Hà Nam: Tiêu hủy gần 3 tấn thịt lợn nhiễm virus dịch tả châu Phi
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hà Nam cho biết, lực lượng chức năng của tỉnh đã tiến hành tiêu hủy gần 3 tấn thịt lợn dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi.

Hà Nam tiêu hủy gần 3 tấn thịt lợn nhiễm virus dịch tả châu Phi
Cụ thể, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở Nông nghiệp và Môi trường, Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Hà Nam đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ gia súc của ông Nguyễn Tiến Mạnh tại tổ dân phố Ninh Lão, phường Duy Minh, thị xã Duy Tiên.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở đang nhốt 21 con lợn có nhiều biểu hiện bất thường về sức khỏe như ho, khó thở, lờ đờ, chậm chạp, mũi khô, là các triệu chứng nghi ngờ nhiễm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Cùng thời điểm, trong khu vực giết mổ, có 5 con lợn đang được giết thịt và 3 con lợn khác đã được xẻ thịt, đưa đi tiêu thụ tại chợ dân sinh trên địa bàn phường Duy Minh. Nhận thấy dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, Đoàn kiểm tra đã yêu cầu chủ cơ sở ngừng mọi hoạt động giết mổ và tiến hành thu giữ toàn bộ tang vật liên quan.
Làm việc với cơ quan chức năng, ông Nguyễn Tiến Mạnh đã tự nguyện giao nộp lại khoảng 100kg thịt. Đoàn kiểm tra sau đó đã tiến hành lấy mẫu thịt gửi đến Chi Cục Thú y vùng I (thuộc Cục Chăn nuôi và Thú y - Bộ Nông nghiệp và Môi trường) để kiểm nghiệm và xác minh nguyên nhân bệnh.
Kết quả xét nghiệm nhanh từ Chi Cục Thú y vùng I cho thấy, toàn bộ các mẫu thịt lợn đều dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi, một loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gây chết hàng loạt ở lợn và không có thuốc điều trị.
Mặc dù virus này không lây sang người, nhưng việc tiêu thụ thịt lợn nhiễm bệnh là hành vi nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn vệ sinh thực phẩm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong khu vực.
Trước kết quả xét nghiệm nêu trên, Đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành lập biên bản niêm phong toàn bộ số thịt lợn tại cơ sở và thực hiện các bước xử lý theo quy định. Tổng lượng thịt lợn nhiễm bệnh bị thu giữ và tiêu hủy lên tới gần 3 tấn.
Việc tiêu hủy được thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật về xử lý động vật nhiễm bệnh, dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan thú y địa phương và chính quyền sở tại nhằm tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Đồng thời, Đoàn kiểm tra cũng đã bàn giao tang vật vi phạm cho UBND phường Duy Minh để phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Cơ sở giết mổ của ông Nguyễn Tiến Mạnh cũng bị tạm đình chỉ hoạt động để phục vụ công tác điều tra và đảm bảo yêu cầu kiểm soát dịch tễ.

Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở giết mổ của ông Nguyễn Tiến Mạnh
Đại diện lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Nam cho biết: “Virus dịch tả lợn châu Phi có khả năng tồn tại rất lâu trong môi trường, nhất là trong thịt lợn đông lạnh. Do vậy, việc buông lỏng kiểm soát giết mổ và tiêu thụ thịt lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch sẽ là mối nguy cơ cực kỳ lớn trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc.”
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành chức năng liên tục khuyến cáo người dân không giết mổ, buôn bán, vận chuyển lợn nghi nhiễm bệnh, đồng thời tăng cường công tác tiêu độc, khử trùng chuồng trại để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Hiện vụ việc đã được chuyển hồ sơ và toàn bộ tang vật có liên quan đến Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh để tiếp tục điều tra, đồng thời làm rõ xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam cũng kêu gọi người dân khi phát hiện các cơ sở giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ động vật không rõ nguồn gốc hoặc có biểu hiện bất thường cần báo ngay cho chính quyền địa phương và lực lượng chức năng để kịp thời kiểm tra, xử lý.
Việc tiêu hủy kịp thời gần 3 tấn thịt lợn nhiễm virus dịch tả châu Phi tại thị xã Duy Tiên một lần nữa cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam trong công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch bệnh.
Đây cũng là hồi chuông cảnh báo đối với các cơ sở giết mổ và kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, cần tuân thủ nghiêm túc quy định pháp luật để đảm bảo sức khỏe cộng đồng và phát triển ngành chăn nuôi bền vững.