Hà Nội: Bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ, tạo sinh kế cho người dân
Xác định phát triển du lịch là mục tiêu mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội của thị xã, do đó trong những năm qua, thị xã Sơn Tây đã triển khai thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ.
Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) là một quần thể di tích có mật độ dày đặc, với 50 di tích có giá trị, trong đó nhiều di tích đã được nhà nước xếp hạng (gồm 7 di tích cấp quốc gia, 2 di tích và 10 ngôi nhà cổ được xếp hạng cấp tỉnh), ngoài ra còn lưu giữ được gần 100 ngôi nhà cổ giá trị đặc biệt có niên đại trên 100 năm và gần 1.000 ngôi nhà truyền thống nông thôn vùng đồng bằng bắc bộ; 5 thôn trong khu vực di tích Làng cổ có gần 1.500 hộ dân, với hơn 6.000 nhân khẩu đang sinh sống.
Theo ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), là một trong những ngôi làng có truyền thống lịch sử lâu đời, Đường Lâm còn là nơi gìn giữ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu của vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhiều ngôi nhà và công trình kiến trúc cổ có giá trị hàng trăm năm.
Cấu trúc của làng lại có những nét đặc trưng riêng như các thôn ở trung tâm nằm liền kề nhau, ranh giới quy ước giữa các thôn thường là các con đường bao thôn, giếng nước hay đền miếu, không có sự phân chia khép kín bởi những lũy tre hay cánh đồng.
“Đây chính là các giá trị văn hóa cơ bản, đem lại hơi thở cho "di sản sống" Đường Lâm”,ông Nguyễn Đăng Thạo nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đăng Thạo cho biết, hiện nay, lượng khách du lịch đến Đường Lâm khá đông và đa dạng, ngoài các đoàn khách nghiên cứu khảo cổ học, lịch sử... thì hàng năm rất đông khách trong nước và quốc tế tham quan tìm hiểu văn hóa vùng miền, trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống, trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp địa phương.
Theo báo cáo của UBND thị xã Sơn Tây, xác định phát triển du lịch là mục tiêu mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội của thị xã, do đó trong những năm qua, thị xã Sơn Tây đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ. Tổ chức các lớp tập huấn về thực hiện Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm, phát triển du lịch cho các hộ dân tại di tích, quản lý trật tự xây dựng, đào tạo bồi dưỡng kỹ năng về chuyên môn cho đội ngũ nhân lực làm công tác du lịch trên địa bàn.
Năm 2014, TP Hà Nội ban hành Đề án "Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ ở xã Đường Lâm". The đó, hỗ trợ, đầu tư 15 nội dung như đầu tư tu bổ các di tích được xếp hạng đã bị xuống cấp, đầu tư tu bổ các ngôi nhà cổ bị xuống cấp, đầu tư bảo tồn phát huy giá trị di tích làng cổ với các nội dung như thiết kế mẫu nhà điển hình, hỗ trợ các hộ dân có nhà cao tầng hạ thấp độ cao và hỗ trợ lãi xuất tiền vay cho các hộ có nhu cầu xây dựng cải tạo nhà phù hợp với cảnh quan... với tổng kinh phí trên 456.000 tỷ đồng, riêng đầu tư dự án đất giãn cư (giãn dân làng cổ) là 258 tỷ đồng.
Trên cơ sở Quyết định trên, thị xã đã tích cực chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án, đến nay, đã thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư tu bổ tôn tạo các di tích trên địa bàn xã Đường Lâm được 13 dự án. Các nội dung hỗ trợ người dân như miễn phí lập hồ sơ thiết kế xin phép xây dựng, tư vấn thiết kế mẫu nhà điển hình phù hợp với quy hoạch được người dân tại di tích đồng tình, ủng hộ cao, đến nay đã thiết kế miễn phí cho người dân 243 bản thiết kế mẫu nhà với tổng kinh phí 895 triệu đồng.
Thị xã Sơn Tây cũng quan tâm đầu tư, trong giai đoạn 2016-2020 TP, Thị xã đã quan tâm, bố trí nguồn lực để đầu tư cho 14 dự án với tổng nguồn vốn đã bố trí 152.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đăng Thạo cho biết thêm, các dự án được hoàn thành đều đã phát huy được hiệu quả trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, được Nhân dân tại di tích đón nhận và ủng hộ; các dự án tu bổ tôn tạo các di tích (như đình Cam Thịnh, Đền và Lăng vua Ngô Quyền, các điếm giếng..), các nhà cổ bị xuống cấp được triển khai kịp thời đã góp phần giữ gìn bảo tồn đồng thời phát huy được giá trị của các di tích trong đời sống hiện đại ngày nay.
Hiện các điểm di tích và nhà cổ này vừa là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng vừa là điểm thu hút đông đảo du khách tham quan du lịch đến tìm hiểu và nghiên cứu, trải nghiệm; đặc biệt phần lớn các nhà cổ được tu bổ trong Đề án hiện đang tổ chức các hoạt động du lịch phục vụ du khách góp phần tạo thêm thu nhập kinh tế cho gia đình, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, từ đó người dân đã ngày càng nâng cao ý thức về việc bảo tồn nhà cổ.
Thực hiện triển khai đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo sinh kế cho người dân, thị xã đã tập trung chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với thương mại, dịch vụ tại làng cổ ở Đường Lâm, khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch nhằm khai thác hiệu quả các giá trị của di tích Làng cổ ở Đường Lâm.
“Hiện nay thị xã cũng đang xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình hỗ trợ người dân tại Đường Lâm phát triển sản xuất và xây dựng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm tương, sản phẩm Bánh gai Đường Lâm để cung cấp cho Nhân dân và du khách”, ông Nguyễn Đăng Thạo cho hay.