Hà Nội ấm áp, Nam Bộ nắng nóng kéo dài
Tuần này, thời tiết miền Bắc ổn định, tiết trời ấm áp với nhiệt độ cao nhất lên tới 30 độ C. Cùng lúc, Nam Bộ tiếp tục nắng nóng diện rộng.
Các tỉnh miền Bắc đang bước vào những ngày thời tiết ổn định với tiết trời ấm áp, dễ chịu. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khu vực tuần tới duy trì kiểu hình ít mưa, sương mù xuất hiện vào sáng sớm, ban ngày có nắng.
Tại phía Đông Bắc Bộ, mưa phùn và sương mù khả năng xuất hiện trong ngày 15-16/3 nhưng không kéo dài. Nền nhiệt trong ngày dao động ở ngưỡng 21-27 độ C, trời lạnh về đêm và sáng sớm, ban ngày nắng ấm.
Theo trang dự báo Accuweather, ngày 17-19/3, nhiệt độ tại Hà Nội có thể đạt ngưỡng cao nhất 28-30 độ C. Trời nhiều mây, nắng ấm kéo dài cả ngày và chỉ số UV tương đối cao.
Trong hai ngày cuối tuần, một đợt không khí lạnh mới tác động có thể làm thay đổi trạng thái này. Thời tiết khu vực quay lại với kiểu hình có mưa phùn, độ ẩm cao dù nhiệt độ vẫn ở ngưỡng 20-23 độ C.
Hình thái thời tiết sương mù, ít mưa, trời nắng cũng phổ biến ở các tỉnh Trung Bộ, tập trung từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế. Thời kỳ này, các tỉnh miền Trung có thời tiết ổn định, nhiệt độ cao nhất trên 30 độ C. Mực nước các sông ở đây cũng biến đổi chậm.
Khu vực có thời tiết đáng chú ý nhất tuần này là Nam Bộ. Nắng nóng vẫn xuất hiện diện rộng, một số nơi có nắng nóng trên 36 độ C, tập trung ở Đông Nam Bộ.
Với mức nhiệt này, người dân khi di chuyển trên đường bê tông, đường nhựa hoặc ở những bề mặt hấp thụ nhiệt cao có thể chịu sức nóng lên tới 38-39 độ C. Cảm giác rõ rệt nhất trong những ngày tới ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam là oi bức, nắng nóng, khó chịu.
Thời gian có nắng nóng trong ngày kéo dài từ 11h đến 17h. Đến tối, tiết trời dịu mát hơn với nhiệt độ thấp nhất 26-28 độ C. Thời điểm này, các tỉnh Nam Bộ ít khả năng xuất hiện mưa trái mùa.
Về tình hình xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, cơ quan khí tượng cho biết tình trạng này tăng cao trong ngày 15-16/3, sau đó giảm dần. Riêng trên sông Cái Lớn, xâm nhập mặn tăng cao từ ngày 16/3 đến 20/3.
Xâm nhập mặn vùng ĐBSCL mùa khô năm 2020-2021 được dự báo ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019-2020. Tình trạng này còn phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kong, triều cường và còn biến động trong thời gian tới.
Do đó, cơ quan khí tượng khuyến cáo các địa phương ở vùng Đồng bằng Nam Bộ cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ha-noi-am-ap-nam-bo-nang-nong-keo-dai-post1193070.html