Hạ lãi suất ngân hàng... vẫn khó giải ngân

Ngân hàng thừa tiền nhưng khó cho vay, vì vướng nhiều quy định như tài sản đảm bảo, nợ xấu, hồ sơ thủ tục… là một trong những lý do khiến ngân hàng khó giải ngân.

Bài liên quan

Ngân hàng giảm lãi vay hỗ trợ người dân tại vùng lũ miền Trung

Bỏ qua tính đặc thù của ngành ngân hàng, thiệt hại ai gánh chịu?

Hạ lãi suất ngân hàng... vẫn khó giải ngân.

Ngân hàng tích cực hạ lãi vay

Theo bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng giám đốc ngân hàng Agribank, tiền gửi tiết kiệm chảy vào ngân hàng vẫn tăng hàng ngày. Hiện nay thị trường bất động sản trầm lắng, thu nhập bấp bênh khiến người dân không dám đưa tiền vào bất động sản. Kênh đầu tư chứng khoán luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm. Còn giá vàng thời gian qua biến động mạnh, nhưng giao dịch trên thị trường vàng trầm lắng, lượng giao dịch ở mức thấp do đang trong thời gian “ngủ đông”. Những cá nhân và doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt lớn đa phần vẫn để trong ngân hàng. Trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đều khó khăn và diễn biến của tình hình dịch Covid-19 hiện nay, tiền vẫn sẽ chảy vào ngân hàng.

Tuy nhiên, thực trạng này không chỉ xảy ra riêng ở ngân hàng Agribank mà còn là tình trạng chung tại các ngân hàng. Chính nhờ nguồn vốn dồi dào này mà thời gian vừa qua các ngân hàng sẵn sàng đưa ra nhiều chính sách một mặt tích cực tạo thanh khoản mặt khác hạ lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó 4 ngân hàng trong nhóm Big4 đã công bố hạ lãi suất cho vay, tại ngân hàng Vietcombank đã thực hiện giảm lãi suất cho các khoản vay sản xuất kinh doanh đối với khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nhằm hỗ trợ khách hàng đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh trong mùa cao điểm cuối năm.

Theo đó, mức lãi suất cho vay kinh doanh đối với các DNNVV chỉ từ 5,9%/năm, áp dụng cho các khoản giải ngân mới từ ngày 13/10/2020. Còn với khách hàng là cá nhân vay vốn kinh doanh, mức lãi suất cho vay sẽ chỉ từ 6,5%/năm.

Tại Agribank cũng công bố giảm tiếp 0,3% lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 4,5%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm. Bên cạnh đó, từ nay đến hết 30/6/2021, Agribank còn triển khai các gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng DNNVV với tổng quy mô lên đến 35.000 tỷ đồng. Còn tại ngân hàng BIDV và ngân hàng VietinBank cũng có bước giảm tương tự.

Không chỉ ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước mà ngay cả tại các ngân hàng thương mại tư nhân, lãi suất cho vay danh cho doanh nghiệp cũng có xu hướng hạ.

Như ngân hàng MBBank đang áp dụng lãi suất cho vay kinh doanh từ 6,8%/năm với hạn mức 80% nhu cầu vốn trong thời hạn tối đa 180 tháng. Còn tại ngân hàng VPBank vừa công bố gói lãi suất cho vay kinh doanh chỉ từ 5,99%/năm, áp dụng từ nay đến hết 31/12/2010 cho khách hàng cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình…

Ngoài ra cũng phải kể đến một nguyên nhân sâu xa để các ngân hàng có thể "mạnh tay" hơn trong công tác hạ lãi suất cho vay đó là tại báo cáo tài chính quý III/2020 các ngân hàng đều ghi nhận con số lợi nhuận khá lớn, thậm chí còn cao hơn cả cùng kỳ năm trước.

Dẫn đầu khối ngân hàng nhà nước có thể là Vietcombank khi mà 9 tháng đầu năm 2020 đã thu về 15.965 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, chỉ thấp hơn một chút so với cùng kỳ năm trước. Còn ở khối ngân hàng tư nhân, “vương miện” có khi lại thuộc về ngân hàng VPBank với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2020 tăng tới 30,5% so với cùng kỳ năm 2019, đạt gần 9.398 tỷ đồng.

Đối tượng vay vốn “yếu”

Mặc dù trong các chỉ đạo điều hành của ngân hàng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đều thể hiện “trăm phương nghìn kế” để hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, với dư địa hiện nay, doanh nghiệp không kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm mạnh và quá trình giải ngân cũng không dễ dàng như “người ngoài cuộc” vẫn tưởng.

