Hà Nội bảo đảm hàng hóa phục vụ người dân tại 3 phân vùng chống dịch
Từ 6h ngày 6-9 đến 6h ngày 21-9, thành phố Hà Nội triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại 3 vùng: Vùng 1 - khu vực đô thị trung tâm; Vùng 2 - phía Bắc, Đông sông Hồng; Vùng 3 - phía Tây, phía Nam thành phố. Để đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm thực phẩm, hàng hóa thiết yếu của người dân, các doanh nghiệp phân phối hàng hóa trên địa bàn Hà Nội đã tăng mức dự trữ lên 3-5 lần, đồng thời làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp, bảo đảm nguồn cung phục vụ nhân dân trong mọi tình huống.
Đầy đủ hàng hóa phục vụ người dân yên tâm tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19.
Hàng hóa phong phú, giá ổn định
Ngày 6-9, ghi nhận tại một số chợ, siêu thị trong phân vùng 1 trên địa bàn thành phố như các chợ: Trung Hòa, Trung Kính (quận Cầu Giấy); 8-3, Hôm - Đức Viên (quận Hai Bà Trưng); Thành Công (quận Ba Đình)…; và hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích: VinMart, VinMart+, Big C, Sói Biển, Bác Tôm, Tomita, Ecofood… hàng hóa dồi dào, các loại thực phẩm tươi sống, rau xanh phong phú, giá không tăng, lượng người mua không đông.
Cụ thể, giá rau cải 5.000 đồng/mớ; mướp 8.000 đồng/kg (như ngày thường); bí xanh 25.000 đồng/kg, cao hơn tuần trước 8.000 đồng/kg; su su 15.000 đồng/kg; bắp cải 20.000 đồng/kg; giá thịt lợn 110.000 - 140.000 đồng/kg… tùy loại; thịt bò có giá từ 180.000 - 230.000 đồng/kg…
Tại chợ Trung Hòa (quận Cầu Giấy), chị Nguyễn Thị Nhung, tiểu thương bán thịt lợn cho biết, lượng khách mua vẫn như mọi ngày, không đông, giá cả ổn định.
Chị Hà Thanh Mai (trú tại chung cư 34T Hoàng Đạo Thúy), chia sẻ: "Mai là mùng 1 âm lịch nên tôi đi chợ chuẩn bị đồ thắp hương và mua thức ăn cho gia đình. Hàng hóa tại chợ phong phú, giá ổn định. Quanh nhà cũng có nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích nên tôi chỉ mua lượng vừa đủ dùng".
Trong khi đó, tại một số siêu thị, cửa hàng tiện ích như: Vinmart Hoàng Đạo Thúy, VinMart+, Big C, Co.opmart Hà Nội, Tomita, Sói Biển…, lượng khách đến mua sắm bình thường. Các siêu thị đều cho biết, ngoài việc mở cửa cho người dân đến mua sắm trực tiếp, còn tăng cường kênh bán hàng trực tuyến. Thực phẩm liên tục được nhân viên các siêu thị bổ sung lên kệ.
Tương tự, tại các siêu thị Big C, VinMart, Hapro đều đã chuẩn bị đầy đủ hàng hóa. Các mặt hàng được bổ sung nhiều là rau xanh, thịt lợn… với giá cả ổn định. Giá gạo tám thơm Điện Biên ở mức 21.500 đồng/kg; gạo thơm lài 21.000 đồng/kg; bí xanh 15.000 đồng/kg; bắp cải 15.000 đồng/kg; đậu đũa 25.900 đồng/kg…
Hệ thống loa phát thanh thường xuyên phát đi khuyến cáo người dân chỉ mua vừa đủ lượng hàng thiết yếu, không tích trữ. Đồng thời, siêu thị áp dụng các hình thức mua hàng online, giao hàng tận nhà để khách hàng lựa chọn.
Ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc Vận hành VinMart miền Bắc cho hay, nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh khi thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo phân vùng, hệ thống VinMart, VinMart+ đã chủ động các phương thức cung ứng hàng hóa. Theo đó, xe tải vận chuyển hàng hóa thiết yếu hoạt động bình thường theo luồng xanh. Nhân viên của hệ thống sẽ hoạt động theo phân vùng 1 - 2 - 3, bao gồm cả vận chuyển các đơn hàng online đến người dân. Còn tại các vùng cách ly y tế, hệ thống đã chuẩn bị các phương án để cán bộ, nhân viên thực hiện "3 tại chỗ" tại siêu thị, cửa hàng, bảo đảm cung cấp hàng hóa xuyên suốt và kịp thời đến người tiêu dùng.
Hệ thống này cũng đã nhanh chóng gửi danh sách nhân viên cần được cấp giấy đi đường lên Sở Công Thương Hà Nội. “Chúng tôi mong muốn Sở Công Thương và Công an thành phố nhanh chóng hoàn thiện việc cấp giấy đi đường để phục vụ tốt việc cung ứng hàng hóa cho người dân”, ông Khúc Tiến Hà chia sẻ.
