Phương tiện mô tô, xe máy ngang nhiên lưu thông vào làn cao tốc dành cho ô tô trên tuyến đại lộ Thăng Long.
Tình trạng người điều khiển phương tiện mô tô, xe máy ngang nhiên lưu thông vào đường cao tốc dành cho ô tô trên tuyến đại lộ Thăng Long xuất hiện từ lâu đến nay vẫn tồn tại.
Chiều nay (17/2), có mặt trên tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long chiều từ Hà Nội hướng đi Hòa Lạc khoảng 1 giờ đồng hồ, PV Báo Giao thông đếm được có đến 80 phương tiện xe máy di chuyển vào đường dành riêng của ô tô. Quá trình lưu thông các phương tiện cấm này đều đi rất nhanh, lao vun vút.
Trong khi đó, chỉ mới đây, tại km14+850 thuộc xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, 1 người đàn ông điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc đại lộ Thăng Long đã va chạm với xe ô tô khiến tài xế xe máy tử vong tại chỗ. Hay trước đó, vào tháng 7/2022, cũng trên cao tốc này đã xảy ra vụ tai nạn chết người giữa ô tô và 1 xe máy tại km30; nguyên nhân được xác định là do nạn nhân đi xe máy vào cao tốc.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VP luật sư Tinh thông luật cho biết, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định: Người điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc, trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng. Đặc biệt, xe máy đi vào đường cao tốc gây TNGT, mức phạt cao hơn, từ 4 - 5 triệu đồng. Ngoài ra, người điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 3-5 tháng, và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp gây tai nạn. Quy định là thế, nhưng rõ ràng ý thức của người dân vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc chấp hành.
Người lái xe máy điều khiển vào đường cao tốc nhưng một tay lái xe
Anh Nguyễn Văn Mạnh, lái xe ô tô thường xuyên đi trên Đại lộ Thăng Long hết sức bức xúc khi nhiều xe máy thản nhiên đi vào đường cao tốc. "Nhiều khi đang di chuyển với tốc độ cao, bất ngờ nhìn thấy xe máy, không kịp phản ứng nguy cơ TNGT rất nghiêm trọng, ảnh hưởng tới nhiều người", anh Mạnh nói.
Khu vực đường gom dành cho phương tiện lưu thông hỗn hợp vẫn còn nhiều khoảng rộng, không ùn tắc, song, nhiều chủ phương tiện xe máy vẫn vô tư phóng vào đường cao tốc phía bên.
Trước khi vào đường, đơn vị quản lý đã thiết lập biển cấm xe máy nhưng người di chuyển vẫn "phớt lờ".
TS Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT cho biết, hành vi đi xe máy vào đường cao tốc cần đặc biệt xử lý nghiêm vì mức độ nguy hiểm lớn, có thể gây ra các tai nạn liên hoàn và vô cùng thảm khốc. Ngoài việc nâng mức phạt về hành chính, cần phải bổ sung thêm hình phạt tạm giữ phương tiện.
“Giám sát và xử lý nghiêm là hết sức cần thiết”, TS Hiếu nhấn mạnh và cho rằng nên ứng dụng công nghệ, có thể là nhận diện tự động sự xuất hiện của hành vi vi phạm tại khu vực cụ thể để lực lượng chức năng tiếp cận kịp thời và xử lý vi phạm, Bởi quân số mỏng, CSGT không thể dàn quân ở tất cả các nút giao cắt hay lối vào các đường cao tốc.
Luật sư Bình cũng nhấn mạnh việc bổ sung thêm hình thức xử phạt tạm giữ phương tiện để tăng tính răn đe. Cùng với đó, có cách thức lưu giữ thông tin vi phạm, làm căn cứ tăng nặng mức phạt nếu tái phạm. Bên cạnh tuần tra kiểm soát, lực lượng chức năng nên áp dụng phạt nguội thông qua hệ thống camera giám sát.