Hà Nam: Tập trung ngăn chặn, xử lý vi phạm nổi cộm, kiềm chế tai nạn
Nhằm ngăn chặn và kiềm chế tai nạn, các ngành chức năng ở Hà Nam đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tập trung ưu tiên xử lý các vấn đề nổi cộm trên địa bàn.
Cao điểm an toàn giao thông cho học sinh tới trường
Những ngày tháng 9, tranh thủ thời gian đầu năm học, lực lượng CSGT Công an TP Phủ Lý (Hà Nam) tập trung xây dựng kế hoạch, lần lượt đi tới từng trường trên địa bàn để tuyên truyền hướng dẫn pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trên địa bàn.
Tại Trường THCS Lương Khánh Thiện, ngày 13/9, lực lượng CSGT Công an TP Phủ Lý phối hợp với hội phụ huynh học sinh, ban giám hiệu nhà trường tổ chức tuyên truyền hướng dẫn pháp luật về TTATGT cho 625 học sinh trong trường.
Tại buổi lễ, bên cạnh việc giới thiệu các quy định pháp luật cho các em như: độ tuổi được sử dụng xe đạp điện, xe máy điện, hướng dẫn quy tắc tham gia giao thông an toàn, nhận biết về biển báo, đèn tín hiệu giao thông... Thiếu tá Trần Hùng Vương, cán bộ Đội CSGT -TT Công an TP Phủ Lý còn phối hợp với các đơn vị hướng dẫn các em kỹ năng đi xe đạp điện, tư thế ngồi xe an toàn khi đi cùng người lớn, đội mũ bảo hiểm đúng quy cách.
Cùng đó, tặng cho các em học sinh trong trường những chiếc mũ bảo hiểm đạt chuẩn, tổ chức ký cho các em học sinh cam kết chấp hành quy định pháp luật khi tham gia giao thông. Xây dựng quy chế phối hợp 3 bên giữa nhà trường, phụ huynh học sinh và lực lượng chức năng để tăng cường tuyên truyền giáo dục.
"Đây là một trong rất nhiều các chương trình mà lực lượng CSGT Công an TP Phủ Lý thực hiện trong tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường", thiếu tá Vương nói.
Cũng như TP Phủ Lý, vừa qua, lực lượng CSGT các huyện Kim Bảng, Thanh Liêm, Bình Lục, Duy Tiên đã đồng loạt ra quân tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông theo kế hoạch tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường.
Như ở huyện Kim Bảng, liên tiếp trong những ngày đầu tháng 9, lực lượng CSGT huyện này lồng ghép giữa tuyên truyền trong nhà trường và tăng cường xử lý học sinh vi phạm khi tham gia giao thông trên các tuyến đường. Trung tá Trần Quang Nhật, Đội trưởng Đội CSGT-TT Công an huyện Kim Bảng cho biết: Trên địa bàn huyện có 4 trường trung học phổ thông với khoảng 2.000 học sinh và 36 trường tiểu học, trung học cơ sở. Mỗi năm, Đội đều tổ chức tuyên truyền giáo dục kiến thức pháp luật về ATGT cho các em học sinh ít nhất mỗi trường một lần. Riêng các trường THPT, trường THCS nằm trong địa bàn thị trấn, ven tuyến quốc lộ sẽ được tăng cường tuyên truyền nhiều hơn. Trong các đợt tuyên truyền lực lượng CSGT sẽ phối hợp với đại lý xe máy Honda hướng dẫn kỹ năng đi xe đạp, xe điện, tặng mũ bảo hiểm...
Năm nay, thực hiện kế hoạch tháng cao điểm ATGT cho học sinh tới trường, chúng tôi đã tiến hành thống kê, rà soát số học sinh sử dụng phương tiện là xe đạp điện, xe máy điện, xe gắn máy dưới 50 phân khối, phối hợp với 100% các trường trên địa bàn để cho các em học sinh ký cam kết ngay từ đầu năm. Song song với việc này, Đội CSGT thành lập các tổ tuần tra lưu động để kịp thời phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm.
"Đến nay, Đội đã phát hiện, xử lý 60 trường hợp học sinh vi phạm. Với những trường hợp này, tùy vào mức độ vi phạm và độ tuổi mà Đội sẽ gửi thông báo tới nhà trường, phụ huynh để cùng có biện pháp tuyên truyền giáo dục các em tốt hơn", trung tá Nhật nói và cho biết: "Khi xử lý, lực lượng CSGT sẽ kết hợp xử lý hành vi giao mô tô, xe máy cho trẻ em chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông; giám sát, xử lý nghiêm các xe ô tô đưa đón học sinh không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, xe hết niên hạn...".
