Bảo hiểm tài sản sau bão Yagi: Những lưu ý về câu chuyện đền bù thiệt hại
Vấn đề đang được nhiều khách hàng các hãng bảo hiểm quan tâm sau bão Yagi là câu chuyện đền bù thiệt hại.
Cơn bão Yagi vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà máy và tài sản ở vùng bị ảnh hưởng trực tiếp. Trong hoàn cảnh này, bảo hiểm tài sản được coi là giải pháp giúp các doanh nghiệp giảm thiểu tổn thất tài chính. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp gặp trở ngại khi yêu cầu bồi thường, đặc biệt là do những điều khoản loại trừ không rõ ràng, quy trình khai báo phức tạp, hoặc không hiểu rõ về phạm vi bảo hiểm mà mình đã mua.
Một trong những vấn đề phổ biến là các điều khoản loại trừ trong hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt là đối với các thiệt hại do thiên tai. Nhiều hợp đồng bảo hiểm quy định loại trừ đối với các sự cố như sạt lở đất, ngập lụt do nước tràn từ sông, hồ hoặc đập… Điều này khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi thiệt hại phát sinh từ những yếu tố này nhưng lại không thể yêu cầu bồi thường.
Nhiều doanh nghiệp không hiểu rõ các điều khoản loại trừ này trước khi ký hợp đồng, dẫn đến những kỳ vọng sai lầm về quyền lợi bảo hiểm mà họ nghĩ rằng mình sẽ được hưởng. Kết quả là khi sự cố xảy ra, họ bất ngờ khi biết rằng công ty bảo hiểm từ chối bồi thường.
Một sai lầm khác mà nhiều doanh nghiệp mắc phải là không mua bảo hiểm toàn diện, phạm vi bảo hiểm không đủ rộng. Rất nhiều công ty chỉ mua bảo hiểm cho những rủi ro như cháy nổ, nhưng lại bỏ qua các nguy cơ thiên tai như giông bão hay lũ lụt. Khi những sự cố này xảy ra, doanh nghiệp không thể yêu cầu bồi thường vì những rủi ro này không nằm trong phạm vi bảo hiểm đã ký kết.
Ngoài ra, một vấn đề khác đáng quan tâm là việc không tuân thủ quy trình khai báo sự cố kịp thời và không chuẩn bị đủ tài liệu chứng minh thiệt hại. Nhiều doanh nghiệp không nhận được bồi thường chỉ vì họ không báo cáo sự cố ngay lập tức hoặc không cung cấp đủ bằng chứng. Điều này thường dẫn đến việc yêu cầu bồi thường bị từ chối.
Không phải cứ mua bảo hiểm là sẽ nhận được bảo hiểm, đặc biệt là khi những thiệt hại liên quan đến thiên tai thường bị các công ty bảo hiểm từ chối với lý do phạm vi bảo hiểm không đủ rộng hoặc không tuân thủ quy trình khai báo.
Để tránh tình trạng này, các doanh nghiệp cần tuân thủ quy trình khai báo của công ty bảo hiểm và cung cấp đủ bằng chứng như hình ảnh, video, hóa đơn sửa chữa, hoặc báo cáo giám định độc lập.
Để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm của mình, các doanh nghiệp cần tuân thủ các bước sau:
Đọc kỹ hợp đồng bảo hiểm: Doanh nghiệp phải hiểu rõ mọi điều khoản trong hợp đồng, từ phạm vi bảo hiểm đến các điều khoản loại trừ, để tránh bất ngờ khi yêu cầu bồi thường.
Lưu giữ hồ sơ tài liệu chi tiết: Doanh nghiệp nên chuẩn bị kỹ càng hồ sơ, chứng từ liên quan đến tài sản và thiệt hại, vì đây là yếu tố quan trọng giúp quá trình yêu cầu bồi thường diễn ra suôn sẻ.
Khai báo sự cố kịp thời: Ngay sau khi sự cố xảy ra, doanh nghiệp cần khai báo ngay lập tức với công ty bảo hiểm để tránh mất quyền yêu cầu bồi thường.
Hợp tác với công ty bảo hiểm trong giám định thiệt hại: Doanh nghiệp nên phối hợp chặt chẽ với công ty bảo hiểm trong quá trình giám định để đảm bảo tính minh bạch và tốc độ xử lý yêu cầu bồi thường.
Mời luật sư khi cần thiết: Trong trường hợp tranh chấp với công ty bảo hiểm, việc thuê luật sư sẽ giúp doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi của mình và chuẩn bị tốt hơn cho quá trình tranh tụng nếu cần.
Cuối cùng, nếu không thể đạt được thỏa thuận với công ty bảo hiểm, doanh nghiệp có thể xem xét phương án đưa vụ việc ra Trọng tài thương mại hoặc Tòa án để giải quyết. Tuy nhiên, đây là phương án cuối cùng, thường tốn nhiều thời gian và chi phí, vì vậy doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng.
Trong bối cảnh thiên tai ngày càng khó lường, việc chuẩn bị tốt về bảo hiểm tài sản không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro tài chính mà còn giúp bảo vệ tài sản và tiếp tục hoạt động kinh doanh. Nhưng để làm được điều đó, doanh nghiệp cần chủ động, hiểu rõ hợp đồng bảo hiểm, tuân thủ quy trình và có sự hỗ trợ pháp lý cần thiết khi cần.