Hà Nội: Bảo đảm thông suốt hoạt động của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan
Các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo, bảo đảm thông suốt tất cả hoạt động của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, không để gián đoạn nhiệm vụ; tăng cường công tác quản lý đất đai, quản lý tài sản, tài liệu, không để thất thoát tài sản, thất lạc tài liệu.
Đây là nội dung trong Kết luận số 183-KL/TU ngày 12-5-2025 của Thành ủy Hà Nội kết luận Hội nghị lần thứ hai mươi hai Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài phát biểu kết luận hội nghị lần thứ hai mươi hai Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII. Ảnh: Viết Thành
Thực hiện ngay sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua
Theo đó, ngày 28-4, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII đã họp, thảo luận cho ý kiến về các nội dung: Đề án sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố; Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2025 và cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công 5 năm 2021-2025. Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã biểu quyết, thống nhất kết luận một số nội dung quan trọng liên quan.
Về đề án sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thống nhất cao về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Đề án đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhằm cụ thể hóa chủ trương tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ kịp thời lợi ích thiết thực của nhân dân.
Trong thời gian ngắn, cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đã tích cực triển khai, thống nhất sắp xếp 126 xã, phường mới từ 526 xã, phường hiện nay, đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn, hướng dẫn của Trung ương và phù hợp với đặc thù của thành phố Hà Nội là Thủ đô - trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ của cả nước. Các tên gọi xã, phường mới mang ý nghĩa, được nhân dân tán thành, đồng thuận cao, thể hiện tinh thần "Ý Đảng, lòng dân".
“Quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, không gián đoạn hoạt động của chính quyền cơ sở, đồng thời, cần xử lý đồng bộ các vấn đề về quản lý tài sản, tài liệu. Việc tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy là hết sức quan trọng, đòi hỏi các sở, ban, ngành thành phố phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện khẩn trương triển khai thực hiện ngay sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, bảo đảm đúng tiến độ, kế hoạch”, Kết luận nêu rõ.
Bố trí cán bộ phải công tâm, khách quan
Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố giao Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy sớm ban hành kế hoạch hướng dẫn để triển khai thực hiện. Trong đó lưu ý, công tác cán bộ là vấn đề hết sức hệ trọng; Trung ương đã giao cho Ban Thường vụ các tỉnh, thành ủy có trách nhiệm quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy cấp cơ sở. Đồng thời, Ban Thường vụ, người đứng đầu cấp ủy các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm đánh giá cán bộ, dự kiến sắp xếp cán bộ báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, thẩm định và quyết định chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ủy ban kiểm tra các xã, phường.
Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ theo dõi, chỉ đạo các quận, huyện, thị ủy; các ban, sở, ngành phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.
“Công tác giới thiệu, bố trí cán bộ phải công tâm, khách quan, lựa chọn người có phẩm chất đạo đức tốt, đủ tiêu chuẩn, điều kiện, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu khó khăn, thách thức vì yêu cầu, công việc chung, tránh tình trạng tiêu cực trong công tác cán bộ”, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố chỉ đạo.
Cùng theo Kết luận trên, Ban Thường vụ các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm đánh giá, dự kiến sắp xếp cán bộ, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, quyết định. Trong thời gian sắp xếp, từ nay đến khi có bộ máy chính quyền cơ sở mới, chính quyền cơ sở tiếp tục hoạt động theo quy định.
“Đề nghị cấp ủy, chính quyền các quận, huyện tiếp tục chỉ đạo để tất cả các hoạt động của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan không bị gián đoạn, nhất là những nhiệm vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp; tăng cường công tác quản lý đất đai, kiểm tra, giám sát để ngăn chặn tình trạng vi phạm đất đai xảy ra ở xã, phường, thôn, xóm; không để lấn chiếm ao hồ, đất công, làm nhà trên đất nông nghiệp. Cùng với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, cần chú ý đến công tác quản lý tài sản, tài liệu, không để thất thoát tài sản, thất lạc tài liệu; dự kiến trụ sở làm việc của cấp cơ sở theo hướng dẫn của thành phố”, Thành ủy Hà Nội chỉ đạo.
Quan tâm bố trí vốn cho các công trình trọng điểm
Đối với điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2025 và cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công 5 năm 2021-2025 cấp thành phố, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thống nhất về chủ trương việc điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2025 và cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công 5 năm 2021-2025 cấp thành phố.
Thành ủy đề nghị Đảng ủy UBND thành phố rà soát để thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan. Để bảo đảm việc thực hiện kế hoạch đầu tư công hiệu quả, khả thi, khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố yêu cầu Đảng ủy UBND thành phố tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong khâu giải phóng mặt bằng, nhằm đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, tính toán kỹ khả năng hấp thụ vốn của các dự án để bố trí vốn, tránh điều chỉnh kế hoạch vốn của một dự án nhiều lần.
“Quan tâm bố trí vốn cho các công trình trọng điểm, các dự án thuộc các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục; các công trình, dự án trong lĩnh vực xử lý ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, chất thải, các dự án dân sinh bức xúc, các dự án phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị...”, Kết luận của Thành ủy Hà Nội nêu rõ.