Doanh nghiệp phân phối sẵn sàng phục vụ
Thực tế cho thấy, để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, các doanh nghiệp bán lẻ đã tích cực chuẩn bị hàng hóa. Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung khẳng định, hệ thống siêu thị Co.opmart trên địa bàn Hà Nội đã dự trữ lượng hàng hóa gấp 3 lần so với bình thường.
Giám đốc Vận hành VinMart miền Bắc Khúc Tiến Hà cũng cho biết, hệ thống đã chuẩn bị các kịch bản bảo đảm chuỗi cung ứng nhằm ứng phó với mọi tình huống của dịch bệnh. Hiện, VinMart có 4 kho hàng ở Đông Anh, Thanh Trì và một kho bổ trợ ở Bắc Ninh. Các kho hàng đều vận chuyển hàng hóa xuyên đêm để đưa hàng hóa về các siêu thị lớn.
Tương tự, hệ thống siêu thị Big C tăng 30-50% lượng thực phẩm khô dự trữ so với thông thường, đặc biệt có thể lên 100% với một số mặt hàng có nhu cầu cao, hàng tươi sống. Big C đã làm việc cùng các nhà cung cấp về kế hoạch giao hàng hằng ngày với lượng tăng 200-300% so với thông thường.
Tuy nhiên, tham khảo ý kiến đại diện một số cửa hàng tiện ích nhỏ trên địa bàn phân vùng 1 được biết, ngay khi có thông tin về việc thay đổi giấy đi đường, các đơn vị đã theo dõi sát và đưa ra các phương án về vận hành, sắp xếp nhân viên, thông báo và hỗ trợ các nhà cung cấp (chủ yếu là nông dân) thủ tục quy định về giấy đi đường, tăng lượng tồn kho các mặt hàng, chuẩn bị các phương án tăng số lượng chuyến và người giao hàng. Song việc xác định giấy tờ và quy định cấp phép của từng nhóm nhân viên làm việc tại cửa hàng, như: Nhân viên phục vụ tại cửa hàng, nhân viên giao hàng, nhân viên chuyển hàng nội bộ…, cũng là một trong những khó khăn của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, có từ 5-7% nhà cung cấp đã từ chối giao hàng ngay và đợi hướng dẫn cũng như xong thủ tục “giấy đi đường”.
Đánh giá về việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ người dân trên địa bàn, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, mặc dù có một số chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị tạm đóng cửa nhưng chính quyền và hệ thống phân phối đã triển khai các hình thức cung ứng hàng hóa đa dạng đến người dân, hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, người dân mua bán thuận tiện.
Các doanh nghiệp phân phối đã chuẩn bị lượng hàng hóa tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường và dự trữ trong 3 tháng; chủ động đưa hàng về các kho trong thành phố. Các cơ sở chế biến tăng công suất để cung cấp hàng cho các hệ thống phân phối. Hiện, đã có gần 1.000 doanh nghiệp, hợp tác xã sẵn sàng cung ứng cho Hà Nội.
Bên cạnh đó, các hệ thống phân phối đa dạng các hình thức bán hàng (bán hàng truyền thống, bán online trên nền tảng thương mại điện tử, bán hàng combo, đi chợ hộ, tổ chức bán hàng lưu động, bán hàng không người bán, đăng ký phục vụ 24/24/7....) để phục vụ nhân dân.
Sở Công Thương cũng đã công khai 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu bán hàng online để người dân tham gia mua sắm trực tuyến.
Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, Sở Công Thương sẽ chỉ đạo điều tiết hàng hóa giữa các hệ thống, giữa các vùng 1, 2, 3 và tăng cường bổ sung hàng hóa về các kho hàng và điểm bán liên tục 24/24 giờ. Các quận, huyện, thị xã, các lực lượng chức năng cho phép xe vận chuyển hàng hóa được lưu thông bình thường qua các chốt kiểm soát và các phân vùng, bảo đảm không đứt gãy nguồn cung. Các sở chuyên ngành rà soát danh sách các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu gửi Công an thành phố cấp mã nhận diện (đối với xe ô tô) và cấp giấy đi đường cho phương tiện xe máy.
Về phía các hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội, từ nay đến hết ngày 21-9, doanh nghiệp bán lẻ sẽ phối hợp với các quận, huyện như Hoàn Kiếm, Thanh Trì, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông… tổ chức những điểm bán hàng lưu động, bởi những địa phương này có ít hệ thống phân phối, hoặc chợ truyền thống bị đóng cửa do có ca F0.
Vì vậy, mặc dù đang phải đối mặt với một số khó khăn, song trong bất kỳ tình huống nào, hàng hóa cũng bảo đảm, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân, kể cả khi nhu cầu mua sắm tăng cao, không để xảy ra thiếu hàng. “Do đó, người dân yên tâm không cần mua sắm tích trữ, không tập trung đến các hệ thống phân phối, tránh lây nhiễm dịch bệnh”, bà Trần Thị Phương Lan khẳng định.