Hạ lãi suất sẽ có tác động trong vòng 6 tháng tới
Đó là nhận định của ông Peter Verhoeven, Chủ tịch Công ty Prometheus Asia trong cuộc trao đổi với Đầu tư Chứng khoán xung quanh động thái điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua.
Nhìn lại năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất điều hành hai lần trong những tháng cuối năm. Theo ông, đâu là mục tiêu chính của động thái này?
Giống như các ngân hàng trung ương khác trên thế giới, mỗi quyết sách của Ngân hàng Nhà nước có nhiều mục đích, bởi chính sách tiền tệ có vai trò quan trọng nhằm kiểm soát lượng tiền lưu thông trên thị trường. Khi Ngân hàng Nhà nước tăng cường lượng tiền trong lưu thông sẽ dẫn đến áp lực tăng giá, cũng như gây ra nguy cơ lạm phát. Còn khi giảm lượng tiền trong lưu thông, áp lực tăng giá và lạm phát sẽ dịu bớt. Đây là hành động cân bằng tốt.
Với tỷ lệ lạm phát hàng năm là 2%, lượng tiền sẽ là vừa đủ để các doanh nghiệp, cá nhân mua sắm và đầu tư. Khi tỷ lệ lạm phát gia tăng, như thực tế đã xảy ra tại hầu hết quốc gia trong năm 2022 bởi các chương trình kích thích kinh tế của các chính phủ, các ngân hàng trung ương sẽ áp lãi suất cao hơn với các khoản vay của các ngân hàng. Điều này khiến chi phí vay vốn trên thị trường trở nên đắt đỏ, đồng thời làm giảm lượng tiền trong lưu thông, với hy vọng giúp giảm áp lực lạm phát.
Tỷ giá hối đoái cũng bị ảnh hưởng bởi chênh lệch lãi suất do dòng tiền sẽ chảy từ quốc gia mà ở đó tiền tệ có mức lãi suất thấp sang một quốc gia khác, nơi tiền tệ có mức lãi suất cao hơn, vì bản chất của các nhà đầu tư là theo đuổi lợi nhuận. Khi chúng ta bán đồng tiền có lãi suất thấp và mua đồng tiền có lãi suất cao sẽ làm cho đồng tiền có lãi suất thấp giảm giá trị so với đồng tiền có lãi suất cao.
Với tốc độ lạm phát tăng dần tại Việt Nam, mặc dù vẫn thấp hơn đáng kể so với tại Mỹ, Anh hay EU, nhưng theo tôi, động thái tăng lãi suất trong năm 2022 của Ngân hàng Nhà nước là nhằm kiểm soát lạm phát, qua đó giúp ổn định tỷ giá. Đó là quyết định đúng đắn, thể hiện cơ quan quản lý nắm bắt tốt tình hình.
Trong tháng 3/2023, Ngân hàng Nhà nước có hai đợt hạ một số loại lãi suất điều hành, ông có nhận định gì về quyết định này trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh bất ổn toàn cầu khi ngành ngân hàng ở Mỹ và châu Âu lún sâu trong cuộc khủng hoảng niềm tin?
Ngân hàng Nhà nước phải cân bằng giữa mục tiêu kiểm soát lạm phát vốn đang làm khá tốt với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Lạm phát tại Việt Nam không cao như tại nhiều quốc gia trên thế giới và phần lớn là lạm phát chi phí đẩy, bị tác động bởi các yếu tố như giá cả hàng hóa, hay chi phí vận chuyển. Chỉ số lạm phát tại Việt Nam tương đối thấp và đang giảm dần, nên tôi tin rằng, việc giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước là quyết định đúng đắn, nhằm thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.
Tăng lãi suất sẽ làm tăng chi phí cho vay của các cá nhân và doanh nghiệp, nhưng cũng làm cho việc gửi tiết kiệm tại các ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn. Lãi suất cao sẽ dẫn tới đầu tư ít hơn và tăng trưởng chậm lại nên Ngân hàng Nhà nước phải cân bằng giữa mục tiêu kiểm soát lạm phát vốn đang làm khá tốt với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thông thường, các động thái chính sách của ngân hàng trung ương sẽ phát huy hiệu quả sau khoảng 6 tháng. Nói cách khác, chúng ta sẽ thấy việc hạ lãi suất có tác động tích cực đến thị trường trong vòng 6 tháng tới.
