Hà Nội bàn giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông

Nhằm làm rõ nguyên nhân TNGT trên địa bàn TP, ngày 8/8, Ban ATGT TP Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm để đề xuất giải pháp kéo giảm tai nạn.

Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND TP, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban ATGT TP Hà Nội Dương Đức Tuấn; Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Phi Thường và đại diện các sở, ngành, địa phương liên quan.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh tình hình TNGT 6 tháng đầu năm 2024 diễn biến phức tạp, có 11 địa phương tăng cả 3 tiêu chí, chỉ có 1 địa phương giảm 3 tiêu chí.

Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các địa phương làm rõ nguyên nhân và đề xuất các giải pháp để kéo giảm TNGT trên địa bàn TP trong những tháng cuối năm.

Phó Chủ tịch UBND TP, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban ATGT TP Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND TP, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban ATGT TP Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phó Giám đốc Sở GTVT Đào Duy Phong thông tin, 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn TP xảy ra 805 vụ TNGT, làm 339 người chết, 688 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2023 tăng 227 vụ (39,27%) tăng 8 người chết (2,42%) tăng 301 người bị thương (77,78%).

Trong đó, có 11 quận, huyện TNGT tăng cả 3 tiêu chí gồm: Ba Đình, Long Biên, Thanh Xuân, Thanh Trì, Nam Từ Liêm, Sơn Tây, Ba Vì, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Quốc Oai, Đan Phượng. Chỉ có quận Hà Đông là TNGT giảm cả 3 tiêu chí (giảm 4 vụ, giảm 3 người chết, giảm 2 người bị thương).

Các nguyên nhân gây TNGT gồm: không chú ý quan sát (30,06%), đi sai phần đường (11,8%), vượt sai quy định (3,23%), chạy xe quá tốc độ (6,71%), chuyển hướng sai quy định (5,96%), đi vào đường cấm (0,12%), không giữ khoảng cách an toàn (6,21%), nguyên nhân khác (35,9%).

Về tuyến đường xảy ra TNGT, đường liên thôn, liên xã và đường nội thị chiếm tỷ lệ chính (liên thôn, liên xã: 38,39%; nội thị: 30,93%), còn lại là các tuyến cao tốc (0,75%), quốc lộ (12,8%), tỉnh lộ (15,53%), đường sắt (1,61%). Về phương tiện, mô tô chiếm tỷ lệ chính: 61,62% (bao gồm gây tai nạn và liên quan); ô tô: 32,68%, còn lại là các phương tiện (xe đạp, tàu hỏa, bộ hành và phương tiện khác).

TNGT liên quan đến nồng độ cồn xảy ra 75 vụ làm 13 người chết, 81 người bị thương; xe quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng xảy ra 9 vụ TNGT làm 5 người chết, 3 người bị thương; liên quan đến người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng ma túy xảy ra 2 vụ TNGT làm 3 người bị thương.

TNGT liên quan lứa tuổi học sinh xảy ra 142 vụ, làm 39 người chết, 189 người bị thương. So sánh cùng kì tăng 61 vụ, tăng 1 người chết, tăng 98 người bị thương.

Nhằm kéo giảm TNGT TP đã triển khai tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT; đầu tư phát triển quản lý khai thác kết cấu hạ tầng giao thông (cầu vượt tại nút giao Mai Dịch, trung tâm điều hành giao thông thông minh TOC), bảo trì đường bộ, duy tu cầu hầm, hệ thống đèn tín hiệu…

Đồng thời tổ chức điều chỉnh giao thông nhằm giảm ùn tắc, xử lý 7/33 điểm ùn tắc giao thông; 5/5 điểm đen tai nạn; rà soát xử lý 2 điểm đen tiềm ẩn tai nạn, 233 điểm cần xử lý trong thời gian tiếp theo.

Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Phi Thường nhận định, dù TP và các quận, huyện đã triển khai rất nhiều giải pháp kéo giảm TNGT, tuy nhiên tình hình trật tự, ATGT vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp do việc thực hiện của các nơi không đồng đều. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế.

Giám đốc Sở GTVT đã đề nghị các quận, huyện chỉ rõ đâu là nguyên nhân và trách nhiệm của chính quyền địa phương, đặc biệt là địa bàn có tình hình TNGT tăng cao trong thời gian vừa qua.

Trong 6 tháng cuối năm, TP yêu cầu các quận, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền kết hợp tuần tra, kiểm soát nghiêm những hành vi vi phạm trật tự ATGT theo nguyên tắc “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn".

Huyền Sâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-ban-giai-phap-keo-giam-tai-nan-giao-thong.html