Hà Nam: Bão số 3 và mưa lũ gây thiệt hại ước tính khoảng 468 tỷ đồng
Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Nam, ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão đã gây ra nhiều sự cố về đê điều, công trình thủy lợi, cơ sở hạ tầng, thiệt hại về sản xuất nông nghiệp và ngập lụt tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh, ước thiệt hại khoảng 468 tỷ đồng.
Theo đó, do lũ trên hệ thống các sông qua địa bàn tỉnh Hà Nam dâng cao khiến toàn tỉnh xảy ra 117 số điểm ngập lụt, độ sâu ngập lớn nhất khoảng 3m và ảnh hưởng khoảng 16.355 hộ/55.680 người; thiệt hại về lúa: 6.219,12ha; hoa màu: 882,73ha; chăn nuôi gia súc, gia cầm: 77.594 con; nuôi trồng thủy sản: 589,4ha; cây bóng mát, cây xanh đô thị: 6.095 cây... Ước thiệt hại khoảng 468 tỷ đồng.
Để khắc phục những thiệt hại do mưa lũ gây ra, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hà Nam đã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương. Các văn bản và công điện khẩn cấp đã được ban hành để hướng dẫn các Sở, ngành và địa phương trên toàn tỉnh trong công tác ứng phó và khắc phục hậu quả. Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và các lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam đã tổ chức nhiều Đoàn công tác trực tiếp kiểm tra và có chỉ đạo trực tiếp sát thực tế để ứng phó với bão số 3, mưa lũ sau bão tại tất cả địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt là những khu vực trọng yếu, sự cố đê điều, thủy lợi và những khu vực ảnh hưởng lớn bởi ngập lụt.
Các lực lượng Công an, Quân đội được huy động ứng trực 100% quân số, tăng cường lực lượng Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh các cấp trực ban theo đúng quy định. Cùng với lực lượng xung kích địa phương, các lực lượng này đã tổ chức sơ tán người dân, di dời tài sản, gia súc và gia cầm đến nơi an toàn, đảm bảo trật tự an ninh và hỗ trợ giải quyết các sự cố do mưa lũ gây ra. Đồng thời, cũng tổ chức hỗ trợ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cho các hộ dân sơ tán, gia đình khó khăn ảnh hưởng bởi ngập lụt.
Các địa phương trong tỉnh Hà Nam đã sơ tán: 3.430 hộ/10.659 người, di dời khoảng 321.855 con gia súc, gia cầm và khoảng hơn 2.060 vật dụng, tài sản của nhân dân đến nơi an toàn. Ngoài ra, các sự cố về sạt lở, rò rỉ và đùn sủi tại hệ thống đê điều, công trình thủy lợi và giao thông đã được xử lý an toàn, với tổng chiều dài lên đến 26.120m, bao gồm: Đê, kè và các tuyến đường giao thông đi qua các khu dân cư.
Đến nay, mực nước trên sông Đáy tại thành phố Phủ Lý đang xuống; mực nước Sông Hồng đã thấp hơn sông Châu Giang, cống Tắc Giang đã mở tiêu nước ra sông Hồng nên vùng ngập lụt ngoài đê sông Hồng lũ đang rút nhanh. Tuy nhiên, nhiều khu vực dân cư ven sông, vùng trũng thấp, nhất là các xã vùng Tây Đáy của huyện Thanh Liêm vẫn ngập lụt, có nơi ngập sâu do nước sông xuống chậm.