Hà Huy Tập - nhà giáo, nhà báo, nhà lý luận xuất sắc của Đảng
Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập là một thầy giáo mẫu mực, nhà cách mạng lỗi lạc, một cây bút sắc sảo, giàu tính chiến đấu, lý luận xuất sắc. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hà Huy Tập là một bài ca hùng tráng, sống mãi với thời gian.
Hà Huy Tập sinh ngày 24/4/1906, tại thôn Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình nhà Nho yêu nước. Tấm gương yêu nước, thương dân của cha mẹ và truyền thống quê hương đã có ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách, lẽ sống và con đường cách mạng của Hà Huy Tập.
Năm 1923, sau khi tốt nghiệp Trường Quốc học Huế với tấm bằng Thành chung loại giỏi, Hà Huy Tập được bổ nhiệm vào dạy học tại Trường Tiểu học thị xã Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Hà Huy Tập vui mừng khi được tiếp nối nghề nghiệp “dạy chữ, trồng người” của người cha kính yêu. Để có thêm sách báo nghiên cứu và tuyên truyền cho học trò về lòng yêu nước, căm thù giặc xâm lược, Hà Huy Tập đã đăng ký tham gia làm nhân viên thư viện của thị xã Nha Trang. Vì đam mê báo chí tiến bộ, anh đã đề nghị thư viện đặt mua thường xuyên các loại báo: “An Nam”, “Việt Nam hồn”, “Người cùng khổ”; “Le Paria” xuất bản tại Pháp.
Tuy sống xa quê, nhưng Hà Huy Tập luôn liên hệ với những thanh niên trí thức quê xứ Nghệ như: Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai ở Trường Bưởi Hà Nội; Phan Đăng Lưu, Trần Văn Tăng, Trần Mộng Bạch, Trần Phú, dạy học ở Vinh; Nguyễn Sỹ Sách, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huy Lung dạy học ở Hà Tĩnh. Nếu có dịp về thăm quê, Hà Huy Tập tìm ngay đến bạn bè thân quen để cùng trao đổi tin tức và thời cuộc trong và ngoài nước, cùng đàm đạo phong trào Đông Du, Quang phục Hội và những tờ báo của Nguyễn Ái Quốc viết ở Pháp, ở Quảng Châu (Trung Quốc). Đặc biệt là sự ra đời và hoạt động của Hội Thanh niên Cách mạng đồng chí, để tuyên truyền cho mục đích và tôn chỉ hoạt động của hội.
Thời kỳ đó, Hà Huy Tập cùng những thanh niên trí thức như Trần Phú, Trần Văn Tăng, Nguyễn Sỹ Sách, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thức Mẫn và nhiều thanh niên yêu nước đã gia nhập Hội Phục Việt, sau đổi tên là Hội Hưng Nam, chuyển từ chủ nghĩa yêu nước sang chủ nghĩa cộng sản. Để tuyên truyền tinh thần yêu nước, căm thù giặc cho công nông và dân nghèo thành thị, những thanh niên này đã mở các lớp dạy chữ Quốc ngữ để nâng cao dân trí cho Nhân dân lao động, giúp Nhân dân hiểu nỗi thống khổ của người dân mất nước.
Hà Huy Tập ở Nha Trang vận động nhiều trí thức tiến bộ mở các lớp học ban đêm cho công nhân và những người nghèo khổ. Để có sách vở, bút viết cho học trò, Hà Huy Tập đã dùng gần hết số tiền lương của mình để giúp mọi người. Việc làm của Hà Huy Tập đã góp phần thắp sáng niềm tin, lòng tự hào dân tộc cho các học trò và Nhân dân lao động ở Nha Trang. Việc làm đó sau này đã được Hà Huy Tập ghi lại trong bản tự thuật: “Tháng 3/1926, tôi lập ra 3 lớp học buổi chiều cho công nhân ở Nha Trang. Những lớp này có hơn 150 công nhân thường đến học. Mục đích bề ngoài của tôi là đấu tranh chống nạn mù chữ, nhưng mục đích thật của tôi là tập hợp công nhân để dễ dàng bí mật tuyên truyền cho cách mạng. Những chi phí thắp sáng, sách vở (được phát không cho học viên) đều do những người đứng ra tổ chức lớp học lo liệu (nghĩa là đều do mấy người bạn và tôi)”.(1)
Những hoạt động tuyên truyền yêu nước của Hà Huy Tập đã bị bọn mật thám trình báo với Công sứ Nha Trang và y đã gọi anh lên, hết khiển trách đến mua chuộc. Vì không chấp thuận lời dụ dỗ và mua chuộc của tên Công sứ, Hà Huy Tập đã bị trục xuất khỏi tỉnh Khánh Hòa. Được sự giúp đỡ của người thân, Hà Huy Tập lại được về dạy tại Trường Cao Xuân Dục ở Vinh.