TNGT giảm không bền vững
Công tác tuyên truyền và xây dựng ATGT trong học đường chỉ là một trong rất nhiều các kế hoạch, giải pháp mà các ngành, các lực lượng ở Hà Nam triển khai trong 9 tháng vừa qua.
Theo Ban ATGT tỉnh Hà Nam, 9 tháng đầu năm 2023, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam, các Sở, ngành, địa phương và các đoàn thể, tổ chức CT-XH triển khai các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT năm 2023 theo chủ đề Năm ATGT "Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn".
Công tác tuyên truyền pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa được tăng cường. Công tác quản lý nhà nước, các giải pháp bảo đảm TTATGT được triển khai đồng bộ, quyết liệt.
Công tác tổ chức giao thông, đầu tư xây dựng, duy tu, bảo dưỡng hạ tầng giao thông và khắc phục những điểm bất cập, điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT trên các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa được quan tâm chú trọng.
Công tác quản lý vận tải, phương tiện người lái, đăng ký, đăng kiểm phương tiện ngày càng chặt chẽ. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật TTATGT thực hiện nghiêm túc, kiên quyết... với số lượng vi phạm bị phát hiện, lập biên bản xử lý nhiều nhất trong vài năm trở lại đây.
Chỉ 9 tháng, các lực lượng đã kiểm tra, xử lý 13.780 trường hợp vi phạm, phạt tiền tương đương 40,5 tỷ đồng. Những vi phạm nổi cộm như: xe chở quá tải, tự ý thay đổi kích thước thành thùng hàng, lái xe sau khi sử dụng rượu bia... đã không còn diễn ra phổ biến.
Các hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT như: vi phạm tốc độ, lạng lách đánh võng đã được xử lý nghiêm. Hàng chục đối tượng thanh thiếu niên tụ tập để đua xe, gây mất trật tự xã hội bị triệu tập, xử lý và đã có không ít đối tượng bị công an các địa phương khởi tố nhằm tạo tính răn đe.
Ông Nguyễn Quang Tuyển, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Hà Nam cho biết: Tình hình TTATGT trên địa bàn cơ bản được kiểm soát. TNGT đường sắt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Trong 9 tháng, trên địa bàn tỉnh Hà Nam không để xảy ra TNGT đường thủy, không xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng và không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.
Tuy nhiên, theo ông Tuyển, TNGT ở lĩnh vực đường bộ lại có diễn biến phức tạp, tuy giảm về số người chết nhưng số vụ TNGT và số người bị thương lại tăng nóng.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Hà Nam xảy ra 207 vụ TNGT và va chạm giao thông; làm 96 người chết và 179 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2022 tăng 42 vụ (tăng 25,5%), giảm 1 người chết (giảm 1%), tăng 69 người bị thương (tăng 62,7%).
Để kéo giảm TNGT trong những tháng cuối năm, Tỉnh ủy, UBND đã yêu cầu các cấp ngành, lực lượng chức năng nhanh chóng thực hiện 8 nhiệm vụ, giải pháp cấp bách. Trong đó, cần tiếp tục nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực, nhiệm vụ của đơn vị mình để tập trung khắc phục.
Các cấp ngành tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới, Nghị quyết số 48/NQ-CP và Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ, các kế hoạch, chỉ thị của tỉnh.
Đối với lực lượng công an và thanh tra giao thông cần chủ động nắm chắc tình hình, xây dựng các kế hoạch để mở đợt cao điểm bảo đảm TTATGT, TTXH trong dịp nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông, nhất là các lỗi là nguyên nhân dẫn đến tai nạn theo tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Đối với Ban ATGT tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp các ban ngành đoàn thể địa phương đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tuyên truyền, triển khai tổ chức các hoạt động như hưởng ứng "Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT"...
Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các nội dung nhiệm vụ bảo đảm TTATGT theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
Tổ chức Đoàn kiểm tra công tác bảo đảm TTATGT tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là các địa phương có TNGT tăng trong 9 tháng đầu năm 2023, xác định nguyên nhân trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, đề xuất biện pháp xử lý theo chỉ đạo của UBND tỉnh.