Hà Nam hiện thực hóa chiến lược phát triển giáo dục đào tạo
Là một trong các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, Hà Nam đã có những quyết sách mang tầm chiến lược để phát triển bền vững giáo dục - đào tạo
Động lực phát triển
Là một tỉnh nằm ở phía Tây Nam đồng bằng Bắc Bộ, Hà Nam là cửa ngõ thủ đô Hà Nội với diện tích đất tự nhiên 86.193 ha, có thành phố Phủ Lý là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của tỉnh. Hà Nam có mạng lưới giao thông rất thuận lợi, tạo điều kiện thuận lợi để giao lưu hợp tác kinh tế với các tỉnh, thành phố và các trung tâm kinh tế lớn của cả nước.
Hà Nam hiện có GDP bình quân đầu người năm 2022 là 86,1 triệu đồng. Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản ổn định và phát triển. Với những điều kiện tự nhiên và tình hình kinh tế - xã hội nêu trên, tỉnh Hà Nam có rất nhiều thuận lợi trong việc triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Toàn Ngành giáo dục đã tích cực chuẩn bị, sẵn sàng để thực hiện đổi mới một cách chủ động và tích cực.
Tỉnh Hà Nam nằm trong vùng Đồng bằng sông Hồng những quyết sách mang tầm chiến lược phát triển GD-ĐT giai đoạn 2011- 2022 giải pháp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã thể hiện quyết tâm của Hà Nam trong việc nâng cao chất lượng GD&ĐT. Giáo dục phổ thông tỉnh Hà Nam tích cực triển khai thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2003.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam cho biết: Hiện thực hóa Nghị quyết số 29 của Ban chấp hành Trung ương, ngành GD&ĐT Hà Nam đang đẩy mạnh đổi mới công tác giáo dục, chuyển từ việc cung cấp kiến thức, kỹ năng sang phát triển năng lực, phẩm chất người học; trong đó tỉnh chú trọng vào việc đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục.
Quyết tâm hiện thực hóa
Hà Nam đang là địa phương hiện chất lượng GDPT được giữ vững và có bước phát triển, luôn duy trì ở tốp 10 tỉnh dẫn đầu toàn quốc trong các kỳ thi THPT quốc gia, thi tốt nghiệp THPT. Chất lượng và tỷ lệ đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và quốc tế có đã có điểm nhấn nổi bật. Công tác giáo dục đạo đức có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức của học sinh, học viên về lý tưởng, lẽ sống và trách nhiệm công dân, chấp hành pháp luật được nâng lên.
Quy hoạch mạng lưới trường, lớp học đạt nhiều kết quả tích cực. Hệ thống trường học các cấp đã cơ bản được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp khang trang, sạch đẹp, trang thiết bị dạy học được bổ sung đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên các cấp từng bước được nâng cao về chất lượng, có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn cao, có phẩm chất đạo đức tốt, có lòng yêu nghề và năng lực sư phạm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành giáo dục Hà Nam vẫn còn nhiều hạn chế cả khách quan lẫn chủ quan. Đội ngũ giáo viên còn thiếu, học sinh đông, vượt so với quy định (nhất là ở cấp mầm non, tiểu học) ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Đặc biệt, những năm gần đây, quy mô học sinh tăng nhưng số lượng người làm việc phải cắt giảm do tinh giản biên chế. Để khắc phục hạn chế này, Hà Nam đã đẩy mạnh thực hiện các chính sách về phát triển GD-ĐT để tạo sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia đóng góp của toàn xã hội.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch, quyết định, chỉ thị, công văn về việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về phát triển GD-ĐT. Ngành GD tập trung vào các nội dung: rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD-ĐT; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và CBQL giáo dục; đẩy mạnh công tác truyền thông về GD-ĐT. Thực hiện hiệu quả đổi mới chương trình GDPT. Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động GD-ĐT, đảm bảo thực hiện Chương trình GDPT 2018.