Hà Nội bổ sung gần 300 dự án thu hồi đất và chuyển đổi đất lúa trong năm 2025

HĐND TP. Hà Nội đã thông qua danh mục điều chỉnh, bổ sung hàng loạt dự án thu hồi đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa với quy mô hàng nghìn hecta.

Tại Kỳ họp thứ 22, HĐND TP. Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa năm 2025, tạo tiền đề cho hàng loạt công trình phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công cộng trên toàn Thành phố.

Theo Nghị quyết được thông qua, 279 dự án mới sẽ được bổ sung vào danh mục thu hồi đất trong năm 2025, với tổng diện tích lên tới 2.767,78ha. Bên cạnh đó, Thành phố cũng bổ sung 22 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, với diện tích 99,53ha.

Ngoài danh mục mới, Hà Nội cũng tiến hành điều chỉnh diện tích thu hồi tại các dự án đã có trong nghị quyết trước. Cụ thể, tăng diện tích thu hồi đất tại 39 dự án với tổng diện tích 72,60ha, giảm diện tích tại 9 dự án (4,57ha), và bổ sung thêm đất trồng lúa tại 48 dự án (172,71ha). Đồng thời, có 12 dự án được điều chỉnh tên, địa danh mà không thay đổi diện tích đất liên quan.

Về nguồn vốn giải phóng mặt bằng, HĐND Thành phố cho biết các dự án sử dụng ngân sách Thành phố sẽ được bố trí vốn trong Nghị quyết phân bổ dự toán ngân sách năm 2025. Các dự án thuộc ngân sách cấp huyện sẽ do các quận, huyện, thị xã chủ động bố trí, trong khi các dự án ngoài ngân sách sẽ do chủ đầu tư tự sắp xếp theo tiến độ triển khai.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Thành phố cho rằng cần làm rõ tính khả thi của việc bố trí vốn đối với một số dự án vẫn còn trong giai đoạn chủ trương, chưa được phê duyệt đầu tư hay chưa có nguồn vốn cụ thể. Điều này càng cấp thiết trong bối cảnh cấp chính quyền cấp huyện dự kiến kết thúc hoạt động từ 1/7/2025 theo kế hoạch tổ chức lại đơn vị hành chính.

Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Nguyễn Minh Tuân, Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Thành phố cho biết, các Ban của HĐND thống nhất với 5 tiêu chí rà soát danh mục dự án thu hồi đất và 4 tiêu chí lập danh mục chuyển đổi đất trồng lúa mà UBND Thành phố đề xuất. Tuy nhiên, cần bổ sung ghi chú cụ thể về tăng - giảm diện tích thu hồi và chuyển đổi đất của từng dự án, đồng thời làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của các điều chỉnh lớn.

Hiện, nhiều dự án chuyển mục đích đất trồng lúa vẫn còn thiếu các báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Nghị định 102/2024/NĐ-CP, cũng như phương án sử dụng tầng đất mặt (điều kiện bắt buộc trong quy định về trồng trọt). Một số địa bàn như Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh, Phúc Thọ, Thạch Thất... đều có dự án nằm trong danh sách cần bổ sung hồ sơ.

Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường giải trình trước HĐND Thành phố Hà Nội.

Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường giải trình trước HĐND Thành phố Hà Nội.

Giải trình trước HĐND, ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, nguyên nhân điều chỉnh diện tích tại nhiều dự án chủ yếu do sai lệch giữa dự kiến ban đầu và kết quả khảo sát thực tế. Khi lập kế hoạch đầu tư, các UBND cấp huyện thường mới chỉ ước lượng sơ bộ diện tích cần thu hồi. Sau khi có biên bản xác định ranh giới phục vụ giải phóng mặt bằng, các địa phương đã tiến hành điều tra, kiểm đếm cụ thể để điều chỉnh lại cho chính xác.

Trên cơ sở ý kiến của Ban Kinh tế - Ngân sách, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp UBND các địa phương bổ sung, làm rõ toàn bộ lý do tăng - giảm diện tích từng dự án, bảo đảm tính minh bạch và thống nhất trong triển khai.

Việc điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án thu hồi đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa lần này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Hà Nội đang tập trung đầu tư mạnh vào hạ tầng, đô thị hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, đến quy hoạch sử dụng đất và đảm bảo an ninh lương thực.

Chính vì vậy, yêu cầu về sự minh bạch, rõ ràng trong căn cứ pháp lý, đánh giá tác động môi trường, phương án sử dụng đất và tiến độ triển khai dự án cần được thực hiện nghiêm túc. Đồng thời, công tác tuyên truyền, đối thoại với người dân trong vùng bị ảnh hưởng cũng là yếu tố then chốt để bảo đảm quá trình thu hồi, chuyển đổi đất diễn ra thuận lợi, đồng thuận.

Các dự án sau khi được điều chỉnh, bổ sung sẽ góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn hạ tầng, mở rộng không gian phát triển đô thị và nâng cao chất lượng sống cho người dân Thủ đô trong những năm tới.

Linh Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/batdongsan/ha-noi-bo-sung-gan-300-du-an-thu-hoi-dat-va-chuyen-doi-dat-lua-trong-nam-2025-d275223.html