Hà Lan, Nhật Bản sẵn sàng phối hợp với Mỹ trong chiến lược ngăn chặn chip Trung Quốc
Hà Lan và Nhật Bản, 2 quốc gia cung cấp thiết bị sản xuất chất bán dẫn sẽ tham gia nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm hạn chế xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc và cản trở phát triển ngành công nghiệp chip quốc gia này.
Những nguồn tin quen thuộc với vấn đề này cho biết, những biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Hà Lan và Nhật Bản có thể được thống nhất và hoàn tất ngay sau cuối tháng 1. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã thảo luận về kế hoạch chính phủ 2 nước với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng đầu tháng 1/2023.
“Tôi tự tin rằng chúng ta sẽ đạt được điều này,” ông Rutte phát biểu ngày 20/1 trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg News bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ.
Chính quyền Hague và Tokyo có thể sẽ không đi xa như những quy định nghiêm ngặt của Washington, không chỉ hạn chế xuất khẩu máy móc thiết bị do Mỹ sản xuất mà còn không cho phép công dân Mỹ làm việc với các nhà sản xuất chip Trung Quốc. Nhưng những hạn chế mà Hà Lan và Nhật Bản có thể đưa ra khiến Bắc Kinh thậm chí còn bị cô lập hơn nữa khỏi công nghệ hoặc bí quyết mà quốc gia này cần để chế tạo những linh kiện bán dẫn tiên tiến nhất, khi cả ba nước cùng hành động.
Mỹ vốn là là quê hương của nhóm các doanh nghiệp sản xuất thiết bị chip lớn nhất, Hà Lan tự hào có ASML Holding, công ty kiểm soát thị trường công nghệ in thạch bản, cung cấp những thiết bị cơ bản quan trọng nhất trong sản xuất linh kiện điện tử.
Công ty Tokyo Electron của Nhật Bản là đối thủ lớn của các công ty Mỹ trong rất nhiều loại máy móc trang thiết bị khác, cần thiết cho quy trình sản xuất các linh kiện bán dẫn tiên tiến.
Các nhà phân tích cho biết, nếu không được tiếp cận với những sản phẩm tiên tiến nhất của Hà Lan, Nhật Bản cũng như những sản phẩm do các công ty Mỹ Ứng dụng Vật liệu (Applied Materials), Lam Research và KLA cung cấp, các công ty Trung Quốc sẽ gần như không thể xây dựng dây chuyền sản xuất có khả năng sản xuất chip tiên tiến nhất. Trong năm 2022, giao dịch của cả ba công ty đều giảm hơn 2% do tác động của thị trường thế giới.
Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng từ chối bình luận.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân ngày 21/1 trong một cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh tuyên bố, những nỗ lực của Mỹ cho thấy mục tiêu “lợi ích bá quyền ích kỷ” của Nhà Trắng và Washington đang “tìm mọi cách thu lợi cho quốc gia này bằng thủ pháp gây thiệt hại cho các đồng minh”.
Ông Vương nói thêm, Bắc Kinh “sẽ làm theo những gì đang phát triển và bảo vệ lợi ích của đất nước”.
Chính quyền Biden đã ban hành những quy tắc mới sâu rộng vào tháng 10/2022, bao gồm những quy định hạn chế cung cấp thiết bị sản xuất chip tiên tiến nhất của các nhà sản xuất Mỹ cho khách hàng Trung Quốc, đưa ra các giới hạn với người Mỹ, làm việc cho các công ty bán dẫn Trung Quốc, một động thái nhằm ngăn chặn khả năng tiếp cận một số chuyên môn nhất định.
Trong giai đoạn bình luận về những quy định mới của Bộ Thương mại, một số công ty bán dẫn Mỹ đã đưa ra ý kiến phản đối nhưng các nhà lập pháp lưỡng đảng đều ủng hộ sẽ kết thúc vào ngày 31/1. Đảng Cộng hòa tại Quốc hội gây áp lực buộc Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo phải siết chặt hơn nữa những hạn chế đối với các doanh nghiệp sản xuất chip Trung Quốc, đặt câu hỏi trong một bức thư, được công bố ngày 18/1, liệu các biện pháp kiểm soát xuất khẩu có được thực thi đầy đủ hay không?
Linh kiện bán dẫn đã trở thành chiến trường quan trọng cho cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mỹ là quốc gia phát minh và cung cấp công nghệ lớn nhất, trong khi Trung Quốc là thị trường bán lẻ lớn nhất. Sự phụ thuộc của Bắc Kinh, kết hợp với những nỗ lực ngày càng tăng của Washington nhằm hạn chế khả năng tiếp cận chip tiên tiến và việc sử dụng công nghệ này trong quân sự, khiến Trung Quốc phải tìm cách giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu.
Đối với chính sách của tổng thống Mỹ Joe Biden, chiến lược mở rộng địa bàn chống lại Trung Quốc, bao gồm cả Hà Lan và Nhật Bản sẽ càng tăng thêm hiệu quả. Đối với Hà Lan và Nhật Bản, cũng như đối với một số công ty Mỹ, những lo ngại về địa chính trị đang được cân nhắc kỹ lưỡng trước việc mất quyền tiếp cận một thị trường khổng lồ.
Đại diện Texas Michael McCaul, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện cho biết: “Tôi ca ngợi chính quyền tổng thống Joe Biden đã làm việc với các đối tác của chúng ta nhằm áp dụng những biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các thiết bị được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn tiên tiến. Tôi cũng xem xét kỹ lưỡng các chi tiết cụ thể về những gì có thể hình thành từ những cuộc đàm phán này. Đảng Cộng hòa trong Quốc Hội sẵn sàng sử dụng quyền hạn của mình để bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ và bảo vệ nhân quyền, nếu kết quả không phù hợp đáng kể với những biện pháp kiểm soát hiện đang áp dụng.”
Ông McCaul có kế hoạch sẽ gặp bà Raimondo để thảo luận về vấn đề này ngày 26/1. Không rõ các quốc gia khác sẽ mất bao lâu để thực hiện những biện pháp hạn chế Trung Quốc.
Ông Rutte nói: “Kế hoạch này thậm chí có thể là một điều gì đó chỉ diễn ra mà không có thông báo lớn nào. Tổng thể vẫn chưa rõ ràng. Kết quả phụ thuộc một chút vào các cuộc thảo luận với các quốc gia khác nhau có liên quan, xem xét hướng phát triển như thế nào.”
Sau thông báo của Mỹ vào tháng 10, một số công ty Mỹ buộc phải cảnh báo các nhà đầu tư rằng doanh nghiệp có thể mất hàng tỉ USD doanh thu từ Trung Quốc trong tương lai. Các doanh nghiệp lập luận rằng, những hạn chế cũng khiến các công ty mất thị phần, nếu các đối thủ nước ngoài được phép tiếp tục hoạt động ở Trung Quốc một cách tương đối không hạn chế.
Tokyo Electron cho biết việc kiểm soát chung đối với khách hàng Trung Quốc sẽ gây tổn hại cho hoạt động kinh doanh, nhưng công ty Hà Lan ASML cho biết, nhu cầu từ những quốc gia khác trên thế giới đối với các sản phẩm tiên tiến nhất của doanh nghiệp sẽ bù đắp cho bất kỳ sự thâm hụt doanh thu nào từ Trung Quốc./.