Hà Nam: Chủ động ứng phó với các sự cố trên hệ thống đê điều

Hệ thống đê điều của tỉnh Hà Nam hằng năm đều được nâng cấp, tu bổ để đáp ứng năng lực phòng chống thiên tai nhưng vẫn còn nhiều ẩn họa, một số vị trí từng xảy ra sự cố, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa, bão, lũ. Vì vậy, tỉnh Hà Nam luôn chủ động ứng phó với các sự cố trên hệ thống đê điều.

Hệ thống đề điều của tỉnh Hà Nam có tổng chiều dài gần 186 km, gồm: Đê hữu Hồng dài 38,973 km, đê tả Đáy 49,516 km và các tuyến đê sông con (đê cấp IV và V) dài 97,180 km. Qua đánh giá, mặc dù, hệ thống đê điều đã được đầu tư nâng cấp, tu bổ, nhưng vẫn còn nhiều ẩn họa, một số vị trí từng xảy ra sự cố, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa, bão, lũ.

Theo đó, tại tuyến đê hữu Hồng, mặt cắt chưa hoàn thiện, hệ số mái đê chưa đủ, nhiều đoạn chưa có cơ đê, có nơi nền và thân đê yếu… Trong đó, còn 8,644 km phía thượng lưu và 5,140 km phía hạ lưu chưa được đắp cơ; 7,787 km thượng lưu và 2,702 km hạ lưu không thể đắp cơ do đê đi qua khu vực dân cư, công trình hoặc bãi cao.

 Đoạn đê hữu Hồng trên địa bàn thị xã Duy Tiên bị sạt trượt sau đợt mưa lớn cuối tháng 7.

Đoạn đê hữu Hồng trên địa bàn thị xã Duy Tiên bị sạt trượt sau đợt mưa lớn cuối tháng 7.

Trên tuyến đê được xác định có 2 trọng điểm phòng, chống thiên tai cấp tỉnh cần được bảo vệ và có phương án ứng phó, gồm: Cống Mộc Nam tại K120+050 và Cụm công trình đầu mối cống và âu thuyền Tắc Giang tại K129+420 - K129+530. Đáng chú ý trong đợt mưa lớn kéo dài nửa cuối tháng 7 vừa qua, trên đê sông Hồng đã xảy ra các sự cố gây ảnh hưởng đến an toàn đê.

Cụ thể, đoạn từ K126+550 - K126+590 có chiều dài sạt trượt 40m, sạt thẳng đứng tại phạm vi sát mặt đê, chiều sâu cung sạt lớn nhất khoảng 1,2m; đoạn từ K127+634 - K127+654 có chiều dài sạt trượt 20m, cung sạt cách mặt đê khoảng 0,5 - 1,0m, chiều sâu cung sạt khoảng 0,3 - 0,7m. Qua đánh giá sơ bộ về nguyên nhân, từ ngày 18/7 đến nay trên địa bàn tỉnh Hà Nam xảy ra mưa lớn kéo dài, (cá biệt từ 7h ngày 23/7 đến 7h ngày 24/7 lượng mưa trên địa bàn thị xã Duy Tiên là 187mm) dẫn đến mái đê bị sũng nước gây ra sạt trượt.

Tương tự, đê tả Đáy cũng có nhiều ẩn họa trong thân đê, khả năng xảy ra sự cố cao. Cách đây hơn 2 năm, đê tả Đáy thuộc địa phận xã Thanh Hải (Thanh Liêm) từng xảy ra sự cố bất thường nứt dọc thân đê.

Trong năm 2023, đầu năm 2024, trên tuyến đê tả Đáy xảy ra sạt trượt ở 4 vị trí, gồm: K95+870 - K95+885; K104+450 -K104+480; K104+870 - K104+891; K104+630 - K104+645. Hiện, đê tả Đáy đang thực hiện dự án thành phần cấp bách: Nâng cấp đoạn đê từ K117+810 - K129+000, được xác định là trọng điểm phòng chống thiên tai cấp tỉnh năm 2024.

Mùa mưa, bão, lũ năm nay mới diễn ra chưa được nửa thời gian, nhưng đã cho thấy sự phức tạp, bất thường. Điển hình, đợt mưa lớn kéo dài nửa cuối tháng 7 đã làm xảy ra sự cố sạt, trượt trên đê sông Hồng. Lũ trên các sông qua địa bàn ở mức cao, trên sông Đáy vượt báo động 3 là 5 cm; sông Hồng do tác động từ việc xả lũ của các hồ thượng nguồn đã lên cao, dưới báo động 1 là 0,54m...

Theo đại diện Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hệ thống đê điều của tỉnh hằng năm đều được nâng cấp, tu bổ để đáp ứng năng lực phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, các công trình này vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố.Vì vậy, để chủ động ứng phó với các sự cố trên hệ thống đê điều trong mùa mưa, bão, lũ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai của tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ”.

Trong đó, chú trọng chuẩn bị về nhân lực, phương tiện, vật tư tại chỗ để sẵn sàng huy động ứng phó giờ đầu khi xuất hiện sự cố. Đồng thời, lực lượng quản lý đê nhân dân được kiện toàn tại các địa phương có đê để thường xuyên tuần tra, canh gác và phát hiện kịp thời những sự cố có thể xảy ra. Cùng với đó, thường xuyên tuyên truyền và xử lý những vi phạm trong hành lang bảo vệ đê.

Trần Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ha-nam-chu-dong-ung-pho-voi-cac-su-co-tren-he-thong-de-dieu-post308351.html