Về cơ bản, lãi suất cao khiến các khoản vay và chi phí đầu tư của các doanh nghiệp trở nên đắt đỏ, dẫn tới việc hạn chế vay ngân hàng, từ đó làm giảm thu nhập của ngân hàng và làm gia tăng các khoản vay “có vấn đề”, do chi phí vay nợ gây áp lực lên dòng tiền của các doanh nghiệp. Lãi suất cao cũng làm chi phí vốn của các ngân hàng cao hơn, ảnh hưởng đến bức tranh lợi nhuận của ngân hàng. Nhìn chung, lãi suất thấp có lợi cho tăng trưởng.
Động thái chính sách mới, nhưng lãi suất tái cấp vốn chỉ điều chỉnh giảm 0,5%/năm. Liệu điều này có cho thấy lập trường chính sách của Ngân hàng Nhà nước vẫn không thay đổi là thắt chặt chính sách tiền tệ, mặc dù có cắt giảm các loại lãi suất khác?
Các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn đang nỗ lực giảm tỷ lệ lạm phát và Ngân hàng Nhà nước cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, lạm phát tại Việt Nam không cao như tại nhiều quốc gia khác, nên không có nhiều áp lực phải tăng lãi suất. Tôi tin rằng, các chuyên gia tại Ngân hàng Nhà nước theo dõi rất kỹ tác động của việc điều chỉnh lãi suất.
Liệu có cơ hội để lãi suất tại Việt Nam giảm mạnh trong thời gian tới?
Tôi không cho rằng chúng ta có thể chứng kiến lạm phát và lãi suất giảm mạnh ở bất cứ đâu trên thế giới. Khi lạm phát tiếp tục giảm tại Việt Nam, tôi tin rằng, lãi suất sẽ dần được nới lỏng, nhưng sẽ không có chuyển động lớn. Không có động thái giống như cách ứng xử gây sốc với nhiều lần tăng lãi suất tới 0,75%/năm của Fed.
Tôi cũng muốn đề cập thêm rằng, do tỷ lệ lạm phát liên tục ở mức cao như tại Mỹ, Anh, EU và nhiều quốc gia khác, tôi không thấy bất kỳ sự nới lỏng nào tại các thị trường này. Với chi phí hàng hóa cao, áp lực tiền lương và nhiều yếu tố khác, lạm phát khó có thể giảm xuống.
Năm 2023, hệ thống tài chính của Việt Nam nên được triển khai như thế nào để đưa nền kinh tế vượt qua “sóng gió”?
Như tôi đã đề cập, Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhiều vai trò, bao gồm quản lý thị trường và giảm thiểu “sóng gió”. Theo tôi, tiếp tục kiểm soát nguồn cung tiền, tăng cường giám sát thị trường vốn và hoạt động ngân hàng là điều rất có lợi.
Phát triển thị trường vốn vững chắc, đáng tin cậy là điều tốt. Các ngân hàng phát triển lành mạnh và được quản lý tốt là yếu tố rất quan trọng cho sự phát triển lâu dài của nền kinh tế.
Chúng ta đã chứng kiến nhiều cuộc khủng khoảng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng trên thế giới (khủng khoảng tiết kiệm và cho vay, sự sụp đổ của một số ngân hàng lớn tại Mỹ và châu Âu như Lehman Brothers, Silicon Valley Bank hay Credit Suisse) và trên thị trường vốn (khủng hoảng trái phiếu “rác”) đã gây ra các vấn đề kinh tế nghiêm trọng.
Tất cả những điều này có thể bắt nguồn từ thất bại trong quản lý, trong việc thực thi thể chế, hoặc là cả hai. Việc thực hiện Chuẩn mực quản trị rủi ro Basel III và Chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS 9 là nhằm đảm bảo các ngân hàng cải thiện quy trình và nâng cao tính minh bạch.