Hà Nam biểu dương, khen thưởng phụ nữ khuyết tật tiêu biểu
Hướng tới kỷ niệm 25 năm ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4/1988-18/4/2023), ngày 14/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Nam tổ chức tọa đàm, biểu dương phụ nữ khuyết tật tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Tại tọa đàm, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Nam đã biểu dương, khen thưởng 36 phụ nữ khuyết tật tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Đây là những tấm gương sáng về nghị lực, là nguồn cảm hứng, động lực tiếp sức cho các chị em phụ nữ khuyết tật vượt qua sự tự ti, mặc cảm vươn lên trong cuộc sống.
Bà Trần Thị Minh Nguyệt, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Nam cho biết, toàn tỉnh Hà Nam hiện có trên 28.600 người khuyết tật, trong đó, có trên 14.500 phụ nữ khuyết tật.
Phần lớn người khuyết tật có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, sống phụ thuộc vào gia đình, người thân và trợ cấp xã hội (trên 20.700 người khuyết tật đang được trợ cấp xã hội thường xuyên).
Với vai trò là tổ chức đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các cấp hội triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến những chính sách, pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật; chỉ đạo, phối hợp thành lập và ra mắt các mô hình tập hợp, thu hút phụ nữ khuyết tật tham gia như: Câu lạc bộ “Phụ nữ khuyết tật”, nhóm “Phụ nữ tự lực”... nhằm hỗ trợ phụ nữ khuyết tật tiếp cận với kiến thức pháp luật, chăm sóc sức khỏe, chủ động, phòng chống bạo lực, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Các cấp hội đã hỗ trợ sửa chữa, xây dựng mái ấm tình thương cho 21 phụ nữ khuyết tật với tổng số tiền gần 690 triệu đồng; hỗ trợ sinh kế, tặng con giống, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, dạy nghề, tạo việc làm... để giúp phụ nữ khuyết tật tạo thu nhập một cách độc lập, vươn lên trong cuộc sống.
Tại tọa đàm, đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Hội Người khuyết tật tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ và đại diện câu lạc bộ “Phụ nữ khuyết tật”, nhóm “Phụ nữ tự lực” của tỉnh Hà Nam đã trao đổi, chia sẻ những khó khăn, sự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống của phụ nữ khuyết tật; những tâm tư, nguyện vọng về quyền bình đẳng, hòa nhập thật sự với cộng đồng xã hội và khẳng định ý chí, khát vọng vươn lên làm chủ cuộc sống của chị em phụ nữ khuyết tật.
Tọa đàm cũng là diễn đàn để các cấp hội cũng như các đơn vị liên quan lắng nghe và có những giải pháp cụ thể hơn, thiết thực hơn trong thực hiện các hoạt động trợ giúp người khuyết tật nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng.