Hiểu rõ hơn về 'Quỹ phát triển nhà ở Quốc gia'
Chính phủ đã đồng ý đề xuất việc thành lập 'Quỹ phát triển nhà ở Quốc gia', nhằm kéo giảm giá nhà, lành mạnh hóa thị trường và giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp.
Hiện tại, chính sách phát triển nhà ở xã hội gặp rất nhiều rào cản. Vốn ít, thủ tục phức tạp, doanh nghiệp không mặn mà vì lợi nhuận không hấp dẫn. Trong khi nhu cầu nhà ở giá rẻ, nhà ở cho thuê đang tăng chóng mặt, nhất là ở các đô thị lớn, khu công nghiệp.
Mục tiêu và mô hình của quỹ nhằm ưu tiên đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân thuê; nhà ở cho người trẻ dưới 35 tuổi. Quỹ sẽ hoạt động độc lập với ngân sách Nhà nước, không gây gánh nặng cho chi tiêu công nhưng vẫn tận dụng được nguồn vốn từ các ngân hàng chính sách, định chế tài chính đang có. Quỹ phát triển nhà ở Quốc gia có hai cấp, gồm cấp Trung ương do Bộ Xây dựng quản lý và cấp địa phương, do UBND cấp tỉnh/thành quản lý.
Theo kế hoạch, đến năm 2030 sẽ xây ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội. Đây là một mục tiêu lớn, nhưng nếu Quỹ phát triển nhà ở Quốc gia ra đời và hoạt động hiệu quả thì sẽ góp phần quan trong để hiện thực hóa mục tiêu này.