Về dạy học ở Trường Cao Xuân Dục, Hà Huy Tập cùng các giáo viên, bạn bè, học trò và nhiều thanh niên khác lại tiếp tục dạy học cho anh chị em công nhân và con em của họ ở Vinh - Bến Thủy. Hoạt động của Hà Huy Tập đã bị Công sứ Vinh và Chánh Sở học chính miền ghi nhận xét trong Hồ sơ mật thám số 189/C ngày 3/11/1926 như sau: “... Để ông có một ý niệm về các hành vi của viên trợ giáo này, tôi xin nêu một ví dụ: anh ta cho học trò đội mũ ca-lô đỏ trong giờ tập thể dục, như thế là để làm tiền thân cho các đội học sinh Cộng sản. Thật vô cùng đáng tiếc rằng nhà nước bị buộc phải dung thứ trong ngành giáo dục chính những kẻ như anh này, chỉ có mỗi mục đích là chuẩn bị đấu tranh chống Chính phủ và giải pháp tốt nhất sẽ là thải hồi anh ta khi đang còn kịp”.(2)
Ngày 18/3/1927, Hà Huy Tập lãnh đạo và diễn thuyết trong cuộc biểu tình trước hàng ngàn người tham gia truy điệu ngày giỗ đầu cụ Phan Chu Trinh và phản đối chính sách cai trị của thực dân Pháp tại chùa Diệc (thành Vinh). Mật thám Pháp rình mò theo dõi, ghi thêm vào hồ sơ hoạt động của anh. Đốc học Nghệ An đã gọi Hà Huy Tập lên vừa khiển trách vừa mua chuộc dụ dỗ. Không lay chuyển được tinh thần và ý chí của Hà Huy Tập, Đốc học Vinh đã ký lệnh chuyển Hà Huy Tập lên dạy ở Kẻ Bọn, Phủ Quỳ, Nghệ An, sát biên giới Việt - Lào. Hà Huy Tập đã kiên quyết đấu tranh chống lệnh.
Để bảo vệ Hà Huy Tập thoát khỏi tay bọn mật thám, cuối tháng 3/1927, tổ chức Hội Hưng Nam bí mật bố trí Hà Huy Tập và Nguyễn Đình Kiên vào Nam Kỳ hoạt động, thành lập Kỳ bộ Hội Hưng Nam ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Hà Huy Tập đã xin dạy học tại Trường tư thục An Nam học đường, nhưng bọn mật thám đã ráo riết theo dõi. Cuối tháng 12/1928, tổ chức đã bố trí cho Hà Huy Tập và Phan Đăng Lưu rời Sài Gòn, bí mật ra nước ngoài hoạt động, kết thúc thời kỳ dạy học. Hà Huy Tập sang Quảng Châu - Trung Quốc, hoạt động dưới sự lãnh đạo trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, nhưng thực dân Pháp vẫn cho mật thám theo dõi để bắt. Trong công văn mật của Chánh Liêm phóng và mật thám Trung Kỳ gửi Công sứ Pháp ghi: “Hà Huy Tập mất hút sau vụ Barbier. Hà Huy Tập là một kẻ nguy hiểm, bắt y là một việc quan trọng bậc nhất”.(3)
Thời kỳ học tập tại Trường Đại học Phương Đông (24/7/1929-30/4/1932), Hà Huy Tập là Ủy viên Ban Biên tập “Báo Dân tộc” được xuất bản ở Liên Xô bằng tiếng Việt. Các tờ báo của Hà Huy Tập viết trong và ngoài nước được đăng tải bằng nhiều thứ tiếng ở nhiều nước với các bút danh: Hồng Thế Công, Nguyễn Văn Trấn, Hồng Quy Vít, Thanh Hương... Với sự nhạy bén, sắc sảo, lý luận xuất sắc, Hà Huy Tập đã sử dụng báo chí như một thứ vũ khí sắc bén và hiệu quả để vạch trần bộ mặt giả hiệu cách mạng, đầu cơ cách mạng của bọn tờ-rốt-kít.
Thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh bị đàn áp trong máu và lửa, phong trào cách mạng tạm thời lắng xuống. Nhân cơ hội ấy, bọn tờ-rốt-kít đã rêu rao phụ họa với chủ nghĩa đế quốc rằng: “Đảng Cộng sản Đông Dương đã bị tiêu diệt”. Bằng những lý luận đầy sức thuyết phục, đanh thép, Hà Huy Tập đã viết bài “Kỷ niệm ba năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương” để phản bác lại những luận điệu bêu xấu của chúng.
Ngày 26/7/1936, cuộc hội nghị liên tịch của đại diện Ban Chỉ huy ở ngoài nước đã quyết định cử Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư. Từ đó, “Tạp chí Bôn-sơ-vích” do Hà Huy Tập phụ trách đã phải tạm dừng vì Tổng Bí thư Hà Huy Tập được cử về Việt Nam để chỉ đạo cách mạng…
Đồng chí Hà Huy Tập là một thầy giáo mẫu mực, nhà cách mạng lỗi lạc, một cây bút sắc sảo, giàu tính chiến đấu, lý luận xuất sắc; nhà viết lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Hà Huy Tập là một bài ca hùng tráng, sống mãi với thời gian. Đồng chí Hà Huy Tập được Nhân dân Việt Nam tôn vinh, lấy tên đặt cho các đường phố, phường, xã, trường học ở các tỉnh, thành trong cả nước. Đảng bộ và Nhân dân 2 tỉnh Nghệ - Tĩnh rất đỗi tự hào về Tổng Bí thư Hà Huy Tập, nguyện học tập và nêu gương đồng chí trên con đường đổi mới và bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam XHCN.
------------------------
(1) Tiểu sử tự thuật của đồng chí Hà Huy Tập - Tạp chí Lịch sử Đảng số 1-2002. Tr.42
(2) Hồ sơ mật thám Trung Kỳ theo dõi hoạt động của Hà Huy Tập lưu trữ tại Bộ Nội vụ và Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.
(3) Hồ sơ mật thám theo dõi hoạt động Hà Huy Tập ở Bộ Nội vụ.