Hà Nội: 96% người dân đồng thuận phương án sắp xếp, đặt tên phường, xã mới
Theo Sở Nội vụ Hà Nội, sau khi thực hiện đề án sắp xếp, Thành phố dự kiến giảm số lượng đơn vị hành chính cấp xã từ 526 xuống còn 53 phường và 73 xã, tức giảm 76% tổng số đơn vị hành chính cấp xã hiện tại.
Thông tin về kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với phương án sắp xếp đơn vị hành chính cơ sở trên địa bàn TP. Hà Nội, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho hay, 38 đơn vị đạt tỷ lệ đồng thuận tuyệt đối (100%) về phương án sắp xếp và gần như tuyệt đối về tên gọi mới.
Hà Nội chủ trương giữ nguyên tên gọi của 30 quận, huyện, thị xã để đặt tên cho những phường tiêu biểu. Đây là lựa chọn được đông đảo người dân ủng hộ bởi vừa đảm bảo lưu giữ truyền thống lịch sử, vừa gắn bó với tâm thức cộng đồng.
Bên cạnh đó, đối với các phường, xã mới không nằm trong khu vực tiêu biểu, Thành phố ưu tiên lấy tên các di tích lịch sử, văn hóa nổi bật tại địa phương để đặt tên. Cách tiếp cận này không những tạo nên sự gắn kết giữa quá khứ và hiện tại, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Một góc Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: TH)
Danh sách 30 quận, huyện, thị xã giữ lại tên gồm: 12 quận (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm), 17 huyện (Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Chương Mỹ, Hoài Đức, Ba Vì, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Mê Linh, Sóc Sơn, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên, Ứng Hòa) và thị xã Sơn Tây.
Nhiều phường, xã mới được đặt tên mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử như: Ngọc Hà, Giảng Võ (Ba Đình); Cửa Nam (Hoàn Kiếm); Láng, Ô Chợ Dừa, Kim Liên, Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Đống Đa); Phú Thượng (Tây Hồ); Bạch Mai, Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng); Việt Hưng, Bồ Đề, Phúc Lợi (Long Biên); Tân Triều, Ngọc Hồi (Thanh Trì); Phù Đổng, Bát Tràng (Gia Lâm); Trung Giã (Sóc Sơn); Sơn Đồng, An Khánh (Hoài Đức); Quảng Oai, Vật Lại, Cổ Đô (Ba Vì); Chương Dương, Hồng Vân (Thường Tín).
Đáng chú ý, sau quá trình lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, Hà Nội đã điều chỉnh 2 trường hợp so với phương án dự thảo ban đầu.
Cụ thể, xã Liên Minh (huyện Đan Phượng) ban đầu dự kiến đặt tên là Thọ Lão. Tuy nhiên, với mong muốn thể hiện sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương hợp nhất, cái tên "Liên Minh" được chọn, mang ý nghĩa đoàn kết và phát triển bền vững.
Tương tự, xã Bất Bạt (huyện Ba Vì) được giữ nguyên tên cũ thay vì đổi thành Cẩm Đà. Theo Phòng Nội vụ huyện Ba Vì, dù phương án đổi tên ban đầu nhận được 98% sự đồng tình, nhưng sau khi tổ chức lấy ý kiến rộng rãi hơn, tên Bất Bạt nhận được tỷ lệ nhất trí gần như tuyệt đối (99,99%). Đây cũng là sự tiếp nối lịch sử khi huyện Ba Vì hiện nay vốn hình thành từ 3 huyện cũ, trong đó có huyện Bất Bạt.
Đơn vị hành chính có diện tích nhỏ nhất là phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm) với chỉ 1,65 km2, trong khi đơn vị lớn nhất là xã Ba Vì (huyện Ba Vì) rộng tới 81,29 k2. Về dân số, phường Hồng Hà (quận Tây Hồ) có quy mô đồng nhất với hơn 126.000 người; xã Minh Châu (huyện Ba Vì) thưa dân nhất với hơn 6.600 người.
Hoàn tất bước lấy ý kiến nhân dân, Hà Nội sẽ trình Tờ trình Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã để Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố cho ý kiến vào chiều 28/4/2025. Sau đó, đề án sẽ được trình HĐND Thành phố xem xét, thông qua tại kỳ họp chuyên đề ngày 29/4 tới đây.
Nếu được thông qua, đây sẽ là bước tiến lớn, góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời tạo điều kiện để Hà Nội phát triển đô thị bền vững, hướng tới mục tiêu trở thành một "Thành phố xanh - thông minh - hiện đại" vào năm 2030.