nghiệp huyện Hạ Hòa đã và đang nỗ lực thực hiện các biện pháp tái đàn lợn để khôi phục chăn nuôi, sản xuất thịt lợn đảm bảo nhu cầu tiêu dùng, phát triển kinh tế của người dân tại địa phương.

Chị Vũ Hải Lý (khu 1, Đan Thượng) chăm sóc đàn lợn của gia đình

Chị Vũ Hải Lý (khu 1, Đan Thượng) chăm sóc đàn lợn của gia đình

Hạ Hòa công bố hết dịch tả lợn châu Phi vào tháng 1/2020. Toàn huyện trước đó có 229 khu, 33 xã chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Số lợn mắc là khoảng hơn 11.000 con, trong đó có hơn 1.500 con nái, hơn 9.500 lợn thịt. Tổng khối lượng thịt lợn phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi là hơn 563.000 kg.

Do những ảnh hưởng từ dịch bệnh, đàn lợn của huyện hiện chỉ còn hơn 50.000 con, trong đó có khoảng 4.000 con nái. Ngay sau khi hết dịch, ngành nông nghiệp huyện đã khuyến cáo người chăn nuôi không nên tái đàn ồ ạt, mất kiểm soát, dễ làm phát sinh dịch bệnh mà cần từng bước tái đàn. Đặc biệt, chỉ đàn ở những cơ sở chăn nuôi an toàn, không cho phép triển khai tái đàn ở những nơi bị nhiễm dịch mà chưa cải tạo khu vực chăn nuôi để đảm bảo "tái an toàn, tái bền vững". Mục tiêu của huyện là phát triển tổng đàn lợn năm 2020 đạt 75.000 con, trong đó đàn lợn nái đạt 5.000 con.

Theo hướng dẫn của các ngành chức năng, người chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Hạ Hòa tiếp tục thực hiện phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, coi đây là giải pháp hàng đầu để đảm bảo an toàn khi tái đàn lợn tại địa phương. Cùng với đó, quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng như cung cấp đầy đủ thức ăn chất lượng tốt, nước uống sạch cho vật nuôi được đảm bảo; chuồng nuôi đúng quy cách, mật độ nuôi hợp lý và vật nuôi được tiêm phòng định kỳ, tẩy giun sán đầy đủ. Người dân nghiêm túc kiểm soát chặt chẽ khu vực chăn nuôi; chỉ nhập vật nuôi mới khi biết rõ lai lịch, nguồn gốc, tình trạng bệnh dịch…

Để giúp người chăn nuôi được sử dụng con giống an toàn, có nguồn gốc, đảm bảo chất lượng giống, nhất là con giống để gây nái với mục đích sản xuất cung ứng con giống tại chỗ phục vụ chăn nuôi, huyện Hạ Hòa đã có văn bản hướng dẫn các xã, thị trấn tuân thủ nghiêm túc quy định về kiểm dịch; thông báo danh sách các doanh nghiệp cung ứng giống đủ điều kiện trên địa bàn để các cơ sở chăn nuôi nắm được, từ đó liên hệ mua giống đảm bảo chất lượng, như: Công ty cổ phần Công nghệ mới Nông nghiệp Phồn Thịnh (Phù Ninh), Công ty cổ phần tập đoàn DABACO Việt Nam (Tam Nông), Công ty cổ Phần chăn nuôi MAVIN (Hải Dương), Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Thanh Ba)…

Tuy nhiên do tình hình kinh tế những tháng đầu năm chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID – 19, người dân vẫn còn tâm lý lo sợ dịch tả lợn châu Phi nên hoạt động tái đàn còn dè dặt, chủ yếu được thực hiện ở các hộ chăn nuôi duy trì được đàn nái sau dịch bệnh. Gia đình chị Vũ Hải Lý (khu 1, Đan Thượng) là một trong những hộ chăn nuôi thực hiện tái đàn lớn từ rất sớm. Từ đầu năm đến nay, chị Lý đã nuôi mới được 2 đàn lợn với số lượng khoảng 20 con. Nguồn giống chính từ đàn lợn nái 7 con của gia đình. Chị Lý cũng cho biết: Sau khi dịch tả lợn châu Phi được khống chế trên địa bàn xã, nhiều người chăn nuôi đã “mất gốc” – không duy trì được đàn nái để sinh sản. Hiện nay con giống lợn khá đắt – dao dộng từ 2 đến 3 triệu đồng/con khiến các hộ chăn nuôi ngập ngừng không muốn tái đàn lợn.

Ông Trần Văn Thụ, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Hạ Hòa đã và đang tập trung triển khai quyết liệt nhiều biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn giống, sẵn sàng phục vụ cho việc khôi phục và phát triển sản xuất khi có điều kiện. Trước mắt, ngành chăn nuôi chỉ đạo các hộ chăn nuôi tập trung ưu tiên tái đàn lợn nái để có con giống tại chỗ phục vụ nhu cầu chăn nuôi, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nhân giống lợn như thụ tinh nhân tạo, lai tạo, chọn lọc nhằm nâng cao số lượng, chất lượng đàn lợn trên địa bàn.

Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo các hộ chăn nuôi trong quá trình tái đàn lợn, khôi phục sản xuất phải tiếp tục bám sát theo mục tiêu, không thực hiện một cách ồ ạt mà phải triển khai đúng với lộ trình, hướng dẫn của huyện và tỉnh; bảo đảm đạt hiệu quả kinh tế, đồng thời kiểm soát tốt các nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh, không để tái phát dịch tả lợn châu Phi.

Huy Lê

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202008/ha-hoa-tung-buoc-tai-dan-sau-dich-ta-lon-chau-phi-172750