Hà Lan sẽ mở rộng các hạn chế xuất khẩu đối với thiết bị sản xuất chip

Thông báo mới cho biết sẽ có thêm những thiết bị sản xuất chip thuộc diện hạn chế xuất khẩu và các doanh nghiệp phải xin giấy phép từ Chính phủ Hà Lan nếu muốn bán hàng ra nước ngoài.

Chip do công ty SK hynix nghiên cứu sản xuất. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Chip do công ty SK hynix nghiên cứu sản xuất. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Ngày 6/9, Chính phủ Hà Lan thông báo sẽ mở rộng các hạn chế xuất khẩu đối với thiết bị sản xuất bán dẫn tiên tiến.

Động thái sẽ khiến nhiều máy móc của ASML, tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất thiết bị chế tạo chip, rơi vào danh sách hạn chế.

Theo thông báo mới, sẽ có thêm những thiết bị sản xuất chip thuộc diện hạn chế xuất khẩu và các doanh nghiệp phải xin giấy phép từ Chính phủ Hà Lan nếu muốn bán hàng ra nước ngoài.

Bộ trưởng Ngoại thương và Phát triển Hà Lan, bà Reinette Klever, cho biết thông báo trên được đưa ra vì lý do an ninh.

Bà nhấn mạnh Hà Lan nhận thấy rằng những tiến bộ công nghệ đã làm gia tăng các rủi ro an ninh liên quan đến việc xuất khẩu các thiết bị sản xuất chip, đặc biệt trong bối cảnh địa chính trị hiện nay.

Việc tăng cường hạn chế xuất khẩu này diễn ra sau khi Chính phủ Hà Lan đã áp dụng các biện pháp hạn chế lớn đầu tiên đối với thiết bị sản xuất bán dẫn vào năm ngoái.

ASML là công ty công nghệ lớn nhất châu Âu cũng như Hà Lan và là nhà cung cấp thiết bị hàng đầu để sản xuất chip trên toàn cầu. Đây cũng là tập đoàn duy nhất hiện nay có máy khắc quang học cực tím (EUV) dùng để sản xuất hàng loạt loại chip tiên tiến nhất thế giới.

Trước đó, ngày 30/8, Thủ tướng Hà Lan, ông Dick Schoof, cho biết chính phủ sẽ xem xét lợi ích kinh tế của ASML khi quyết định có tiếp tục thắt chặt các quy định về xuất khẩu thiết bị sản xuất chip của công ty này sang Trung Quốc hay không.

Ông nhấn mạnh chính phủ đặc biệt lưu tâm đến lợi ích kinh tế của ASML, song những lợi ích này cần được cân nhắc so với các rủi ro khác.

Ông Schoof cũng cho biết thêm ASML là doanh nghiệp cực kỳ quan trọng đối với Hà Lan và không nên gây tổn hại đến vị thế toàn cầu của ASML.

Trung Quốc hiện là thị trường lớn thứ ba của ASML. Các công ty Trung Quốc chiếm khoảng 20% lượng đơn hàng của ASML. Sau các đợt hạn chế xuất khẩu trước đây, các nhà sản xuất chip Trung Quốc chủ yếu mua thiết bị cũ hơn của ASML, vốn không nằm trong diện bị hạn chế xuất khẩu và được sử dụng để sản xuất các loại chip cũ quan trọng trong ngành sản xuất công nghiệp trên toàn cầu.

Trung Quốc đang gia tăng mạnh mẽ chi tiêu cho thiết bị sản xuất chip, cao hơn cả tổng chi tiêu của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản trong nửa đầu năm nay.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thiết bị và bán dẫn toàn cầu (SEMI), trong nửa đầu năm 2024, Trung Quốc đã chi tới 24,73 tỷ USD để mua sắm thiết bị sản xuất chip, cao hơn cả tổng chi tiêu của Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Bắc Mỹ và Nhật Bản, là 23,68 tỷ USD trong cùng khoảng thời gian.

Mức đầu tư khổng lồ này được thúc đẩy nhờ nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc nhằm tự cung tự cấp về chip và giảm thiểu rủi ro từ các hạn chế của phương Tây, vốn có thể cản trở khả năng tiếp cận công nghệ quan trọng của “gã khổng lồ châu Á” này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ha-lan-se-mo-rong-cac-han-che-xuat-khau-doi-voi-thiet-bi-san-xuat-chip-post974634.vnp