Hà Nội: Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp 30/4 và 1/5
Ngày 24/4, UBND thành phố ban hành Văn bản số 1533/UBND-ĐT về việc phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 01/5/2020.
Theo đó, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Tổng Công ty vận tải Hà Nội, các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ, kinh doanh vận tải tăng cường bảo đảm TT, ATGT và các biện pháp phòng chống dịch Covid - 19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 164/TB-VPCP, ngày 23/4/2020, của Văn phòng Chính phủ về việc thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19.
Nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện, đáp ứng nhu cầu vận tải trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo trật tự và vệ sinh môi trường tại các bến xe, bến tàu,... đổi mới phương thức bán vé, áp dụng bán vé qua mạng internet, đẩy mạnh ứng dụng bán vé điện tử, niêm yết công khai giá vé theo tuyến, ngăn chặn việc đầu cơ, buôn bán vé, tăng giá vé, giá cước vận tải trái phép; đảm bảo an ninh, an toàn, thuận lợi cho hành khách.
Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm về hành chính, kinh tế đối với các trường hợp lái xe không tuân thủ, vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn kỹ thuật phương tiện, TT, ATGT; chỉ đạo các đơn vị quản lý bến xe tăng cường phối hợp với các đơn vị vận tải hành khách công cộng trong việc quản lý phương tiện, xe phải đảm bảo các điều kiện an toàn trước khi xuất bến; giải tỏa các bến hoạt động trái phép.
Sở Giao thông vận tải, Công an Thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Luật phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ; tăng cường bảo đảm TT, ATGT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19;
Chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông vận tải, Cảnh sát giao thông và các lực lượng chức năng thành lập các tổ công tác liên ngành lưu động, duy trì lực lượng 24/24 giờ, xây dựng kế hoạch tuần tra kiểm soát, xử lý dứt điểm các vi phạm lòng đường, lề đường, hè đường và hành lang ATGT để bảo đảm TT, ATGT tại các tuyến đường, các khu vực trọng điểm có nguy cơ tai nạn giao thông; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đảm bảo TT, ATGT đối với loại hình vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, dễ cháy nổ, các hành vi tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông.
Xây dựng phương án tổ chức giao thông, đảm bảo ATGT hợp lý trên các tuyến giao thông trọng điểm, kịp thời giải tỏa ùn tắc đối với các tuyến đường có lưu lượng phương tiện giao thông lớn trong các thời gian cao điểm, không để phát sinh ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút;
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về an toàn lao động, tổ chức giao thông, bảo đảm TT, ATGT và bảo vệ môi trường trên các công trình giao thông đang thi công trên địa bàn Thành phố; Phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị của ngành đường sắt, đường thủy thực hiện các giải pháp đảm bảo ATGT tại các đường ngang giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, các bến tàu, bến đò, cảng đường thủy trên các tuyến sông thuộc địa bàn Thành phố; kịp thời phát hiện các nguy cơ mất an toàn giao thông tại các vị trí nêu trên và phối hợp với các đơn vị quản lý để có biện pháp khắc phục;
Chủ trì cùng các đơn vị liên quan của Bộ Giao thông vận tải, chủ đầu tư, các đơn vị chức năng của các tỉnh lân cận lập phương án đảm bảo việc vận hành, lưu thông qua các trạm thu phí đường bộ (dự án BOT).
UBND thành phố yêu cầu Sở Giao thông vận tải, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát, duy tu, duy trì cầu và đường, cầu đi bộ, sửa chữa kịp thời các hư hỏng, vá ổ gà để đảm bảo đường, cầu thường xuyên êm thuận; bổ sung, sửa chữa kịp thời các biển báo, rào chắn, sửa chữa đèn tín hiệu, nắp hố ga, nhất là trên các tuyến phố chính có lưu lượng phương tiện giao thông cao,... không để xảy ra tai nạn giao thông do nguyên nhân hạ tầng giao thông kém chất lượng; kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thi công tăng cường công tác tổ chức giao thông, bảo đảm giao thông, có người hướng dẫn, không gây ùn tắc giao thông do thi công các công trình.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã, Văn phòng Ban An toàn giao thông Thành phố, Thành đoàn Hà Nội, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các báo của Thủ đô tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định của pháp luật về TT, ATGT đến các tổ dân phố, cụm dân cư, làng, xóm, thôn, bản, trường học, đoàn viên, thanh niên và các biện pháp phòng tránh tai nạn giao thông; đặc biệt quan tâm phòng tránh tai nạn đắm đò, tai nạn xe mô tô, xe khách
Sở Y tế chỉ đạo cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn Thành phố tăng cường lực lượng, phương tiện, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh và máu để đảm bảo khả năng cao nhất trong việc cứu chữa nạn nhân tai nạn giao thông, giảm thiểu thiệt hại về người trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông.