Hà Nam tăng cường phòng, chống dịch trong các doanh nghiệp
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam, tính từ 17 giờ ngày 29/12 đến 17 giờ ngày 30/12, tỉnh ghi nhận 99 trường hợp mắc COVID-19.
Trong đó, 68 trường hợp liên quan đến những chùm ca bệnh tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; một ca là học sinh; 1 ca nhập cảnh; 3 người có biểu hiện ho, sốt, mệt mỏi và mất khứu giác; 26 trường hợp là F1 của các bệnh nhân đã được ghi nhận trước đó. Như vậy, tính từ ngày 19/9 đến 17 giờ ngày 30/12, tỉnh Hà Nam đã ghi nhận 2.307 trường hợp mắc COVID-19.
Trước dự báo tình hình dịch COVID-19 trong thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, có thể bùng phát các đợt dịch mới, nhất là trong dịp Tết Dương Lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trong các khu công nghiệp, trường học..., Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh đã yêu cầu thành viên Ban Chỉ đạo các cấp, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương, đơn vị quán triệt, tuyên truyền và thực hiện nghiêm túc, nhất quán, hiệu quả các biện pháp, giải pháp tại văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, tiếp tục thực hiện 3 trụ cột trong phòng, chống dịch đó là “cách ly, xét nghiệm, điều trị” và công thức “5K + vaccine + thuốc điều trị + đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác”.
UBND tỉnh Hà Nam tập trung chỉ đạo thực hiện 10 nhiệm vụ, đó là: Xây dựng kịch bản để ứng phó với biến thể mới Omicron; bổ sung kịch bản, phương án ứng phó với dịch ở mức cao hơn, sẵn sàng đáp ứng với các tình huống, không để bị động, bất ngờ; khẩn trương bổ sung thuốc điều trị COVD-19 cho các địa phương, chuẩn bị sẵn sàng, cấp thuốc kịp thời cho người bệnh. Cùng với đó, rà soát, kiểm tra trang thiết bị vật tư y tế, nguồn nhân lực y tế để bảo đảm phục vụ phòng, chống dịch trong mọi tình huống, kể cả khi dịch phức tạp hơn, trong đó, lưu ý đảm bảo oxy y tế phục vụ điều trị với phương châm 4 tại chỗ.
Tỉnh tăng cường năng lực để chủ động điều trị người mắc COVID-19; triển khai khoa học, hiệu quả việc quản lý, thực hiện điều trị F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại cơ sở, tại nhà, có sự hỗ trợ, giám sát chặt chẽ của cán bộ y tế, cán bộ cơ sở, Tổ an toàn COVID cộng đồng...; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19; tổ chức tiêm mũi tăng cường, mũi bổ sung đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Các địa phương thành lập các tổ tiêm vaccine lưu động đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người, không để sót các trường hợp thuộc diện phải tiêm, nhất là nhóm nguy cơ phải tiêm vaccine đầy đủ. Chậm nhất ngày 31/12/2021, hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên; hoàn thành tiêm mũi bổ sung và mũi nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I/2022, phấn đấu trong tháng 1/2022 tiêm mũi tăng cường đạt 60% người đủ điều kiện tiêm chủng.
Quản lý, giám sát chặt chẽ người từ vùng dịch, từ địa phương có nguy cơ cao, người nhập cảnh đến/về địa phương và chủ động rà soát, quản lý chặt chẽ nhóm nguy cơ cao trên địa bàn...
Tăng cường phòng, chống dịch trong các khu, cụm công nghiệp, hướng dẫn các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp bổ sung kế hoạch, phương án phòng, chống dịch trong điều kiện bình thường mới...