Ở thời đại nào thì chữ 'Thầy' cũng rất thiêng liêng và gánh nhiều trách nhiệm

Nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với Nhà giáo ưu tú Nguyễn Đình Khanh, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh Ninh Bình. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Lãnh đạo Hội Cựu giáo chức Việt Nam trao Bằng khen của Trung ương Hội cho các tập thể, cá nhân tỉnh Ninh Bình có thành tích trong công tác Hội. Ảnh: Minh Quang

Lãnh đạo Hội Cựu giáo chức Việt Nam trao Bằng khen của Trung ương Hội cho các tập thể, cá nhân tỉnh Ninh Bình có thành tích trong công tác Hội. Ảnh: Minh Quang

Phóng viên (PV): Hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, những dấu mốc nào trở thành ký ức khó quên đối với Nhà giáo?

NGƯT Nguyễn Đình Khanh: Tôi có duyên với nghề sư phạm. Tôi là học sinh khóa II của Trường phổ thông cấp 3 Lương Văn Tụy (1960- 1963). Thuở ấy học sinh chúng tôi vừa học vừa phải tham gia công tác xã hội. Tôi được nhà trường giao dạy bổ túc văn hóa cho cán bộ công nhân xây dựng Viện Quân y 5, mỗi tuần hai buổi, mỗi buổi hai tiết, mỗi tiết được trả thù lao 6 hào.

Tốt nghiệp cấp 3, tôi đi học trường sư phạm 10 + 1, rồi ra dạy học ở trường cấp 2 thị xã Ninh Bình, bắt đầu từ năm học 1964-1965. Từ năm 1965, tôi về dạy học ở quêTrường cấp 2 Trường Yên. Năm 1975-1995, tôi công tác ở Phòng Giáo dục Hoa lư (20 năm). Từ 1995-2005, tôi công tác ở UBND huyện Hoa lư (10 năm).Từ năm 2005, tôi về nghỉ hưu và tham gia Hội Cựu giáo chức tỉnh Ninh Bình đến nay.

Trong 41 năm công tác, tôi có 31 năm trực tiếp dạy học và quản lý ngành giáo dục, 10 năm lãnh đạo UBND huyện cũng tham gia công tác quản lý giáo dục. Từ khi về nghỉ hưu đến nay là 19 năm tham gia lãnh đạo Hội Cựu giáo chức tỉnh. Có thể nói, gần như cả cuộc đời tôi gắn bó với ngành giáo dục, gắn bó với nghề dạy học. Những năm tháng ấy, với tôi, đó là một ký ức tươi đẹp, là đoạn đời nhiều lý tưởng và những kỷ niệm không thể quên.

Còn nhớ, trong giai đoạn 1965-1975, hoạt động giảng dạy và học tập của các nhà trường trong bối cảnh cả nước chiến tranh. Chiến tranh ác liệt là vậy nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp giáo dục vẫn phát triển. Hệ thống trường lớp nhà trẻ mẫu giáo, cấp 1, cấp 2, cấp 3 bổ túc văn hóa vẫn được duy trì.

Nhà trường, lớp học phải đi sơ tán, học ở hang núi, nhà hầm, nhưng thầy trò vẫn bám trường, bám lớp. Thầy trò đội mũ rơm đến lớp, không có học sinh bỏ học. Chất lượng giáo dục toàn diện vẫn được đảm bảo và phát triển. Phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” học theo Trường cấp 2 Bắc Lý (tiếng trống Bắc Lý) sôi nổi, nở rộ khắp nơi. Vào mỗi đầu năm học, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy chính quyền xã, thầy, trò, phụ huynh đem tranh tre, nứa lá đến làm lớp học.

Đặc biệt, tình cảm giữa thầy và trò, giữa các nhà giáo rất gắn bó, chân tình, hòa đồng thành một tập thể đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Nhà tôi được một số thầy giáo ở xa về ở cùng, vài em học sinh tối đến tôi kèm cặp, dạy thêm, muộn quá các em cũng ngủ lại. Năm học 1968-1969, lúc đó tôi là hiệu phó của trường, vinh dự được công nhận là giáo viên giỏi, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục tặng bằng khen và được nhận phần thưởng của Bác Hồ.

Bối cảnh lịch sử của đất nước, của quê hương giai đoạn kiến thiết đất nước sau năm 1976 có tác động không nhỏ tới sự nghiệp giáo dục. Khó khăn nhiều, nhưng với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở; sự chăm lo đóng góp to lớn của Nhân dân và đặc biệt là có tập thể đội ngũ thầy cô giáo đoàn kết, nhiệt tình, trách nhiệm, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, sự nghiệp giáo dục Hoa Lư giai đoạn này đạt được nhiều thành tích cao, là một trong ba đơn vị mạnh, tiên tiến xuất sắc của tỉnh Hà Nam Ninh; là huyện hoàn thành phổ cập tiểu học và xóa mù chữ sớm nhất tỉnh (năm 1990). Huyện cũng xây dựng được những trường trọng điểm, ở vị trí hàng đầu tiên tiên xuất sắc của tỉnh; được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Sau này, năm 1998 và 2002, Phòng Giáo dục Hoa Lư được tặng Huân chương Lao động hạng nhì, hạng nhất. Năm 1994, cá nhân tôi vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

PV: Vừa là người trực tiếp giảng dạy, vừa là nhà quản lý giáo dục, cho đến khi nghỉ hưu, lại đảm nhận vai trò là Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh, theo Nhà giáo, vị trí, vai trò của người Thầy xưa và nay có sự thay đổi gì không?

