Chưa đầy một tuần nữa, người dân thủ đô sẽ bước vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 kéo dài 4 ngày. Ghi nhận của PV Báo Giao thông, các bến xe là đều được trang hoàng, vệ sinh sạch sẽ, xe khách đi các tỉnh tề tựu sân bến, nhân viên nhà xe tăng thêm người... sẵn sàng phục vụ hành khách đi lại dịp cao điểm.
Hành khách ngồi chờ mua vé ở bến xe Nước Ngầm chiều 23/8.
Theo nhân viên bến xe, vài năm trước đến thời điểm này ồ ạt người dân tới đặt vé cho gia đình nhưng năm nay số lượng người mua vé chưa nhiều. Đa số hành khách mua vé online thay vì tới tận nơi.
Lãnh đạo bến xe Nước Ngầm cho hay: Một số chuyến xe đã được đặt mua hết chỗ. Dịp này, bến chuẩn bị 100 xe tăng cường cho các tuyến có nhu cầu cao. Hiện tại xe khách đi các tỉnh được tập kết ở sân bến, các quy trình mua vé, đón khách, xuất bến được thực hiện tuần tự, có giám sát của nhân viên bến xe. Đến nay chưa có bất kỳ nhà xe nào kiến nghị tăng giá vé".
Quan sát của PV, mỗi nhà xe bố trí 3 - 4 nhân viên tăng cường hơn trước đó. Nhà xe Quỳnh Anh đi tuyến Hà Nội - Nghệ An cho biết, tới thời điểm này giá vé vẫn được giữ nguyên, 280 nghìn đồng/vé, có xe trung chuyển hai đầu bến. Trung bình mỗi chuyến xe của đơn vị đạt 25 hành khách.
Ông Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội cho hay, các bến xe do công ty quản lý đã hoàn tất việc chuẩn bị phục vụ dịp cao điểm sắp tới. Bến xe Giáp Bát dự kiến tăng cường 252 lượt, bến xe Gia Lâm tăng cường 88 lượt và bến xe Mỹ Đình tăng cường 298 lượt. Tại Bến xe Giáp Bát, dự báo lượng khách sẽ tăng khoảng 200%, tương đương với 12.000 lượt hành khách/ngày.
Một số tuyến dự kiến sẽ có lượng hành khách tăng mạnh như: Phú Thọ, Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Thái Bình, Lào Cai, Sơn La. Dự kiến lưu lượng hành khách sẽ bắt đầu tăng cao từ chiều tối 31/8 đến hết ngày 5/9/2023.
Nhân viên bến xe Giáp Bát kiểm tra xe khách trước khi cho phép xe xuất bến.
Bạn Nguyễn Mạnh Tuấn (Hoàng Mai, Hà Nội) nhiều năm quay lại di chuyển xe khách về quê bày tỏ: "Lên xe cảm giác giật mình khi cả hành trình từ Hà Nội về Nam Định chỉ có vỏn vẹn hai hành khách. Chạy "rỗng" như này doanh nghiệp vận tải lỗ là chắc. Trước đây mình di chuyển thấy xe nào cũng kín ghế dù là ngày đầu tuần. Giờ người dân đi lại èo uột thế này do chuyển sang các loại xe trá hình, đi chung, ghép chuyến... theo mình cần xử lý nghiêm để tạo sự công bằng trong khi doanh vận tải, đến với bến xe bao giờ cũng tạo cho hành khách cảm giác an toàn".
Tại bến xe Mỹ Đình, lượng khách trong các ngày cao điểm khoảng 12.000 lượt/ngày, tăng lên hơn 200% so với ngày thường, chủ yếu ở các tuyến đi Lào Cai, Phú Thọ, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh, Cao Bằng…
Quan sát của PV, bến xe thủ đô đã có nhiều nỗ lực, cải thiện chất lượng, dịch vụ trong công tác phục vụ hành khách. Khu vực chờ xe khách trong bến xe Mỹ Đình không khác gì không gian nơi khách sạn.
Nhân viên nhà xe sắp xếp đồ đạc cho hành khách trước chuyến đi.
Ông Đào Việt Long - Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay đã có văn bản nghiêm cấm các doanh nghiệp bỏ chuyến để đưa phương tiện vận chuyển khách hợp đồng. Doanh nghiệp nào cố tình bỏ chuyến và nốt, cơ quan quản lý tuyến sẽ căn cứ theo quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp tuyệt đối không được lợi dụng lượng hành khách cao để tăng giá ở mức cao, thu cao hơn mức giá kê khai và lập phương án giá theo đúng các chi phí hợp lý phát sinh.
Lê Tươi - Biển Ngọc