Đại diện Công ty May ở Nam Định chia sẻ, dù muốn vay 2 tỷ đồng để nhập mẫu vải mới nhằm đưa hoạt động sản xuất quần áo trở lại nhưng rất khó. Vì trước đó, toàn bộ nhà xưởng đã thế chấp cho ngân hàng để vay đầu tư thiết bị, máy móc.

Ngân hàng thừa tiền nhưng khó cho vay, vì vướng nhiều quy định như tài sản đảm bảo, nợ xấu, hồ sơ thủ tục… nên dù đã “chạy chọt” nhiều cửa nhưng không vay được số tiền như mong muốn, đại diện công ty May chia sẻ.

Tại Hội thảo về vốn cho doanh nghiệp hậu Covid-19 mới đây, các doanh nghiệp du lịch cũng “đồng thanh” báo cáo khi bị các ngân hàng đánh giá đây là lĩnh vực kinh doanh đang gặp nhiều rủi ro.

“Nếu tài sản thế chấp không có đồng nghĩa với việc doanh nghiệp khó có thể vay vốn từ ngân hàng, đại diện một doanh nghiệp du lịch nói.

Về phía ngân hàng, đại diện một ngân hàng thương mại từng thổ lộ, hiện chênh lệch lãi suất huy động/cho vay của các ngân hàng đã bị giảm xuống rất thấp. Ngân hàng vẫn có thể giảm thêm lãi suất cho vay nhờ hạ sâu thêm lãi suất huy động, song mức giảm không nhiều, tối đa chỉ khoảng 0,5-1%. Bởi ngân hàng vẫn phải trả lãi suất huy động với mức 5-7%/năm, nên đưa lãi suất cho vay về 4-5%/năm là rất khó, nếu không có sự hỗ trợ của ngân sách.

“Các doanh nghiệp vẫn sản xuất - kinh doanh ổn định, có nhu cầu vay vốn lại không kêu ca nhiều về lãi suất. Các doanh nghiệp kêu ca nhất chính là các doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn, chủ yếu do nợ xấu từ trước khi Covid-19 xảy ra, không có tài sản đảm bảo, không chứng minh được dự án khả thi, không cho ngân hàng quản lý dòng tiền…”, đại diện ngân hàng này phản ánh.

Trước thực trạng này, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, không thể nới lỏng các điều kiện cho vay được. Nếu cứ đến ngân hàng là được vay vốn sẽ rất nguy hiểm. Nợ xấu sẽ tăng và có thể bị hình sự hóa các quan hệ kinh tế sau này.

Ở góc nhìn khác, một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng cần có chính sách tạo dòng tiền cho doanh nghiệp lúc này thông qua gói hỗ trợ từ Chính phủ. Nếu không, sẽ có nhiều doanh nghiệp phải ngưng hoạt động và giải thể, phá sản trước khi cải thiện được dòng tiền.

Vụ Dự báo, Thống kê Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh các tổ chức tín dụng quý 4/2020. Cuộc điều tra được tiến hành từ ngày 25/8/2020 đến ngày 14/9/2020, đối tượng là toàn bộ các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, tỷ lệ trả lời đạt 97%.

Báo cáo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh các tổ chức tín dụng quý 4/2020 cho thấy tiếp tục xu hướng dự báo của kỳ trước, tại kỳ điều tra này, mặt bằng lãi suất huy động – cho vay được kỳ vọng giảm trong quý 4/2020. Bình quân kỳ vọng chung toàn hệ thống, mặt bằng lãi suất thị trường được kỳ vọng giảm thêm 0,1 điểm phần trăm.

Rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng tăng trong quý 3 và dự kiến tiếp tục tăng trong quý 4 nhưng tốc độ tăng chậm lại. Hai nhóm khách hàng được 50 – 52,9% tổ chức tín dụng đánh giá có mức rủi ro tăng cao gồm nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa; khách hàng là công ty cổ phần, TNHH và doanh nghiệp tư nhân.

Tiếp tục xu hướng dự báo của kỳ trước, tại kỳ điều tra này, mặt bằng lãi suất huy động - cho vay được kỳ vọng giảm trong quý IV/2020 và cả năm 2020. Bình quân kỳ vọng chung toàn hệ thống, mặt bằng lãi suất thị trường được kỳ vọng giảm 0,1% trong quý IV/2020.

Ngọc An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ha-lai-suat-ngan-hang-van-kho-giai-ngan-post102849.html