Hà Nội bứt tốc giải quyết 3 nhiệm vụ quan trọng, cấp bách
Bứt tốc thực hiện các giải pháp về giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2025, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và xử lý ô nhiễm môi trường không khí là tinh thần chung được nêu ra tại cuộc làm việc của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng đại diện các bộ, ngành trung ương với UBND thành phố Hà Nội vào ngày 26-3. Dự hội nghị về phía thành phố Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố: Nguyễn Trọng Đông, Dương Đức Tuấn. Buổi làm việc được kết nối trực tuyến đến điểm cầu UBND các quận, huyện, thị xã.

Thành phố Hà Nội đang tập trung giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án đầu tư xây dựng đường 2,5 đoạn Đầm Hồng - quốc lộ 1A (quận Hoàng Mai). Ảnh: Đức Anh
Giải phóng mặt bằng là khâu vướng mắc nhất
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, vướng mắc lớn nhất khi triển khai dự án là khâu giải phóng mặt bằng. Thành phố có 4 dự án sử dụng vốn sách trung ương; 62/282 dự án cấp thành phố và 31/570 dự án cấp huyện sử dụng ngân sách thành phố gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Một số dự án trải qua quy định của hai Luật Đất đai tồn tại hai chính sách hỗ trợ khác nhau. Điển hình như dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến số 2, Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá đều chậm tiến độ, không đạt kế hoạch giải ngân vốn hằng năm và phải đề xuất chuyển sang giai đoạn 2026-2030 đều do giải phóng mặt bằng chậm.
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành, địa phương của Hà Nội cũng trao đổi cụ thể những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị các bộ, ngành giải pháp tháo gỡ.
Về giải pháp, UBND thành phố Hà Nội đề nghị, Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa đổi đồng bộ các quy định tại các luật chuyên ngành, Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước, xác định nhiệm vụ của chính quyền các cấp, trên cơ sở đó chuyển giao các dự án cấp huyện đang thực hiện về các đơn vị mới…
Trong năm 2025, thành phố Hà Nội phấn đấu khởi công 3 công trình cầu qua sông Hồng (các cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi), trong đó cầu Tứ Liên dự kiến khởi công vào ngày 19-5. Để đáp ứng được tiến độ trên, UBND thành phố Hà Nội đề nghị, Chính phủ, Quốc hội xem xét điều chỉnh Luật Đấu thầu và các Nghị định liên quan để đẩy nhanh chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách.
Đối với tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình với trung tâm Thủ đô Hà Nội, thành phố kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, chỉ đạo thống nhất phương án tuyến và cơ chế, phương thức đầu tư để UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Bắc Ninh sớm triển khai.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công trong quý I-2025 của Hà Nội thấp hơn mức trung bình. Thực tế, Hà Nội đã chủ động, song giai đoạn này là giai đoạn chuẩn bị, từ nay đến cuối năm là thời điểm giải ngân và bứt tốc.
Phó Thủ tướng ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của UBND thành phố Hà Nội và lưu ý Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ sau buổi làm việc xác định rõ, kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội.
Về 3 công trình lớn (các cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi), Hà Nội báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lý do cần triển khai sớm, đồng thời cam kết thực hiện đầy đủ trách nhiệm, chọn nhà đầu tư có năng lực... Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để đưa vào Nghị quyết của Chính phủ…
Cần ban hành quy chuẩn cao hơn với phương tiện cá nhân
Tại buổi làm việc, liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường tại Hà Nội, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Lê Kim Thành cho hay, 56-65% ô nhiễm môi trường không khí xuất phát từ hoạt động giao thông vận tải. Tại Hà Nội, thống kê hiện có 1,2 triệu ô tô và gần 8 triệu xe máy, 70% sử dụng trên 10 năm, tạo ra nguồn phát thải rất lớn.
Để giải quyết ô nhiễm, các bộ, ngành phải hỗ trợ thành phố Hà Nội ban hành quy chuẩn khí thải với ô tô, xe máy; sớm triển khai kiểm định khí thải xe máy; tiếp tục kiểm soát nguồn gây ô nhiễm như công trình xây dựng, vận chuyển vật liệu xây dựng không che phủ, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch; tiếp tục phát triển phương tiện vận tải xanh…
Liên quan đến an toàn giao thông, Trung tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đánh giá, việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông của thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Môi trường giao thông đẹp, văn minh, an toàn hơn. Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cũng nêu một số bất cập trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố, trên cơ sở đó, Công an thành phố cần tiếp tục tham mưu với UBND thành phố chỉ đạo các ngành liên quan rà soát tổng thể, đánh giá toàn diện, tìm ra các bất hợp lý trong tổ chức giao thông, có kế hoạch cải tạo, mở rộng hạ tầng giao thông; nghiên cứu, có lộ trình giảm phương tiện cá nhân tại một số địa bàn…
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, qua ý kiến của các bộ, ngành; các sở, ngành, quận, huyện, thị xã của thành phố thêm tự tin để triển khai một số dự án trọng điểm của thành phố. Hà Nội sẽ đăng ký thực hiện mô hình "Thành phố an toàn giao thông" và tích cực thúc đẩy, kết hợp với các chương trình, đề án về giao thông thông minh, đô thị thông minh, phát triển giao thông công cộng xanh…
"Là địa phương trọng điểm về ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, Hà Nội đã triển khai một số dự án cụ thể trong đó có các giải pháp làm sạch sông Tô Lịch; đồng thời tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học, tham khảo kinh nghiệm các nước. Hà Nội mong muốn nhận được sự tham gia, hợp tác chặt chẽ của các địa phương trong vùng Thủ đô", đồng chí Trần Sỹ Thanh nói.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội. Ảnh: Phạm Linh
Kết luận về những vấn đề đặt ra tại cuộc làm việc, đối với việc giải quyết ô nhiễm môi trường, xử lý ô nhiễm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, Trung ương sẽ cùng Hà Nội giải quyết vấn đề. Trước đề xuất của Hà Nội nghiên cứu cơ chế phối hợp giữa bộ - tỉnh và tỉnh - tỉnh để trao đổi dữ liệu về môi trường, xử lý ô nhiễm liên vùng, liên tỉnh, Phó Thủ tướng thống nhất giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về giải quyết ô nhiễm không khí cho thành phố Hà Nội đặt trong Vùng Thủ đô, thống nhất kế hoạch cụ thể, trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành, địa phương, kèm theo cơ chế hoạt động.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Hà Nội và các địa phương khẩn trương xây dựng đề án, trong tháng 4-2025 thành lập xong Ban Chỉ đạo và trình Ban Chỉ đạo quy chế hoạt động, quy chế làm việc… “Hà Nội cần đánh giá, nếu nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông do phương tiện cá nhân quá nhiều thì cần hạn chế bằng cách dùng các công cụ kinh tế để điều tiết, không nên cấm bằng biện pháp hành chính”, Phó Thủ tướng gợi ý.
Về vấn đề bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Phó Thủ tướng đề nghị, Hà Nội chủ động làm việc với các bộ, ngành đưa ra phương án bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Với các chính sách có phạm vi tác động lớn, Hà Nội báo cáo Trung ương quyết định. Để tiếp tục phát huy hiệu quả của Nghị định 168/2024/NĐ-CP, Hà Nội cùng Bộ Công an đưa toàn bộ việc quản lý phương tiện giao thông bằng các công cụ giám sát thông minh. Việc này cần làm ngay và Hà Nội có đủ điều kiện để đi đầu cả nước.