Hà Nội: Các con không học bán trú, bài toán khó với phụ huynh
Việc Hà Nội không tổ chức bán trú cho học sinh tiểu học là bài toán khó với phụ huynh khi phải cân đối giữa công việc và đưa đón con đi học.
Theo quyết định mới nhất của UBND TP Hà Nội, toàn bộ 1,6 triệu học sinh phổ thông ở Hà Nội sẽ học trực tiếp, sau hơn 9 tháng ở nhà học trực tuyến. Còn khoảng 600.000 trẻ mầm non, thành phố chưa công bố kế hoạch trở lại trường của các em.
Phụ huynh khó xoay sở
Tối 15/2, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ký văn bản đồng ý với đề xuất của Sở GD&ĐT về việc cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 thuộc 12 quận nội thành đi học trở lại từ 21/2.
Theo đó, Hà Nội chỉ tổ chức dạy học trực tiếp ở các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2; các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 3, cấp độ 4 tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến; học sinh cư trú tại địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 3, cấp độ 4 không đến trường mà ở nhà học trực tuyến. Các trường chỉ tổ chức dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày; Hà Nội không tổ chức học bán trú, căn tin ăn uống trong trường.
Nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng về việc Hà Nội không tổ chức bán trú cho học sinh. Chị Hồng Minh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, nhà chị cả 2 vợ chồng đều đi làm, không có thời gian đón con vào giữa giờ. Khó khăn lớn nhất là nhà chị Minh có 1 cháu học sáng, một cháu học chiều nên rất khó để đưa đón cũng như trông con. “Con đi học trực tiếp chắc bố mẹ lại phải làm việc online”, chị Minh than vãn.
Không chỉ gia đình chị Minh mà rất nhiều gia đình khác cũng rơi vào tình trạng tương tự khi không biết phải sắp xếp đưa đón con thế nào? Vợ chồng anh Phong (Ba Đình, Hà Nội) cũng phải đi xuyên. Một con nhỏ gửi được hàng xóm nhưng còn con lớn đi học nửa ngày không biết sẽ nhờ ai đón. Việc không tổ chức học bán trú rõ ràng đang khiến nhiều gia đình đang không biết xoay sở thế nào? Và không biết sẽ kéo dài trong bao lâu?.
Cần thiết khôi phục học bán trú
Liên quan đến việc tổ chức cho học sinh tiểu học đi học trở lại, Th.S Nguyễn Thị Tuyết - chuyên gia giáo dục khẳng định, cần sớm khôi phục hình thức học bán trú. Theo bà Tuyết, việc cho con đi học nửa ngày để tiếp cận dần thực ra gây cực kỳ nhiều khó khăn cho cả 2 bên.
Riêng nhà trường có nhiều bất lợi khi họ không nhận bán trú. Việc chỉ dạy nửa ngày cứ nghĩ có nhiều thời gian để dành cho công tác phòng chống dịch nhưng thực tế có rất nhiều bất cập. Về phía phụ huynh đưa đón con ngày 2 lần nhưng giữa chừng sẽ tăng nguy cơ tiếp xúc càng nhiều.
“Việc đi đón giữa chừng phụ huynh lại phải sắp xếp công việc, sắp xếp người ở nhà trông. Bình thường gửi cả ngày còn dễ, bây giờ đi học nửa ngày thì rất khó có ai nhận trông nửa ngày. Lại thêm một lần nữa phải sắp xếp mà không biết kéo dài tới khi nào mới học bán trú”, bà Tuyết nói.
Bà Tuyết cho biết thêm, một phép tính đơn giản khi sáng phụ huynh đưa đi, chiều đón thì có khoảng buổi tối là xác định có an toàn hay không. Trong khi buổi sáng chưa biết phụ huynh tiếp xúc với ai nhưng phải đi đón con mà chưa kịp kiểm chứng. Nếu không đi đón được con thì phải nhờ người khác đón thì việc tiếp xúc với người lạ sẽ khiến nguy cơ lây nhiễm càng cao. “Thời gian ngắn từng nào thì nguy cơ tiếp xúc càng cao. Nếu phải nhờ người khác đưa đón thì lại thêm một nguy cơ khi tiếp xúc với người lạ”, bà Tuyết phân tích thêm
Về tính hiệu quả, bà Tuyết cho rằng với trẻ mầm non, để ổn định tâm lý một đứa trẻ là phải có giấc ngủ trưa. Với trẻ cấp 1, nếu học đến 12h mới đi đón về thì phải đến 12h30 hoặc muộn hơn mới có thể ăn trưa. Đến lúc đó tâm thế của học sinh cực kỳ mệt, không có thời gian nghỉ, chế độ ăn uống sinh hoạt bị lệch nhịp. Trong khi đó, buổi chiều học sinh lại học online, học tăng cường mà không được nghỉ. Còn nếu học bán trú thì sẽ ổn định chế độ sinh hoạt của trẻ, buổi chiều có thể tiếp tục học tại trường từ hoạt động này sang hoạt động khác. Không bị ngắt quãng bởi quãng thời gian đưa đón.
Liên quan đến việc học bán trú, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định: “Với các trường mầm non và học sinh phổ thông trước đây có điều kiện tổ chức cho học sinh bán trú thì tại thời điểm này chúng tôi nhất quán chỉ đạo nên và cần thiết khôi phục lại các hoạt động trong đó có hoạt động bán trú đối với học sinh. Tinh thần chung cần phải khôi phục hoạt động này trong phạm vi cả nước”.