NGƯT Nguyễn Đình Khanh: Xưa, khi nói về vị trí vai trò của người thầy, sự tôn vinh người thầy thường được thể hiện qua các câu nói như: “Không thầy đố mày làm nên”; “Muốn sang thì bắc cầu Kiều Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”; “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”…

Ngày nay, nghề giáo luôn được khẳng định là nguồn chất lượng cao, là bộ phận quan trọng trong đội ngũ trí thức của đất nước, là lực lượng nòng cốt của ngành Giáo dục, được xã hội bảo vệ, tôn vinh… Có thể thấy, thời nào cũng vậy, chữ “Thầy” đều rất thiêng liêng và gánh nhiều trách nhiệm. Vị trí, vai trò của người thầy xưa và nay qua những câu nói, bài viết tuy thể hiện ở mức độ rộng, hẹp khác nhau nhưng không thay đổi, được xã hội kính trọng, tôn vinh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Người thầy giáo tốt-thầy giáo xứng đáng là thầy giáo, là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng Huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh”. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo, vì nó đã tạo ra những con người sáng tạo”…

PV: Thưa Nhà giáo, trong những năm qua, vai trò của các cựu giáo chức đã được phát huy như thế nào để đóng góp vào sự phát triển của ngành Giáo dục tỉnh nhà?

NGƯT Nguyễn Đình Khanh: Hội Cựu giáo chức Việt Nam được thành lập năm 2004. Hai năm sau đó, Hội Cựu giáo chức tỉnh Ninh Bình được thành lập. Ngay sau khi được thành lập, Hội đã tiến hành thành lập Hội Cựu giáo chức ở các huyện, thành phố, ở các xã, phường, thị trấn.

Hiện nay có 8/8 Hội Cựu chức cấp huyện, 143/143 Hội Cựu giáo chức cấp xã. Số hội viên toàn tỉnh là 6866, đạt 96,9% số cựu giáo chức vào Hội. Hội Cựu giáo chức các cấp đã chăm lo quyền lợi chính trị và nâng cao đời sống tinh thần vật chất cho hội viên.

Đến nay, Hội đã đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho 4 nhà giáo đã nghỉ hưu, đề nghị các cấp tặng nhiều bằng khen, giấy khen cho các hội viên có thành tích; có 6.456 hội viên đã được Trung ương Hội tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển của Hội Cựu giáo chức Việt Nam”.

Đặc biệt, các cấp Hội phối hợp với ngành Giáo dục thực hiện cơ chế “4 cùng” đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội Cựu giáo chức Việt Nam thống nhất, đó là: Cùng đánh giá thực tiễn và chất lượng giáo dục; cùng bàn giải pháp đổi mới; cùng tổ chức một số hoạt động; cùng chăm lo đời sống nhà giáo đương chức và nghỉ hưu.

Nhiều cựu giáo chức tham gia giảng dạy tại các trung tâm học tập cộng đồng, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, tham gia mở trường lớp giảng dạy, nuôi dưỡng trẻ mầm non tư thục. Tích cực tham gia công tác khuyến học, khuyến tài.

Hầu hết cựu giáo chức tham gia công tác khuyến học: gần 100% gia đình cựu giáo chức được công nhận là gia đình học tập; đóng góp xây dựng quỹ khuyến học cho địa phương, dòng họ; hằng năm, các gia đình cựu giáo chức và Hội tặng hàng tỷ đồng cho con cháu có thành tích trong học tập.

Với những thành tích nổi bật trên, Hội Cựu giáo chức tỉnh Ninh Bình luôn là đơn vị xuất sắc. Năm 2016, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; được Trung ương Hội Cựu giáo chức Việt Nam ba lần tặng cờ đơn vị xuất sắc toàn diện và nhiều bằng khen; UBND tỉnh tặng cờ đơn vị dẫn đầu (năm 2015) và nhiều bằng khen; Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tặng nhiều bằng khen.

PV: Xin cảm ơn Nhà giáo về cuộc trò chuyện, kính chúc Nhà giáo có nhiều sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của quê nhà!

Đào Hằng (Thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/o-thoi-dai-nao-thi-chu-thay-cung-rat-thieng-lieng-va-ganh-710240.htm