Hà Nam: Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng

Sáng 16.7, HĐND tỉnh Hà Nam đã khai mạc Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Khóa XIX. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Lê Thị Thủy chủ trì kỳ họp. Cùng dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đinh Thị Lụa; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy...

Các đại biểu HĐND tỉnh thực hiện nghi lễ chào cờ. Ảnh: Trần Tâm

Các đại biểu HĐND tỉnh thực hiện nghi lễ chào cờ. Ảnh: Trần Tâm

Tập trung thảo luận về khó khăn, hạn chế

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Lê Thị Thủy khẳng định: 6 tháng đầu năm, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn giữ được ổn định với tốc độ tăng trưởng đạt 10,35%, cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng, và đứng thứ 4 cả nước. Sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng; số khách du lịch và doanh thu du lịch tăng cao; thu hút đầu tư được đẩy mạnh;ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp được quan tâm; xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được đẩy mạnh. Đặc biệt, quy hoạch tỉnh Hà Nam đã được công bố; hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư; nhiều dự án giao thông lớn, kết nối liên vùng và nội vùng được khởi công đầu tư xây dựng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Lê Thị Thủy phát biểu khai mạc. Ảnh: Trần Tâm

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Lê Thị Thủy phát biểu khai mạc. Ảnh: Trần Tâm

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh tập trung thảo luận, phân tích về những hạn chế, khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm để có quyết nghị đúng đắn, phù hợp, bảo đảm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu năm 2024. Cụ thể, các đại biểu HĐND tỉnh tập trung thảo luận về 5 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt 50% kế hoạch năm; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, nhất là dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương; việc xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh và tiến độ điều chỉnh một số quy hoạch còn chậm; công tác giải phóng mặt bằng một số dự án gặp nhiều khó khăn; thủ tục một số dự án kéo dài; số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giải thể, ngừng hoạt động nhiều hơn gấp 1,5 lần số doanh nghiệp thành lập mới;…

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh dự kiến thông qua 26 Nghị quyết về kinh tế - xã hội và Nghị quyết xác nhận kết quả giải quyết của Thường trực HĐND tỉnh về những nội dung phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh. Theo đó, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, dành thời gian nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng và xem xét quyết định những chủ trương đúng, sát với thực tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống của người dân.

Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra

Trên cơ sở đánh giá các yếu tố khách quan, căn cứ tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2024 Trung ương giao, UBND tỉnh Hà Nam xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2024. Trong đó, dự kiến tổng sản phẩm trong tỉnh đạt 55.447,33 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2023; công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm 93,5% trong cơ cấu kinh tế; GRDP bình quân đầu người đạt 109,8 triệu đồng, tăng 13,8%; thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 16.787 tỷ đồng, tăng 14,8%; vốn đầu tư toàn xã hội đạt 45.582 tỷ đồng, tăng 7%; năng suất lao động đạt 204,7 triệu đồng/người, tăng 14,1%; phấn đấu đến hết năm 2024, toàn tỉnh có trên 50 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu;…

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp. Ảnh: Trần Tâm

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp. Ảnh: Trần Tâm

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy nhấn mạnh các nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2024. Trong đó, tập trungtriển khai hiệu quả, đồng bộ các quy hoạch đã được phê duyệt, nhất là quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới các quy hoạch, chương trình, đề án phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển. Tiếp tục hoàn thiện, phấn đấu trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Khu công nghệ cao Hà Nam; tập trung giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tạo mặt bằng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ các chính sách nhằm khai thác hiệu quả nguồn thu từ các lĩnh vực kinh tế đi đôi với tạo nguồn thu, nuôi dưỡng nguồn thu. Tăng cường phê duyệt giá đất, kịp thời giao đất để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền bảo vệ đất lúa theo quy định. Chi ngân sách bảo đảm đúng các quy định, chế độ, định mức của Nhà nước gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng chống tham nhũng. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, giải ngân các dự án công trình, dự án trọng điểm về giao thông, thương mại, du lịch, đô thị, có tính kết nối liên vùng, các dự án đầu tư bằng nguồn vốn Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường xã hội hóa, đa dạng hóa các hình thức đầu tư; thu hút đầu tư có chọn lọc các nguồn vốn từ bên ngoài để phát triển.

Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Trần Tâm

Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Trần Tâm

Mặt khác, tiếp tục triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tập trung xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu đến hết năm 2024, toàn tỉnh có trên 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; thực hiện tốt các giải pháp về hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân qua các chương trình, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Tập trung cải cách thủ tục hành chính và xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; cắt giảm, đơn giản hóa những quy trình, thủ tục không cần thiết, bảo đảm các công việc thuộc thẩm quyền được xử lý nhanh chóng, kịp thời, rút ngắn thời gian thực hiện, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân địa phương.

Đồng thời, tổ chức thi hành kịp thời, hiệu quả các luật có hiệu lực từ ngày 1.8.2024, sớm đưa các luật đi vào cuộc sống, nhất là Luật Đất đai 2024. Đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận đất nông nghiệp sau dồn đổi ruộng đất trên địa bàn và các loại đất khác theo quy định. Tập trung xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 - 2025, trọng tâm là khu vực Tây Đáy và sông Nhuệ.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Bùi Văn Hoàng trình bày các báo cáo tại kỳ họp, Ảnh: Trần Tâm

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Bùi Văn Hoàng trình bày các báo cáo tại kỳ họp, Ảnh: Trần Tâm

Đào Cảnh - Trần Tâm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/ha-nam-toc-do-tang-truong-kinh-te-cao-nhat-vung-dong-bang-song-hong-i380672/